Mới đặt túi ngực giả được 2 tuần, người phụ nữ suýt tử vong do biến chứng

author 11:24 08/08/2019

(VietQ.vn) - Một bệnh nhân nữ 30 tuổi (Lạng Sơn) đã phải cấp cứu khẩn cấp do túi ngực trái bị sưng căng như quả bóng, nguy cơ vỡ ngực.

Cấp cứu khẩn cấp do đặt túi ngực bị sưng phồng

Tin tức trên báo VnExpress, bệnh nhân được đưa vào khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Hà Nội cấp cứu chỉ sau hai tuần nâng ngực ở một thẩm mỹ viện.

Phó giáo sư Nguyễn Hồng Hà, Trưởng Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Hà Nội, cho biết, thời điểm cấp cứu, ngực trái bệnh nhân sưng to, căng tròn như quả bóng với thể tích gấp khoảng 3-4 lần ngực bên phải, chu vi ước trên 50 cm. Ngực phải kích thước bình thường nhưng méo mó và cứng chắc.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tràn dịch muộn quanh bao túi ngực, hội chẩn phương án mổ cấp cứu rút dịch để giải cứu ngực, tránh nguy cơ bung vỡ vết phẫu thuật trước đó.

Người phụ nữ suýt mất mạng do đặt túi ngực bị biến chứng 

Bác sĩ Trần Thị Thanh Huyền, thành viên của êkíp mổ cho biết, đầu tiên các bác sĩ cắm một chiếc kim đầu to và xy lanh loại lớn 50 ml vào ngực bệnh nhân để hút dịch ra ngoài nhằm giảm áp ngay cho khoang ngực trước khi phẫu thuật. Lượng dịch hút được vượt quá sức tưởng tượng của các bác sĩ, với hơn 10 xy lanh đầy, tổng cộng 600 ml. Cộng với 300 ml túi ngực và 200 ml ngực tự nhiên có từ trước, tổng thể tích ngực của bệnh nhân trước khi phẫu thuật lên đến trên 1.000 ml (tương đương size áo ngực 44 trong khi size trung bình phụ nữ Việt 32-36).

Tiếp đó, các bác sĩ tháo bỏ túi ngực giả và giải phẫu toàn bộ bao xơ xung quanh túi ngực. Quá trình phẫu thuật rất khó khăn vì tổ chức bao xơ rất dày và hiện tượng tăng sinh mạch phản ứng, có những lúc máu phun thành tia qua vết mổ. Tổ chức bao xơ còn xâm lấn vào sát cơ thành ngực và đập theo nhịp đập của tim ở phía dưới.

"Kíp mổ vừa phẫu thuật vừa cầm máu, các vị trí nghi ngờ có nguy cơ thành u đều được đánh dấu và gửi giải phẫu sinh thiết tức thì, đến khi kết quả cho thấy không có tế bào ác tính mới thôi", bác sĩ Huyền nói.

Người phụ nữ bị tổn thương não vì chỉ uống nước cam và nước trong 3 tuần(VietQ.vn) - Một người phụ nữ 40 tuổi chỉ uống nước cam và nước trong 3 tuần nhằm thanh lọc cơ thể nhưng nó đã gây ra tình trạng tổn thương não vì hạ natri máu.

Sau gần 6 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã tháo bỏ được túi ngực và dịch nhày, lớp bao xơ và bảo tồn phần tuyến vú còn lại cho bệnh nhân. Bác sĩ cũng cắt trữ phần da thừa để chuẩn bị 6 tháng đến một năm sau bệnh nhân phải phẫu thuật đặt lại túi ngực.

Sau 5 ngày theo dõi hậu phẫu, bệnh nhân không sốt, đầu ngực không bị hoại tử. Tuy nhiên, bệnh nhân phải chờ kết quả giải phẫu bệnh để xác định có các tế bào bất thường hay không.

Phó giáo sư Hồng Hà cho biết, tràn dịch muộn sau đặt túi ngực là một biến chứng thẩm mỹ tương đối hiếm gặp trên thế giới. Bệnh viện Việt Đức là tuyến cuối tiếp nhận bệnh nhân từ nơi khác chuyển viện đến nên có khoảng 2 đến 3 ca một năm. Hiện tượng tràn dịch với lượng lớn có thể là dấu hiệu tế bào lạ xuất hiện xung quanh lớp bao túi ngực.

Cân nhắc kỹ trước khi đặt túi ngực

Nói tới phương pháp phẩu thuật ngực bằng cách đặt túi ngực, các bác sĩ thẩm mỹ cho biết, không phải ai cũng có thể được phẫu thuật đặt túi ngực an toàn. Để đủ điều kiện cho việc phẫu thuật cần phải có thể chất khỏe mạnh, không mang thai hoặc cho con bú. 

Ngoài ra cũng không nên đặt túi ngực nếu có một bệnh nhiễm trùng ở bất cứ nơi nào trong cơ thể. Bị ung thư hoặc tiền ung thư nhưng chưa được điều trị đầy đủ...Bởi sau khi đặt túi ngực có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm như đau, chảy máu hoặc nhiễm trùng, rò rỉ thậm chí là vỡ tung gây nguy hiểm tính mạng.

Do đó, báo Sức khỏe & Đời sống dẫn thông tin từ Mayo Clinic cho biết, nếu đang nghĩ đến việc nâng ngực hoặc tái tạo ngực bằng việc đặt túi ngực, điều quan trọng là phải hiểu ý nghĩa của việc đặt túi ngực.

Ngoài việc thay đổi diện mạo hãy ghi nhớ rằng, đặt túi ngực sẽ không ngăn được sự thay đổi tự nhiên của đôi gò bồng đảo. Ngoài ra, túi độn ngực không được bảo đảm để kéo dài suốt đời. Bằng chứng là nó có thể bị vỡ, rò rỉ. Có đến 20% trường hợp phải đặt lại túi ngực trong vòng 8 - 10 năm.

Ngoài ra, “núi đôi” sẽ tiếp tục thay đổi với thời gian cùng một số yếu tố, chẳng hạn như tăng cân hoặc giảm cân. Bất kỳ vấn đề nào trong số này cũng có thể dẫn đến phẫu thuật bổ sung để chỉnh sửa túi ngực đã đặt.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ khuyến cáo nên kiểm tra tình trạng túi ngực silicon với chụp MRI thường xuyên cứ 2 năm/lần, bắt đầu từ năm thứ 3 sau khi phẫu thuật.

An Dương (T/h)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang