Bộ trưởng Y tế: Khoa học công nghệ thúc đẩy ngành y phát triển vượt bậc

author 10:03 06/01/2017

(VietQ.vn) - Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ KH&CN và Bộ Y tế, đã có những kết quả đưa ngành y học Việt Nam ngang tầm khu vực và trên thế giới.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác năm 2016, triển khai công tác năm 2017 với chủ đề “Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành y tế là một ngành vừa mang tính khoa học kỹ thuật vừa mang tính kinh tế và an sinh xã hội, đối với Y tế khoa học công nghệ (KHCN) không chỉ là phục vụ mà còn là động lực.

Theo đó, ngành y tế luôn đặt KHCN ở một vị trí đầu tiên và then chốt, trong thời gian quan Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý một cách toàn diện căn bản đồng bộ để tạo dựng môi trường nghiên cứu KHCN tiên tiến, hội nhập, phát huy lợi thế đất nước.

Ngành Y tế luôn bám sát chủ trương của Bộ KH&CN. Từ nhiều năm đã thực hiện cơ chế đặt hàng các đề tài, giảm đi bức xúc của bệnh tật chúng tôi chủ động đặt hàng với các đơn vị nghiên cứu là các bệnh viện. Chủ động đề nghị Bộ KH&CN duy trì một số đề tài cấp Nhà nước, khoán các đề tài. Tạo điều kiện đào tạo nguồn nhân lực lõi tức là có những nhóm thật chuyên sâu, thật tinh nhuệ cả chuyên môn cả ngoại ngữ, hợp tác quốc tế để tạo thành nhóm động lực.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ KH&CN và Bộ Y tế, đã có những kết quả đưa ngành y học Việt Nam ngang tầm khu vực và trên thế giới:

Thứ nhất, là về y học dự phòng, chúng ta là một trong số ít quốc gia của Châu Á đã tự sản xuất được 10/11 vắc xin.Việt Nam là trong một số ít nước được tổ chức Y tế thế giới công nhận về đạt chuẩn quản lý vắc xin, đó cũng là một chuỗi kết quả của quá trình nghiên cứu khoa học.

"Hàng loạt vắc xin chúng ta đã làm được hiện nay không chỉ sản xuất trong nước mà chúng tôi còn kết hợp, nghiên cứu chuyển giao tăng cường hợp tác quốc tế, chẳng hạn chuyển giao của Nhật Bản và hiện nay chúng ta đã xuất khẩu sang các nước" - Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Ngoài ra, đối với việc khống chế các bệnh dịch từ ngoài vào, mặc dù xung quanh rất nhiều dịch bệnh nhưng chúng ta có nhiều cố gắng để không xâm nhập vào con người. Đây có thể nói minh chứng cho thành công của các nghiên cứu cơ bản vì có thể chuẩn đoán nhanh, phát hiện sớm các bệnh như SAT, cúm AH5N1, cúm AH1N1, các bệnh tay, chân miệng. Nước chúng ta có thu nhập thấp nhưng các dịch bệnh trên thế giới chúng ta đều có cách phát hiện ngay lập tức. Đấy có thể nói là nhờ vào các khoa học ứng dụng.

Thứ hai, là trong lĩnh vực về điều trị, cách đây khoảng 10 năm công nghệ ghép tạng của chúng ta đứng sau thế giới 50 năm, sau các nước trong khu vực 20 năm nhưng hiện nay chúng ta vượt bậc, ngang hàng với khu vực và thế giới. Bởi vì tất cả các chuỗi, dự án trong chương trình KC10 và đề tài cấp nhà nước, đề tài độc lập. Với những đề tài cấp bộ chúng tôi chỉ định khoán luôn trong thời gian 6 tháng làm sao hoàn thiện được công nghệ ghép tim và đáp ứng được công nghệ mới. Kỹ thuật ghép tạng sau đó đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân hiểm nghèo. Hiện nay, chúng ta khó là vấn đề nguồn người cho tạng và việc vận động hiến tạng.

Trong thời gian vừa qua ngành y tế đã có 3 cụm công trình được đánh giá đặc biệt xuất sắc trong giá trị khoa học thực tiễn gắn với giải thưởng cao quý Hồ Chí Minh. Vấn đề về ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chuẩn đoán điều trị một số bệnh lý não bằng điện quang can thiệp. Nghiên cứu bức xạ ion hóa chuẩn đoán bệnh ung thư và một số bệnh lý khác. Nghiên cứu khoa học công nghệ đảm bảo an toàn hiến máu.

Việt Nam là nước Châu Á đầu tiên ứng dụng phẫu thuật nội soi robot cho trẻ em cách đây 3 năm và vừa rồi chúng ta ứng dụng phẫu thuật nội soi robot cho người lớn. Với thu nhập bình quân 2000 USD/dân nhưng kỹ thuật của chúng ta thì ngang tầm với các nước có thu nhập cao hơn.

Ngoài những kỹ thuật nội soi thông thường, Việt Nam còn có kỹ thuật phẫu thuật nội soi chính xác và không để lại sẹo gì đó là “kỹ thuật Dr. Lương” đã được trình bày ở quốc tế và nhiều bạn nước ngoài sang đây học kỹ thuật này.

Thứ ba, về y tế cơ sở trong thời gian qua chúng ta đã ứng dụng tế bào gốc trong điều trị ung thư máu, tim mạch và một lĩnh vực nữa chúng tôi quan tâm đó là khoa học quản trị.

“Đối với ngành Y tế, KHCN là động lực phát triển, nếu không có KHCN thì không thể nào làm được công tác phòng bệnh, chữa bệnh đáp ứng được đòi hỏi bức thiết của biến đổi khí hậu, của các bệnh mới xuất hiện, các bệnh lây nhiễm, ung thư, các bệnh do lối sống hiện đại” - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng kiến nghị: Về cơ chế quản lý mong muốn bộ máy của các đơn vị sự nghiệp tiến tới tự chủ, biến sản phẩm công nghệ thành thị trường phục vụ. Cơ chế khoán và đặt hàng nhiều hơn, hiện nay với cách thức quản lý theo Bộ Tài chính thì rất nhiều thủ tục để xây dựng đề cương, để thẩm định quyết toán còn rắc rối.

Đầu tư hơn nữa cho khoa học quản lý và quản trị để chúng ta có một lộ trình ngắn nhất trên con đường đi đến năng suất và đạt đến trình độ kinh tế, xã hội của khu vực và quốc tế.

Ngoài ra, cũng cần chú trọng trong việc đào tạo nhân lực, ngay từ lúc trong trường đại học. Cần phát huy hơn nữa các chương trình đào tạo nhân tài tập trung học cả chuyên môn, cả ngoại ngữ và có những đặt hàng với Pháp, Mỹ, Nhật…

Thủ tướng chỉ đạo cùng chung tay trong phát triển Khoa học và Công nghệ(VietQ.vn) - Thủ tướng đề nghị các Bộ cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trong nhiều lĩnh vực, cùng chung tay trong phát triển KHCN; quan tâm đến công tác tham mưu, đề xuất chính sách.

Hùng Cường

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang