Ma trận thịt lợn bẩn vây quanh người tiêu dùng

author 07:23 21/10/2014

(VietQ.vn) – Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng liên tiếp phanh phui các cơ sở sản xuất thịt lợn bẩn và bắt giữ hàng tấn thịt lợn ôi thiu khiến người tiêu dùng bàng hoàng.

Thu giữ 4 tấn nầm lợn đang phân hủy

Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường Công an tỉnh Thái Bình vừa thu giữ và tiêu hủy hơn 4,2 tấn thịt nầm lợn đã bốc mùi phân hủy do Nguyễn Văn Chính, sinh năm 1967 trú trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang vận chuyển đi tiêu thụ.

Lô hàng gồm 85 thùng xốp chứa 4,2 tấn là nầm lợn đã bốc mùi, phân hủy được phát hiện tại cây xăng thuộc Công ty cổ phần xăng dầu Thái Bình trên quốc lộ 10 xã Đông Hải huyện Quỳnh Phụ.

Tại cơ quan Công an, Nguyễn Văn Chính không xuất trình được giấy tờ kiểm dịch và chứng minh nguồn gốc số thực phẩm này.

Chính khai nhận số nầm lợn trên được thu mua từ các lò mổ gia súc của các tỉnh lân cận. Sau đó Chính nhờ địa điểm cây xăng làm nơi tập kết, thuê xe tải chở đi tiêu thụ.

Nội tạng lợn thối ngậm hóa chất trở nên trắng muốt, săn chắc

Trong vai những người tìm đầu mối nhập lòng lợn, PV tiếp cận “lò luyện” nội tạng lợn lớn nhất huyện Yên Phong, Bắc Ninh. 

Trên nền xin măng rộng chừng 100m2, khoảng 20 người, cả đàn ông lẫn phụ nữ, chân đi ủng, mặt bịt khẩu trang kín mít đang quần quật xử lý đống nội tạng lợn chất cao như núi. Người luộc, người vớt, người tách, người đóng hộp...Mùi phân lợn lẫn mùi nội tạng thối ngùn ngụt bốc lên, xộc vào mũi.

Cơ sở chế biến nội tạng lợn siêu bẩn

Cơ sở chế biện nội tạng lợn, thịt lợn bẩn tại Bắc Ninh. Ảnh: Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Quy trình tái chế nội tạng thối thực sự rất rùng rợn. Nội tạng lợn bầy nhầy trộn lẫn với phân chỉ được rửa qua bằng nguồn nước nhờ nhờ rồi vứt vào những chiếc chảo ngâm có chứa hóa chất khử mùi. Ngâm chừng dăm phút thì vớt quăng sang chảo luộc.

Luộc xong, đám đàn ông lực lưỡng dùng vợt vớt ra ném lại sàn xi măng để những người phụ nữ tiếp tục công đoạn làm trắng. Những người này dùng hóa chất từ các thùng nhựa trộn lẫn với nước sủi bọt trắng xóa rồi ngâm nội tạng lợn vào.

Chỉ trong vòng vài phút, những mớ nội tạng lợn có màu thâm thẫm xanh đột nhiên trắng muốt, săn chắc. Để một lúc, đống nội tạng được đóng thùng cho vào kho đông lạnh bảo quản.

Săm-pết biến thịt ôi hóa thịt tươi

Chỉ một lượng nhỏ hoá chất "săm pết", sau 20 phút, miếng thịt ôi thiu bỗng tươi hồng trở lại và mùi hôi thối cũng không còn.

Miếng thịt sống để qua 1 ngày sẽ chảy nước và bốc mùi hôi thối, nhưng chỉ cần ngâm 20 phút trong nước pha một loại hoá chất màu trắng (săm pết), thịt tươi hồng trở lại.

Săm pết biến thịt lợn bẩn thành thịt tươi

Săm-pết biến thịt lợn bẩn thành thịt tươi trong nháy mắt. Ảnh: Giáo dục & Thời đại

Và nguy hiểm hơn, loại hóa chất này lại được bày bán công khai tại nhiều điểm ở Thủ đô Hà Nội.

Bản chất săm-pết thực ra là muối Nitrat và Nitrit. Đặc điểm của nó khi đưa vào thực phẩm có tác dụng diệt khuẩn tốt, thực phẩm sẽ bảo quản được lâu.Mặc dù là chất độc hại nguy hiểm, không có tên trong danh sách được đưa vào thực phẩm  nhưng trên thực tế nó vẫn được bày bán tràn lan và sử dụng để biến thực phẩm ôi thiu thành tươi mới, đánh lừa người tiêu dùng.

Thịt lợn bơm nước nhiễm khuẩn

Khi PV đến, lán đang tập kết khoảng 50 con lợn chờ bơm nước. Lán có diện tích chừng 300 m2, được thiết kế như trang trại nuôi lợn. Chuồng được chia nhiều ô rộng từ 5 - 7 m2, thành chuồng được làm bằng sắt khá kiên cố. Phía trên thành chuồng treo nhiều xô nhựa xanh, đỏ gắn với các ống nhựa có đường kính khoảng 2 cm.

Khi bơm, thợ sẽ nhét ống nhựa này vào miệng lợn, chạy qua thực quản vào sâu tới ruột.Sau khi cắm ống nhựa sâu vào miệng lợn, thợ sẽ đổ nước vào thùng nhựa, nước từ đó sẽ chảy vào bụng.

Tùy theo thể trạng từng con, thợ sẽ điều chỉnh khóa ở thùng nhựa chảy nhanh hay chậm. Chỉ khi nào lợn no nước, ống nhựa mới được rút ra. Nguồn nước bơm vào lợn thường được chủ lán lấy từ các giếng khoan ngay tại lán.

Theo bác sĩ Trần Văn Ký thuộc Hội Khoa học an toàn thực phẩm VN, việc bơm nước diễn ra ở các lán trại nên chắc chắn nguồn nước dùng bơm vào lợn không đảm bảo vệ sinh. Nước bẩn có nhiễm vi sinh, hóa chất, kim loại nặng sẽ thấm vô từng thớ thịt của lợn. Vi khuẩn, vi sinh sẽ phát triển trong thịt lợn và loại thịt này sẽ rất nhanh bị hư, khi nấu thì loại thịt này thường ra nhiều nước.

Thịt lợn bơm nước nhiễm hóa chất, kim loại nặng từ nguồn nước bẩn như thế rất không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gây tích tụ độc chất trong cơ thể, sinh ra bệnh tật, nhất là bệnh ung thư cho người sử dụng.

Thái Hà


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang