Kinh nghiệm bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Pháp

author 18:50 26/12/2015

(VietQ.vn) - Việc tham khảo kinh nghiệm bảo hộ chỉ dẫn địa lý của các nước phát triển sẽ góp phần quan trọng trong việc triển khai bảo hộ, quản lý và khai thác các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

Sự kiện: Chỉ dẫn địa lý: Bảo vệ thương hiệu Việt

Chỉ dẫn địa lý là “những chỉ dẫn về hàng hóa bắt nguồn từ lãnh thổ của một thành viên hoặc từ một khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý quyết định”. Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam coi chỉ dẫn địa lý là “dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể” với các tiêu chí đặc thù về chất lượng, uy tín hoặc đặc tính riêng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Pháp từng hỗ trợ Việt Nam 1,1 triệu USD xây chỉ dẫn địa lý nông sản vào cuối năm 2015

Pháp từng hỗ trợ Việt Nam 1,1 triệu USD xây chỉ dẫn địa lý nông sản vào cuối năm 2015

Thời gian qua, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý thông qua những vụ việc cụ thể như việc chỉ dẫn địa lý ‘Nước mắm Phú Quốc’ được bảo hộ tại Liên minh Châu Âu (EU) hay Việt Nam đấu tranh giành lại chỉ dẫn địa lý ‘Cà phê Buôn Mê Thuột’ ở Trung Quốc. Nhiều vấn đề pháp lý được đặt ra, trong đó  vấn đề cơ chế và định hướng bảo hộ đối tượng sở hữu trí tuệ đặc thù này một cách hợp lý đang là câu hỏi và thách thức.

Trên thực tế, mặc dù Việt Nam có rất nhiều đặc sản đặc trưng cho mỗi vùng miền, song các sản vật được gắn chỉ dẫn địa lý vẫn chưa được đánh giá, bảo hộ, quản lý và khai thác đúng với những giá trị của nó. Do đó, việc tham khảo kinh nghiệm của các nước đi trước, như Mỹ, Pháp… sẽ góp phần quan trọng trong việc triển khai bảo hộ, quản lý và khai thác các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, đặc biệt là khi nước ta đã tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nội dung dưới đây sẽ tập trung vào những kinh nghiệm bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Pháp dựa theo bài viết “Kinh nghiệm bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên thế giới” của tác giả Vũ Tuấn Hưng, Báo Kinh tế và Dự báo, số 23 tháng 12/2014. Theo đó, Pháp là quốc gia có hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý khá hoàn thiện. Tính đến cuối năm 2014, nước này hiện có khoảng 580 sản phẩm (chủ yếu là nông sản và thưc phẩm) mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ và trong đó có 12.000 cơ sở sản xuất nông nghiệp tham gia sản xuất các sản phẩm trên.

Hàng năm, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đạt doanh thu ròng là 19 tỷ Euro, chiếm 15% doanh thu của toàn ngành thực phẩm. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xuất khẩu chiếm 30% tổng số sản phẩm của toàn ngành thực phẩm. Điều này cho thấy giá trị kinh tế lớn mà chỉ dẫn địa lý mang lại cho các sản phẩm nông nghiệp của Pháp.

Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý mang lợi giá trị kinh tế lớn cho ngành nông nghiệp Pháp mỗi năm

Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý mang lợi giá trị kinh tế lớn cho ngành nông nghiệp Pháp mỗi năm

Có được thành công đó là do hoạt động bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Pháp được kiểm soát chặt chẽ: tự quản lý, quản lý nội bộ, quản lý ngoại vi. Việc tự quản lý tại các cơ sở sản xuất nhằm đảm bảo không chỉ danh tiếng chung của chỉ dẫn địa lý, mà còn cả danh tiếng cá nhân cho các hộ sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm so với chính các sản phẩm cùng loại trong khu vực. Đồng thời, các cơ sở sản xuất phải tuân theo Quy trình sản xuất có kiểm soát đã được quy định trong hồ sơ đăng bạ mới được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.

Việc quản lý nội bộ được thực hiện bởi tổ chức tập thể các nhà sản xuất địa phương. Tổ chức này có nhiệm vụ tiến hành kiểm tra về nguồn gốc nguyên liệu; định hướng, kiểm tra, giám sát về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm; xác nhận cho sản phẩm mang chỉ dẫn dẫn địa lý được bảo hộ; giám sát việc tuân thủ các quy định trong sản xuất, chế biến; kiểm soát việc chuyển nhượng quyền sử dụng giữa hộ sản xuất và hộ chế biến, hộ thương mại. Trong đó, việc cấp phép sử dụng chỉ dẫn địa lý cho các nhà sản xuất là công việc quan trọng, được tiến hành ngay khi chuẩn bị hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý.

 Một số tổ chức tập thể quản lý chỉ dẫn địa lý của Pháp, như: Liên ngành rượu Cognac, Hiệp hội các nhà sản xuất rượu Bordeaux, Hiệp hội pho mát Le Banon, Hiệp hội các nhà sản xuất và kinh doanh pho mát Comté… đều do các nhà sản xuất và kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tự lập nên với chức năng đại diện cho các nhà sản xuất, kinh doanh là thành viên hiệp hội.

Pháp có nhiều sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nổi tiếng như rượu Cognac, pho mát Le Banon,…

Pháp có nhiều sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nổi tiếng như rượu Cognac, pho mát Le Banon,…

Các tổ chức tập thể này có cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động chặt chẽ, luôn thể hiện đầy đủ vai trò là người đại diện cho các chủ thể sản xuất, kinh doanh để họ có thể khai thác chỉ dẫn địa lý một cách hiệu quả nhất. Cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của hiệp hội phải bảo đảm mục tiêu quản lý có hiệu quả chỉ dẫn địa lý thay vì việc tạo ra một thể chế mang tính hành chính, tạo thêm gánh nặng cho những người có quyền sử dụng đối tượng này.

Hoạt động quản lý ngoại vi tập trung vào khâu lưu thông và khai thác thương mại các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm phát hiện ra hàng giả hoặc không đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm. Việc quản lý ngoại vi trước kia thường do các tổ chức công thực hiện, như: Viện Quốc gia về xuất xứ và chất lượng (là cơ quan đầu mối, có chức năng quản lý bên ngài đối với tất cả các chỉ dẫn địa lý, trao quyền sử dụng và quyết định khả năng sử dụng chỉ dẫn địa lý), Hải quan (quản lý số lượng và các thống kê ngoại thương)…

Tuy nhiên, từ năng 2006, Pháp cho phép các tổ chức tư nhân được Cơ quan quốc gia về xuất xứ và chất lượng chứng nhận đủ thẩm quyền thực hiện việc quản lý ngoại vi đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Nguyễn Yên

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang