Một đề tài khoa học đem lại nguồn lợi 1.000 tỷ

author 08:22 11/04/2013

(VietQ.vn) - Đề tài Nghiên cứu chọn tạo và phát triển một số dòng gà lông màu hướng trứng và thịt năng suất chất lượng cao của Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương vừa nhận giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam. Đề tài đã làm lợi cho xã hội hơn 1.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 146.000 lao động…

Theo số liệu thống kê hiện tổng đàn gia cầm đạt 322,6 triệu con. Sản lượng thịt gia cầm đạt 696 nghìn tấn và 7,2 tỷ quả trứng. Có được những thành tựu như vậy ngoài cơ chế chính sách, khoa học công nghệ đã đóng góp quan trọng, đặc biệt về di truyền chọn giống.

Trung tâm đã chủ động sản xuất con giống cung cấp cho sản xuất.
Trung tâm đã chủ động sản xuất con giống cung cấp cho sản xuất.

Với mục tiêu đưa chăn nuôi phát triển nhanh và bền vững, từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 với mục tiêu đạt mức tăng trưởng bình quân 5- 7%/năm, giá trị chăn nuôi trong nông nghiệp đạt trên 42%; sản lượng thịt đạt trên 5,5 triệu tấn trong đó: thịt lợn 63%; thịt gia cầm 32%; thịt bò 4%; sản lượng trứng 14 tỷ quả và trên 1000 ngàn tấn sữa.

Theo chị Lê Thị Thu Hiền- Người thực hiện đề tài, để đạt được mục tiêu đề ra trước hết là phải có nhiều con giống có năng suất chất lượng cao. Trong nhiều năm qua nhà nước không đầu tư nghiên cứu gà công nghiệp nên hàng năm nước ta phải nhập đàn gà bố mẹ để sản xuất gà thương phẩm: năm 2007: 2,1 triệu con; năm 2008: 2,6 triệu con;  năm 2009: 3,8 triệu con; năm 2010: 1,9 triệu con ,số tiền bỏ ra hàng năm từ 190- 390 tỷ đồng.

Trong những năm 1980 các giống gà nội vẫn chiếm tỷ lệ cao 80- 85%, năng suất của các giống này thấp: khối lư­ợng xuất chuồng bình quân chỉ đạt 1,2- 1,3 kg/con, thời gian nuôi kéo dài tới 6- 7 tháng, sản l­ượng trứng đạt 60- 70 quả/mái/năm.

Trong bối cảnh gà công nghiệp khó phát triển, các giống gà nội năng suất thấp, để phát triển gà lông màu trong những năm trước đây nước ta đã nhập một số giống gà như Tam hoàng Jiangcun, Tam hoàng 882, Lương Phượng từ Trung Quốc; gà Kabir nuôi cho kết quả bước đầu, song đó chỉ là gà thương phẩm và bố mẹ, nếu phát triển thì hàng năm phải bỏ ra số tiền rất lớn để nhập gà bố mẹ, nếu nhập gà ông bà chỉ có một giới tính với giá gần 1 triệu đồng/con nhưng sử dụng chỉ được một đời do vậy không có kinh phí để nhập; mặt khác không chủ động con giống và có thể mang mầm bệnh vào trong nước.

Chăm sóc đàn gà bố mẹ tại Trung tâm.
Chăm sóc đàn gà bố mẹ tại Trung tâm.

Còn với dòng thuần thì không thể nhập được vì đây là bí quyết công nghệ. Trên thế giới ngoài việc đẩy mạnh chăn nuôi gà công nghiệp thì các giống gà lông màu cũng được chú trọng nghiên cứu và phát triển, bởi cho hiệu quả kinh tế cao với giá bán sản phẩm thường gấp đôi so với gà công nghiệp. Trước bối cảnh đó nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương đã chọn hướng đi tập trung nghiên cứu phát triển các dòng gà lông màu năng suất chất lượng cao trên nguồn nguyên liệu sẵn có.

Công trình đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo các thành tựu khoa học của thế giới vào điều kiện của nước ta đồng thời khắc phục những thất bại của những công trình nghiên cứu trong nước trước đây. Trên thế giới thường chọn tạo dòng mới từ một con đực đầu dòng và mất khoảng thời gian dài từ 10 đến 15 năm. Nhóm nghiên cứu đã đi theo hướng sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, chọn lọc nhóm cá thể xuất sắc, đánh giá thực trạng và thử nghiệm trong thời gian hơn 3 năm, khi có kết quả khả quan thì sử dụng phương pháp chọn tạo dòng từ nhóm cá thể xuất sắc đầu dòng, đánh giá từng cá thể để tuyển chọn cả về năng suất và ngoại hình rồi cho tự giao (trên thế giới chưa có công trình nào đi theo hướng này).

Qua phân tích di truyền đồng dạng, theo dõi cá thể kết hợp với gia đình, dựa vào những thông tin của bản thân và tổ tiên để tính toán các tham số di truyền làm căn cứ chọn lọc qua các thế hệ đã chọn tạo và hình thành một hệ thống giống gà lông màu mới có năng suất chất lượng cao phù hợp điều kiện chăn nuôi nước ta cao hơn những giống gà lông màu hiện nay trong nước gồm 4 dòng gà thịt lông màu TP1, TP2, TP3 và TP4 và 2 dòng gà lông màu hướng trứng HA1 và HA2 với hệ thống giống hình tháp một cách khoa học phát huy được tối đa ưu thế lai của các dòng trong sản xuất. Như vậy với phương pháp này đã tạo nên được những dòng gà lông màu chủ lực cho sản xuất mà thời gian được rút ngắn hơn (3- 4 năm) so với phương pháp trước đây trên thế giới và trong nước thường dùng

Kết quả nghiên cứu đã đi vào sản xuất, được các hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các cơ sở sản xuất ở các thành phần kinh tế tiếp nhận nhanh chóng, phát triển mạnh mẽ trên diện rộng, tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn trong cả nước, thúc đẩy ngành chăn nuôi gia cầm ở nước ta phát triển, giải quyết công ăn việc làm, tích cực chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng vật nuôi.

Thành quả đem lại từ đề tài không thể đánh giá hết.
Thành quả đem lại từ đề tài không thể đánh giá hết.

Trong giai đoạn từ năm 2007 đến nay, số lượng gà của đề tài đã chuyển giao vào sản xuất khoảng 600.000 gà bố mẹ hướng thịt để sản xuất gần 70 triệu gà thương phẩm và khoảng 300.000 gà bố mẹ hướng trứng cho hầu hết các tỉnh thành trong cả nước: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu, Thanh hoá, Bình Định, Vũng Tàu, Đồng  Nai, Sóc Trăng... Đặc biệt, với chất lượng và thương hiệu gà TP1 và TP2, Trung tâm là đơn vị đầu tiên cũng là duy nhất xuất khẩu tại chỗ giống gà cho công ty nước ngoài. Công ty CP (Thái Lan) và công ty JAFA (Indonesia) đã ký hợp đồng với Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương mua gà bố mẹ nhiều năm qua với số lượng lớn .

Lợi ích kinh tế trực tiếp mang lại của đề tài là chọn tạo và phát triển được 4 dòng gà lông màu hướng thịt và 2 dòng gà hướng trứng, chủ động sản xuất con giống cung cấp cho sản xuất.

So với giá nhập khẩu gà lông màu bố mẹ hướng thịt hiện nay 40.000đ/con, giá bán gà bố mẹ trong nước chỉ 15.000đ/con; giá gà bố mẹ hướng trứng nhập khẩu là 80.000đồng/con trong khi giá bán trong nước là 14.000đồng/con; công trình đã  làm lợi cho sản xuất 35 tỷ đồng, chủ động được con giống và hạn chế dịch bệnh.

Tỷ lệ trứng chọn ấp 93% và tỷ lệ nở/tổng trứng ấp là 81- 82% thì các dòng gà được chọn tạo có số gà con loại 1/mái đạt cao hơn gà LV hiện nay: 9-10 con; đã làm lợi cho xã hội khoảng 30 tỷ đồng .

Với 70 triệu gà thương phẩm lông màu đã cung cấp cho thị trường 160 nghìn tấn thịt chất lượng cao. Gà thương phẩm thời gian nuôi được rút ngắn 14 ngày, khối lượng cơ thể được nâng cao 200- 300g/con so với giống gà lông màu trước đây làm lợi cho xã hội 17 ngàn tấn thịt tương ứng với 670 tỷ đồng; tiêu tốn thức ăn giảm được 0,2-0,3kg/kg tăng khối lượng làm giảm được chi phí 250 tỷ đồng.

Hai dòng gà HA1 và HA2 đã dần thay thế giống gà Ai cập bởi năng suất cao hơn năng suất trứng của gà Ai Cập 23- 28 quả, tương đương với 10- 14%. Như vậy với tỷ lệ trứng chọn ấp 93% và tỷ lệ nở/tổng trứng ấp là 84- 85% thì hai dòng gà được chọn tạo có số gà con loại 1/mái đạt cao hơn gà Ai cập hiện nay: 18- 20 con; đã làm lợi cho xã hội khoảng 33 tỷ đồng. Chi phí thức ăn/10 quả trứng giảm được 0,10-0,15kg đã làm giảm được chi phí 500 triệu đồng.

Như vậy đề tài đã làm lợi cho xã hội hơn 1.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 146.000 lao động (mỗi lao động nuôi 300 mái sinh sản hoặc 500 con gà thịt) tạo thu nhập 10 triệu đồng/lao động/năm; góp phần làm cho chăn nuôi gia cầm phát triển bền vững, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn.

Bài và ảnh: Duy Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang