Doanh nghiệp được phép ghi nhãn phụ hàng hóa trong trường hợp nào?

author 06:05 27/11/2019

(VietQ.vn) - Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.

Công ty TNHH Colgate Palmolive Việt Nam dự kiến thay đổi địa chỉ trụ sở chính trên giấy đăng ký kinh doanh và các giấy tờ pháp lý khác. Do Công ty hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối bàn chải đánh răng nên theo quy định trên nhãn hàng hóa phải có tên và địa chỉ của cơ sở nhập khẩu.

Tuy nhiên, do lượng hàng hóa tồn kho và những hàng hóa đã ký hợp đồng nhập khẩu trước ngày dự kiến thay đổi địa chỉ trụ sở vẫn đang để địa chỉ cũ trên nhãn gốc và không kịp sửa đổi.

Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty TNHH Colgate Palmolive Việt Nam hỏi, căn cứ Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa, Công ty có được phép dán tem phụ thể hiện địa chỉ mới của Công ty không?

Về vấn đề này, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời như sau: Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa có quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định này khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc”.

Khoản 4 Điều 8 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định: “Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghì trên nhãn phụ bao gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa”.

Trường hợp Công ty TNHH Colgate Palmolive Việt Nam hoàn thành thủ tục thay đổi địa chỉ trụ sở chính trên giấy đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, Công ty gắn nhãn phụ bổ sung địa chỉ mới của Công ty theo giấy đăng ký kinh doanh hợp pháp và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa.

Ảnh minh họa 

Liên quan tới vấn đề ghi nhãn cho sản phẩm hàng hóa lưu thông trên thị trường theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết, Nghị định 43 được xây dựng trên tinh thần chỉ đạo từ Nghị quyết 19 (cũ) và Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 do Chính phủ ban hành. Nghị định 43 ra đời dựa trên quan điểm vừa tạo thuận lợi môi trường kinh doanh, vừa bảo vệ người tiêu dùng, vừa tập trung tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.

Kể từ khi ra đời, Nghị định 43 ngoài việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, giúp cơ quan chức năng làm tốt hoạt động quản lý nhà nước về sản phẩm hàng hóa thì còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

"Ví dụ như trong Nghị định 43 có quy định miễn ghi nhãn phụ đối với hàng hóa là linh kiện nhập khẩu trong các dịch vụ sửa chữa, bảo hành chính hang mà không nhằm mục đích mua bán trên thị trường. Hay quy định miễn ghi nhãn phụ đối với nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất nội bộ (không phục vụ việc mua bán trên thị trường).

Đó là điểm mới mà Nghị định 43 đưa ra mới hơn so với trước đây. Ví dụ như trước đây bất kể hàng hóa là linh kiện, nguyên liệu, nếu không có nhãn Tiếng Việt thì bắt buộc phải ghi nhãn phụ. Việc này khiến doanh nghiệp tốn kém trong việc tổ chức ghi nhãn, in ấn, tốn kém chi phí, thời gian", ông Trần Quốc Tuấn nói.

Cũng theo ông Trần Quốc Tuấn, một điểm mới nữa trong Nghị định 43/2017/NĐ-CP là đối với hàng hóa không xuất khẩu được ra nước ngoài (có thể do không đáp ứng chuẩn xuất khẩu) nhưng nếu vẫn đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước (đảm bảo chất lượng, an toàn) thì vẫn được sử dụng nhãn cũ nhưng được phép gắn thêm nhãn phụ lên để thể hiện rằng hàng đó là hàng xuất khẩu quay lại thị trường trong nước. Điều này giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp rất nhiều

Nghị định 43 còn cho phép doanh nghiệp tự xác định ghi nhãn hàng hóa theo quy định về xuất xứ hàng hóa. Đây cũng là thuận lợi giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí. Về nguyên tắc, Nhà nước rất tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cho doanh nghiệp tự xác định xuất xứ theo quy tắc xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, cũng yêu cầu doanh nghiệp phải minh bạch, trung thực.

Ông Trần Quốc Tuấn nói thêm, từ khi Nghị định 43 được ban hành, về cơ bản đã giải quyết được nhiều khó khăn, khúc mắc cho doanh nghiệp đặc biệt là đối với doanh nghiệp có linh kiện nhập khẩu, nguyên liệu nhập khẩu, hàng xuất khẩu quay trở lại. Những trường hợp đó với những quy định thông thoáng từ Nghị định 43 đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí, thời gian, công sức trong tổ chức ghi nhãn.

"Cũng có những hhó khăn nhưng chỉ nằm ở chỗ có một số ít trường hợp doanh nghiệp còn chưa hiểu rõ về quy định mới, trong quá trình triển khai thực hiện một số doanh nghiệp còn lúng túng. Ví dụ có trường hợp doanh nghiệp hay hỏi về quy định ghi tên địa chỉ, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa trong trường hợp một tổng công ty, tập đoàn có nhiều địa chỉ rải rác khắp nơi hoặc trong trường hợp sang chiết, đóng bao gói lẻ để bán phải ghi nhãn ra sao?, cách sử dụng nghi ngày sản xuất, hạn sử dụng như thế nào trong trường hợp sang chiết, đóng bao gói lẻ để bán?

Đối với những thắc mắc này thì Tổng cục, cụ thể là Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa đã tích cực giải đáp cho doanh nghiệp. Đồng thời, phía Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã khẩn trương xây dựng một Thông tư để hướng dẫn việc thực hiện Nghị định này giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn cho việc ghi nhãn hàng hóa", ông Tuấn khẳng định. /

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang