Chính sách cần bám sát thực tiễn!

author 15:05 21/02/2021

(VietQ.vn) - Khảo sát từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra, việc các bộ, ngành thiết kế các chính sách chưa thật sự bám sát thực tiễn của cuộc sống, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Năm 2020 vừa qua, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch Covid 19, Chính phủ đã triển khai các gói hỗ trợ 250.000 tỷ đồng về hỗ trợ tín dụng; 62.000 tỷ đồng về an sinh xã hội, 16.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động… Cùng với đó, là các chính sách gia hạn, giãn, hoãn tiền thuế… cũng phần nào giúp doanh nghiệp vượt khó.

Mặc dù vậy, theo khảo sát từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc các bộ, ngành thiết kế các chính sách chưa thật sự bám sát thực tiễn của cuộc sống, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Chính những điều này khiến nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ dịch Covid-19 của Chính phủ.

Các chính sách đi vào thực thi cần phải thực chất, tạo thuận lợi thông thoáng cởi mở hơn cho các doanh nghiệp để vực dậy khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid 19. Ảnh minh họa.

Theo ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, các chính sách đi vào thực thi cần phải thực chất, tạo thuận lợi thông thoáng cởi mở hơn cho các doanh nghiệp để vực dậy khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid 19.

“Động lực phát triển và tăng trưởng kinh tế của nước ta phải xác định rõ vai trò doanh nghiệp. Đảng ta cũng ngày càng khẳng định rõ ràng vai trò của kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp tư nhân ngày càng đóng góp quan trọng trong các vấn đề phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Chúng tôi mong đợi các Nghị quyết đã được ban hành và các chủ trương đã quyết rồi thì phải rất quyết liệt và thứ hai là rất thấu hiểu, thứ ba là thực sự đồng hành. Trong quá trình đó, đồng hành với doanh nghiệp phải cùng rủi ro”, ông Chu Tiến Dũng nêu quan điểm.

Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, trước những bất cập trong việc thực thi chính sách các cơ quan ban, ngành và địa phương cần nắm bắt kịp thời những vướng mắc trong việc triển khai để điều chỉnh cho phù hợp. Tiếp tục thiết kế các hình thức hỗ trợ phù hợp với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và trong từng giai đoạn. Ưu tiên các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vừa; bởi khả năng chống chịu kém của loại hình doanh nghiệp này chưa cao. Nếu các thủ tục hành chính được cải thiện một cách tích cực theo hướng đơn giản hóa, thì sẽ giải quyết rất nhiều vấn đề, không phải chỉ có vấn đề là các gói giải pháp, các gói hỗ trợ bằng tiền bạc, mà chính là tác động cải cách về thể chế, về thủ tục hành chính để thúc đẩy nhanh các dự án xuất kinh doanh vào hoạt động.

“Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 vẫn là cải cách và tái cơ cấu, cải cách thể chế theo hướng giảm bớt các chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp. Tiếp nữa, cần phải khai thác thị trường trong nước- khu vực kinh tế tư nhân, đầu tư và mở rộng các doanh nghiệp nhỏ và vừa; liên kết các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị để có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường. Tôi nghĩ rằng, thị trường trong nước bây giờ không phải là tách rời đối với thị trường bên ngoài mà chúng ta phải xem thị trường trong nước là kết nối với bên ngoài”, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khuyến cáo.

Trước thực tế biến thể mới khiến dịch bệnh Covid-19 phức tạp hơn so với dự báo do đó cùng với Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục đồng hành, nâng cấp hoạt động kinh doanh, nỗ lực định hình theo hướng phát triển bền vững, chuyển đổi số. Đây chính là con đường bắt buộc các doanh nghiệp phải đi để tiếp tục phát triển trong bối cảnh hiện nay.

Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2Thêm cơ quan có quyền cấp sổ đỏ; nộp ít nhất 3/4 tài sản tham ô sẽ được miễn tử hình... là chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2.

Mai Phương

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang