Mua hàng trên mạng xã hội: ‘Rao một đằng, bán một nẻo’

author 07:11 12/08/2020

(VietQ.vn) - Vừa qua, QLTT nhận được đơn phản ánh của một khách hàng về việc vị khách này xem livestream trên Facebook và có đặt mua hàng là một chiếc vòng, được giới thiệu làm từ đá ở Nam Phi, tuy nhiên đến lúc nhận sản phẩm lại là vong đeo tay làm bằng nhựa…

Những năm gần đây, mô hình kinh doanh trên toàn cầu tiếp tục thay đổi đáng kể với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT). Năm 2019, doanh thu từ TMĐT đã vượt 2000 tỷ USD và xu hướng sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc đăng ký bán hàng trên nền tảng internet và website dịch vụ TMĐT ngày càng thuận lợi, bất kỳ cá nhân hay doanh nghiệp nào đều có thể dễ dàng đăng ký tài khoản để bán hàng trên website, mạng xã hội hoặc tạo ra ứng dụng di động để bán hàng. Điều này đã và đang tạo ra những thách thức đối với cơ quan chức năng trong quản lý hoạt động TMĐT, ngăn chặn gian lận thương mại, xâm phạm sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hàng loạt vụ bán hàng dởm “đình đám” liên quan TMĐT

Năm 2020, trong đợt ra quân vào ngày 7/7, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05, Bộ Công An "tấn công" vào một kho hàng lậu rộng hơn 10.000m2 tại thành phố Lào Cai. Tổng cục QLTT nhận định đây là một vụ việc bán hàng giả, lậu liên quan tới TMĐT có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Từ tháng 10/2018 đến khi bị phát hiện, tổng lũy kế giao dịch qua tài khoản của Trần Thành Phú - chủ kho hàng chuyên livestream bán hàng qua facebook tại thành phố Lào Cai là hơn 649 tỷ đồng. 

Sản phẩm hàng lậu tại kho hàng hóa Lào Cai bị thu giữ. Ảnh: ĐVCC.

Sau 4 ngày đêm kiểm đếm, QLTT ghi nhận kho này có 237 chủng loại hàng hóa, với hơn 158.000 sản phẩm. Trong đó, hơn 151.300 sản phẩm không rõ nguồn gốc và 6.688 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng của các nước phát triển như: Anh, Mỹ… “Toàn bộ số hàng này phải chất vào 34 container mới đủ chỗ để niêm phong", cơ quan này mô tả.

Một vụ việc đáng chú ý khác, đó là vào ngày 16/7/2020, Đội QLTT số 1 (Hà Nội) cùng thành viên Tổ công tác 368 (Tổ công tác về TMĐT – Tổng cục QLTT), Đội QLTT số 6 tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh nằm trong khuôn viên Cảng ICD Mỹ Đình (số 17 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đây là một cở sở kinh doanh nằm ẩn trong khu vực Cảng ICD Mỹ Đình.

Cơ sở kinh doanh này thuộc Công ty TNHH Một thành viên chuyển phát nhanh Thuận Phong - Chi nhánh Hà Nội (trụ sở chính tại số 199 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh). Người đứng đầu Chi nhánh là ông Fang Hong Yuan – Quốc tịch Trung Quốc.

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện số lượng hàng hóa rất lớn được đóng trong các thùng cát tông, bao tải, túi ni lông… bên ngoài có dán các thông tin về chủ hàng như: Tổng kho Thanh Vân, Shop Hồng Thắm, Shop Hương Ngát… đang tập kết tại cơ sở dịch vụ bưu chính Thuận Phong để chuẩn bị chuyển phát. Trong 2 ngày kiểm đếm, từ 16/7 - 17/7, đoàn kiểm tra đếm được tổng số 100.000 sản phẩm và hơn 20 bao hàng hóa đang được tiếp tục kiểm đếm.

Cần mạnh tay hơn nữa

Đánh giá về tình hình kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên TMĐT, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, trong vòng 3 năm trở lại đây, TMĐT tại Việt Nam có tốc độ phát triển lên tới gần 40%. Cùng với đó, tỷ lệ người Việt sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instar… cao tạo nên cơ hội kinh doanh rất lớn.

“Theo đánh giá của cá nhân tôi, từ trước tới nay chúng ta chưa hề có một cơ hội kinh doanh nào lớn đến như vậy”, ông Minh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội thì luôn có rủi ro, mảnh đất càng màu mỡ thì các đối tượng xấu càng lợi dụng để bán hàng gian, hàng lậu nhiều. Một đặc trưng của TMĐT là người mua, người bán không gặp mặt trực tiếp mà thông qua internet để kết nối thông tin. Người bán không cần thuê mặt bằng, mà có thể thuê chung cư hoặc tại nhà để tổ chức kinh doanh bán hàng, thông qua đơn vị vận chuyển hoặc tự tổ chức vận chuyển đưa hàng đến tận tay người tiêu dùng. Từ đó phát sinh ra một rủi ro rất lớn là khi người tiêu dùng không biết địa chỉ cụ thể người bán ở đâu, sẽ rất dễ bị các đối tượng xấu lừa “rao một đằng, bán một nẻo”, hoặc thậm chí thanh toán rồi mà không nhận được hàng.

Ông Minh nêu ví dụ: Vừa qua, QLTT có nhận được đơn phản ánh của một khách hàng về việc vị khách này xem livestream và có đặt mua một chiếc vòng, được giới thiệu là đá ở Nam Phi, tuy nhiên đến lúc nhận sản phẩm lại là vong đeo tay làm bằng nhựa.

Một thực tế của mua hàng trên mạng mà khách hàng rất dễ gặp phải, đó là: "Rao một đằng, bán một nẻo". Ảnh minh họa.

Do đó, ông Minh chỉ ra khó khăn cơ bản mà lực lượng QLTT gặp phải trong quá trình hoạt động. Đó là, đối với giao dịch giữa người mua và người bán, để xác định có vi phạm hay không, QLTT cần phải có bằng chứng về giao dịch. Trong khi trên môi trường TMĐT, tính tức thời của giao dịch rất nhanh và rất khó xác định. Đồng thời, việc xử lý vi phạm trên môi trường TMĐT cũng còn nhiều bất cập. Trên thực tế, hành lang pháp lý về TMĐT (Nghị định số 52/2013/NĐ-CP) đã được xây dựng khá chi tiết, nhưng thị trường TMĐT thay đổi liên tục, điều này đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh một số nội dung.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho rằng, để đấu tranh có hiệu quả với buôn lậu, gian lận kinh doanh TMĐT cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng chức năng: QLTT, các cơ quan như công an, ngân hàng, hải quan, thuế vụ cùng các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (đối với từng nhóm mặt hàng). “Thành công trong xử lý vụ việc ở Lào Cai vừa qua chính là minh chứng cho công tác phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục QLTT với các đơn vị thuộc Bộ Công an…” - ông Linh dẫn chứng.

Ông Linh cũng đề nghị, bộ, ngành có thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT đặc biệt với đối tượng cung cấp thông tin hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm tại Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP. Đẩy mạnh xúc tiến làm việc với Facebook để hợp tác, xử lý nhanh các vấn đề liên quan tới bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với những phương thức kinh doanh rất mới như livestream trên mạng xã hội này.

Phát hiện, xử lý hơn 41.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả(VietQ.vn) - 7 tháng đầu năm 2020, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 41.940 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Lê Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang