GS Đinh Thế Lục: Nhà khoa học 'thùng đặc nhưng không kêu'

author 05:57 10/05/2015

(VietQ.vn) - GS Đinh Thế Lục là một nhà khoa học thành danh, nhưng ít được truyền thông trong nước biết tới, vì không mấy khi ông chịu nói về mình . Đồng nghiệp gọi đùa ông là “thùng đặc không kêu”...

Mặc dù chính thức được thành lập từ năm 1975, nhưng ai cũng biết Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã được “phôi thai” từ trước đó. Vậy nên, trong số các nhà khoa học đầu đàn của VAST hiện nay, không ít người đã có thâm niên công tác trên 40 năm tại đây.

GS Đinh Thế Lục
GS Đinh Thế Lục

Giáo sư Đinh Thế Lục (cán bộ Trung tâm Tin học và Tính Toán) là một trong những người như vậy. Tốt nghiệp Đại học tổng hợp Lô-mô-nô-xôp (Matxcva, Nga) năm 1974, với tấm bằng xuất sắc (bằng đỏ), ông bắt đầu sự nghiệp khoa học của mình ngay sau khi về nước tại Viện Toán học (một trong những viện ra đời sớm nhất của VAST). So với những người cùng trang lứa, ông là người đi lên từ “chân đất”. Con đường khoa học ông đi mang đầy đủ những nét đặc  trưng của Viện Toán học thời ấy: đi lên từ mái lều tranh. Không có những “đột phá” kiểu thần đồng nhất thời, nhưng ông tiến nhanh và tiến vững chắc. Sau lưng ông bây giờ là 110 công trình khoa học tầm cỡ quốc tế, trong đó có 44 công trình đăng trong các tạp chí thuộc danh mục SCI và 38 bài khác trong danh mục SCIE (theo thống kê của MathSciNet đến tháng 04/2014). Con số này tuy đã rất ấn tượng, nhưng vẫn còn chưa ấn tượng bằng con số thống kê số lần công trình của anh được đồng nghiệp trên thế giới trích dẫn: 1278. Đây mới là “thước đo” đích thực cho chân giá trị của một công trình khoa học mang tính cơ bản. Với thước đo này, rất ít nhà khoa học nước ta đạt được đỉnh cao như vậy, kể cả những người được xem là nổi tiếng nhất trong “thế hệ vàng” của Toán học Việt Nam.

GS. Lục được mời đi giảng dạy và hợp tác nghiên cứu ở rất nhiều trường đại học và trung tâm khoa học lớn trên thế giới. Ngoài những nơi quen thuộc ở Mỹ, Pháp, Nga, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Úc,… ông còn đặt chân tới các vùng khá xa xôi, lạ lẫm đối với người làm Toán nước ta như: Mexico, Iran, Chi Lê, Ấn Độ, Hungary,… Có lẽ nhờ cái thói quen “xông pha” này mà giáo sư có được khả năng ngoại ngữ ít ai bằng. Một lần, khi ông đang làm nghiên cứu sinh ở Hungary (vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước), trong dịp một phái đoàn Pháp đến làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hungary, thì người phiên dịch cho buổi làm việc đó lại không phải là ai đó trong số hàng chục cán bộ của Bộ ngoại giao ta đang tu nghiệp tiếng Pháp tại Budapest, mà là ông - một nghiên cứu sinh Toán, khi ấy chưa từng qua một lớp đào tạo chính quy nào về Pháp ngữ và cũng chưa từng đặt chân tới Pháp.

Ông đã trực tiếp hướng dẫn, đào tạo nhiều tiến sĩ trong và ngoài nước, không ít người trong số đó đang được xem là những tài năng trẻ của Toán học nước nhà. Ông viết và là đồng tác giả của 6 giáo trình và sách chuyên khảo (có 3 cuốn xuất bản ở nước ngoài). Ngoài ra, ông còn tham gia trong Hội đồng biên tập của không ít tạp chí khoa học ngoài nước, trong đó có những tạp chí lừng danh như: Journal of Optimization Theory and Applications, International Journal of Optimization: Theory, Methods and Applications,… nhưng cũng không quên tham gia cống hiến cho của các Tạp chí khoa học trong nước như: Acta Mathematica Vietnamica, Vietnam Journal of Mathematical Applications,…

Là một người thành công trên lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nhưng giáo sư rất tâm huyết với công việc triển khai ứng dụng toán học ở nước nhà. Lý do khiến ông về với Trung tâm Tin học và Tính toán cũng chính là để thực thi tâm nguyện này. Ông cùng các đồng nghiệp trong Trung tâm đang chung sức xây dựng một Semina khoa học với nội dung định hướng vào các bài toán ứng dụng của thực tiễn Việt Nam, trước mắt là những vấn đề toán học trong mạng giao thông. Hiện ông đang là chủ nhiệm của một đề tài nghiên cứu về các bài toán giao thông đã được NAFOSTED phê duyệt năm 2014.

Là một nhà khoa học thành danh, nhưng giáo sư ít được giới báo chí và truyền thông trong nước biết tới, vì không mấy khi ông chịu nói về mình (đồng nghiệp gọi đùa ông là “thùng đặc không kêu”). Muốn biết về các cống hiến của giáo sư đối với khoa học thì chỉ có cách tra cứu trên hệ thống thông tin Toán học toàn cầu MathSciNet, nơi cung cấp những thông tin đáng tin cậy nhất về các nhà toán học trên thế giới hiện nay.

Huy Điển

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang