Bí thư Đinh La Thăng: Thực phẩm bẩn tràn lan vì 'cả làng đều vui, ăn bẩn vẫn vui'

author 12:11 27/04/2016

(VietQ.vn) - Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng không tin vấn nạn thực phẩm bẩn đang giảm, vì nó đang diễn ra rất phức tạp và không ai nhận trách nhiệm.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra sáng 27/4 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam chủ trì, Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng cho rằng tình hình an toàn thực phẩm hiện nay là đáng báo động, tràn lan, phức tạp, nguy hiểm. 

Ông Thăng thẳng thắn: “Các số liệu mà các Bộ đưa ra, tỷ lệ thực phẩm bẩn chỉ có 5% - 7%. Tôi không tin, vì thực tế nó phức tạp hơn nhiều. Các cơ quan chức năng tích cực thực hiện có giảm không, câu trả lời là không giảm”.

Theo Bí thư Thăng, nguyên nhân hàng đầu của thực trạng này là không xác định được trách nhiệm, không ai bị kỷ luật trong khi tình trạng mất VSATTP tràn lan.

Ông Thăng nói: Khi không xác định rõ trách nhiệm, thực trạng hiện nay là “cả làng đều vui, ăn bẩn vẫn vui” vì có chết ai đâu. Việc phát hiện chủ động xử lý các cơ sở chế biến thực phẩm bẩn chưa làm được mà thi thoảng mới tiến hành được một vài vụ điểm.

Thêm vào đó, công tác thanh tra kiểm soát của lực lượng chức năng không tốt, không nghiêm, còn tình trạng bao che, thông đồng. “Lò mổ ở phường làm gì mà phường không biết nhưng lại không ai cấm vì nguồn lợi nhuận quá lớn” – Bí thư Thăng nhấn mạnh.

Bí thư Thăng: Không xử lý được thực phẩm bẩn là trách nhiệm của bí thư, chủ tịch. Ảnh: P.Ngọc

Một nguyên nhân nữa mà Bí thư Thăng đưa ra là: Cơ chế chính sách chưa hỗ trợ để cá nhân, cơ sở sản xuất đầu tư nuôi trồng, tiêu thụ, phân phối quy mô, hệ thống.

Bí thư Đinh La Thăng nhìn nhận, việc xuất hiện các lò mổ bất hợp pháp, cơ sở mất vệ sinh xã, phường biết nhưng không ai bị xử lý cả, đây là trách nhiệm của bí thư, chủ tịch. "Vì vậy chúng ta cần phải xác định xử lý trách nhiệm cơ quan đơn vị, cá nhân có liên quan đến tình trạng lộn xộn, bất cập quản lý ATTP hiện nay. Ví dụ, chất cấm Nhà nước chỉ cho nhập 10 cân nhưng trên thực tế nhập 10 tấn thì tại ai? Không thể có chuyện nhập các hàng này về mà không hỏi Bộ, ngành nào", Bí thư Thăng nói.

Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. HCM đã đề nghị Thủ tướng cho phép các địa phương được chủ động tổ chức bộ máy quản lý ATTP trên nguyên tắc không tăng biên chế và kiến nghị cho phép TP. HCM thí điểm thành lập cơ quan thống nhất quản lý về ATTP, tiền xử phạt được để lại địa phương để đầu tư cho công tác quản lý, đảm bảo VSATTP.

Đối với lực lượng thực thi trong quản lý ATTP, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng cần phải rà soát, chấn chỉnh, bố trí đúng vai trò chức năng, nhiệm vụ. “Chúng ta nên giao cho lực lượng Cựu chiến binh tại địa phương giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bởi họ mang phẩm chất anh bộ đội cụ Hồ, không vụ lợi gì, sẽ làm tốt”, ông Thăng đề xuất.

Bởi Bí thư Thăng cho rằng: Việc nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm định là mấu chốt của vấn đề giải quyết tận gốc vấn nạn thực phẩm bẩn.

“Phải có đội ngũ có chuyên môn, nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, chứ đừng thông đồng với nhau, bảo kê cho các hộ kinh doanh thực phẩm bẩn. Thêm vào đó, phải thường xuyên có sự luân phiên để đảm bảo sự khách quan trong kiểm tra” – ông Thăng kết luận.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Hiện nay các văn bản pháp luật đã quy định rất rõ về trách nhiệm chính của từng bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm VSATTP. Sản phẩm do nhà máy sản xuất hay bày bán trong siêu thị thuộc trách nhiệm của bộ, ngành nào luật quy định rất rõ.

Tuy nhiên, nhiều đồng chí vẫn chưa nắm rõ nên ở một số địa phương tổ chức bộ máy và chỉ đạo thực hiện chưa theo đúng luật.

Sau hội nghị chúng ta cần tổ chức quán triệt, phân công, quy trách nhiệm theo đúng luật đồng thời cần tăng cường năng lực bộ máy, củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tại địa phương, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cao Đức Phát.

Về xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng chủ trương, cách làm đã có nhưng quan trọng là tổ chức thực hiện.

Chúng ta muốn có rau, thịt an toàn mà lại có hàng triệu hộ nông dân nhỏ lẻ thì không quản lý được. Do vậy, phải đưa nông dân vào hợp tác để hướng dẫn họ thực hiện theo Viet GAP, Global GAP, kết nối với DN phân phối.

Trong thanh kiểm tra ATTP, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị phải thay đổi cách làm từ theo kế hoạch sang đột xuất, đi cùng với tăng cường giám sát, xử lý nghiêm, truy đến cùng nguồn gốc thực phẩm vi phạm.

Từ nay đến cuối năm, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục kiểm soát, tiến tới chấm dứt sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; cơ bản kiểm soát việc buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản, chất cấm; cơ bản kiểm soát việc làm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

>> Bộ Khoa học và Công nghệ vào cuộc vụ cá chết ở miền Trung

Dương Phương Ngọc


Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang