Ẩn họa từ bánh trung thu trôi nổi

author 08:22 31/08/2013

Mới chuẩn bị vào mùa nhưng sản phẩm trôi nổi, không nhãn mác, không đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm vẫn xuất hiện.

Sự kiện: Bệnh ung thư và cách phòng tránh

 Muốn in tên nào cũng có

Những ngày này, mặt hàng bánh Trung thu chỉ mới được bày bán rải rác. Tuy vậy, dạo quanh chợ Bình Tây, tình hình tại các sạp bán vỏ (chén) nhựa đựng bánh Trung thu, bao bì, hộp bánh làm sẵn… lại khá nhộn nhịp. Giá vỏ nhựa đựng bánh Trung thu thấp nhất 400 đồng/cái. Bao bì có hai loại, loại dùng dán ngay 85.000 đồng/kg, loại đem về dùng máy ép lại khoảng 115.000 đồng/kg. Giá hộp giấy đựng bánh loại xếp 6.300 đồng/hộp, muốn in tên cơ sở lên thêm 500 đồng/hộp… Trên bao bì in sẵn thành phần nhưng ngày sản xuất, hạn sử dụng để trống.

Người tiêu dùng thận trọng khi mua bánh trung thu không rõ nguồn gốc (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Người tiêu dùng thận trọng khi mua bánh trung thu không rõ nguồn gốc (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Trong vai người mua vỏ, hộp về đựng bánh, chúng tôi gặp bà Nguyễn T. (quận Gò Vấp) đang mua một loạt vỏ nhựa/giấy về để cho bánh vào. Bà cho biết mình chủ yếu bỏ mối cho nhà hàng, cá nhân làm quà biếu tặng, mỗi lần vài chục hộp. “Tui mua bao bì ở chợ về rồi gửi cho cơ sở MT của đứa em đóng gói, khi hàng chuyển trở lại thì đem giao đại lý. Nếu em muốn lấy thì xuống cơ sở xem mặt bánh, lấy nhiều hay ít lúc đó thỏa thuận chiết khấu. Đảm bảo bánh ở đây ngon hơn của hãng X., chất lượng mà lại rẻ hơn. Có giấy tờ an toàn vệ sinh thực phẩm đầy đủ nên em yên tâm!” - bà giới thiệu.

Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm cơ sở bà T. nói thì không thấy đâu (?!)

Bà M., chủ một cơ sở ở Gò Vấp cũng ra sức tiếp thị sản phẩm với chúng tôi: “Yên tâm! Chị không cho hóa chất gì hết, nước đường cho dứa và chanh vào là thơm ngon tinh khiết. Dù chưa có thương hiệu nhưng ăn thua đại lý có quảng cáo bánh của mình hay không thôi. Cơ sở chị chỉ làm một loại là gà quay Jambon giá 75.000 đồng/bánh 250 g trong khi bánh của hãng X. 100.000 đồng”.

Chúng tôi tìm đến địa chỉ cơ sở bà M. đưa thì đó là nhà riêng, phía trước bày bán hoa giả, bên trong sản xuất bánh. Lúc đến, “cơ sở” này bày biện sẵn trên bàn hơn chục cái để người mua xem, dưới bàn lẫn lộn bao bì và vỏ hộp. Bà M. dẫn xuống bếp, chỉ vào nồi nước đường vừa nấu xong trên bề mặt lềnh bềnh xác thơm và tắc. Gần đó là lò vi ba đang nướng hơn chục cái nằm giữa đống đồ lộn xộn...

Tương tự, chúng tôi đến cơ sở GP trên đường Văn Thân, quận 6, được chủ cơ sở giới thiệu những chiếc bánh Trung thu đóng gói bao bì có để tên thương hiệu của mình. Bày tỏ lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ cơ sở đưa ra hẳn một bộ giấy tờ có liên quan nhưng là bản phôtô cấp từ năm 2012, không có con dấu chứng thực sao y…

Cần tăng cường kiểm tra cơ sở nhỏ

Ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc DNTN Bánh kẹo Á Châu ABC, cho biết để làm bánh Trung thu chất lượng thì quy trình sản xuất từ lúc xào nhân, bảo quản nhân, đóng gói… là quan trọng nhất. Nếu sơ ý có thể gây ảnh hưởng toàn bộ quy trình. Hạn sử dụng một chiếc bánh ít nhất là 30 ngày, lâu nhất là 60 ngày, nếu làm không đạt kỹ thuật thì 20 ngày là bánh bị mốc.

Một số DN sản xuất bánh Trung thu cho biết hiện trên thị trường có một số nguyên liệu làm bánh Trung thu nhập không chính ngạch từ Trung Quốc, chưa được quản lý chặt chẽ. 

Theo đại diện của Bibica, các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm đang kiểm tra gắt gao về chất lượng bánh Trung thu nhưng sản phẩm trôi nổi, không nhãn mác, không đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm vẫn xuất hiện.

Mới đây, UBND TP.HCM đã giao cho Sở Y tế chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai đợt thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng dịp Trung thu. Nếu phát hiện cơ sở, sản phẩm vi phạm phải thông báo kịp thời lên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết rõ và lựa chọn.

Theo PLTP

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang