Nâng cao năng lực thí nghiệm, đánh giá sản phẩm thân thiện với môi trường

author 06:28 25/07/2021

(VietQ.vn) - Bộ KH&CN có nhiệm vụ tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực phòng thí nghiệm trọng điểm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, thí nghiệm, đánh giá các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni lông khó phân hủy. Đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh.

Giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Đặc biệt, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong sản xuất, tiêu thụ, thải bỏ chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Đề án đề ra 3 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, bao gồm điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng phát sinh, thu gom, xử lý chất thải nhựa và hoàn thiện chính sách, quy định về quản lý chất thải nhựa; Triển khai các hoạt động đào tạo, truyền thông và hợp tác quốc tế về quản lý chất thải nhựa và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, triển khai mô hình, hoạt động quản lý chất thải nhựa và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Trong đó, đối với nhiệm vụ, giải pháp về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, triển khai mô hình, hoạt động quản lý chất thải nhựa và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, Đề án nhấn mạnh tới việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa; công nghệ tái chế chất thải nhựa thành nhiên liệu, vật liệu xây dựng, giao thông và sản phẩm nhựa khác.

Tăng cường đầu tư và phát triển công nghệ sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa; Nghiên cứu, thiết kế, sản xuất bao bì, sản phẩm nhựa tối ưu nhằm giảm tối đa định mức nguyên liệu nhựa/sản phẩm; Đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải nhựa trên sông, suối, kênh, rạch, vùng biển.

Ảnh minh họa 

Xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ trên cả nước mô hình trung tâm thương mại, siêu thị không sử dụng túi ni lông hoặc sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường thay thế cho túi ni lông khó phân hủy… Xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thu gom chất thải nhựa trôi nổi trong môi trường (thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa trên lưu vực sông, vùng ven biển, các bãi tắm, khu du lịch...)...

Chính phủ đề nghị Bộ TN&MT chủ trì tổng kết, đánh giá, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án trên phạm vi cả nước; phối hợp nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải nhựa, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường…

Bộ KH&CN có nhiệm vụ tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực phòng thí nghiệm trọng điểm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, thí nghiệm, đánh giá các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần. Tổ chức triển khai các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học về tái chế, xử lý chất thải nhựa thành nguyên liệu, nhiên liệu, sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường…

Được biết, hiện nay, Việt Nam phát sinh khoảng 22 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có khoảng 10% là nhựa và đang ngày một gia tăng, gây nhiều nguy hiểm cho môi trường Việt Nam và thế giới.

Theo dự báo của các chuyên gia quốc tế, rác thải nhựa vào môi trường nước của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 106% từ năm 2021 đến năm 2030, trừ khi có những hành động mang tính hệ thống và đột phá được thực hiện nhằm giải quyết triệt để vấn đề nhựa và chất thải nhựa, từ tái thiết kế vật liệu, sản xuất và tiêu thụ bền vững cho đến tăng cường năng lực quản lý chất thải.

Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động đề xuất các cơ chế hợp tác toàn cầu và khu vực về giảm rác thải nhựa. Đồng thời, Việt Nam đã tiên phong triển khai nhiều chương trình hành động mạnh mẽ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, được các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội hưởng ứng, tham gia rất tích cực.

Đặc biệt, ngày 17/11/2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 với nhiều nội dung đột phá về phòng chống ô nhiễm rác thải đại dương, trong đó, có bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong thời gian tới cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang