Nhiều địa phương sử dụng ngân sách KH&CN sai mục đích

authorNguyễn Nam 11:02 15/10/2015

(VietQ.vn) - Tỷ lệ ngân sách khoa học và công nghệ (KH&CN) giữa địa phương và Trung ương có khoảng cách không đáng kể, trong khi đó nhu cầu và đòi hỏi thực tế ở hai khu vực này lại có sự khác xa nhau.

Tài chính cho KH&CN đã "thông thoáng" hơn

Đó chỉ là một trong rất nhiều những bất cập của ngân sách dành cho KH&CN vẫn còn đang tồn tại và chưa tháo gỡ được. Nó cũng là một trong những lý do quan trọng "ngáng đường" sự phát triển của KH&CN Việt Nam thời gian qua.

Tại Hội thảo Tình hình phân bổ và sử dụng ngân sách KH&CN giai đoạn 2011-2015 do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh đã báo cáo tình hình phân bổ và sử dụng ngân sách KH&CN giai đoạn 2011-2015.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội ông Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội ông Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết, trong giai đoạn 2011- 2015, cơ chế phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước cho KH&CN liên tục được hoàn thiện, đồng bộ, bao gồm các cơ chế khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ chế quản lý nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước cho KH&CN.

Việc ban hành các văn bản về dự toán, phân bổ, quản lý và thanh quyết toán ngân sách nhà nước cho KH&CN giai đoạn 2011-2015 đã giải quyết được các vướng mắc, bất cập trong cơ chế tài chính hiện hành đối với hoạt động KH&CN.

"Trong giai đoạn 2011-2015 bố trí ngân sách nhà nước cho hoạt động KH&CN tính cả chi KH&CN trong an ninh, quốc phòng đã cơ bản đảm bảo được mục tiêu, đạt mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước (tương đương 0,5%- 0,6%GDP). Kinh phí đầu tư phát triển phân bổ cho cơ quan Trung ương chiếm 49%, địa phương chiếm 51%. Kinh phí sự nghiệp KH&CN phân bổ cho các cơ quan trung ương chiếm 75% và địa phương chiếm 25%. Hiện nay, ngân sách nhà nước vẫn là nguồn lực chủ đạo, chiếm tới 65%- 70% tổng mức đầu tư toàn xã hội cho hoạt động KH&CN", Thứ trưởng Khánh cho biết.

Đánh giá về tình hình phân bổ và sử dụng ngân sách KH&CN thông qua sơ kết thực hiện các mục tiêu giai đoạn 2011- 2015 như về giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao trong giá trị sản xuất công nghiệp, đóng góp của khoa học và công nghệ vào tăng trưởng kinh tế, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ thiết bị, mức tăng số lượng công bố quốc tế, số lượng sáng chế đăng ký bảo hộ của Việt Nam... các nhà khoa học đều đồng tình về các chỉ tiêu trên liên tục được cải thiện, đáp ứng được mục tiêu đề ra, có những chỉ số liên tục tăng qua các năm. Báo cáo cũng đã cung cấp chi tiết số liệu về tình hình phân bổ và sử dụng kinh phí khoa học và công nghệ giai đoạn 2011- 2015.

Nhiều địa phương dùng sai mục đích

Tại hội thảo, TS. Hồ Ngọc Luật - Vụ trưởng Vụ KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) được mời phát biểu, ông cho rằng, ngân sách cho KH&CN cân đối giữa địa phương và Trung ương có sự không hợp lý. Trong khi nhu cầu ở Trung ương thì rất lớn, cần đầu tư nhiều thì tỷ lệ chỉ là 49%. Địa phương, nơi có ít đề tài, dự án, công trình nghiên cứu, đầu tư chưa nhiều, kinh phí lại chiếm tới 51%. 

TS. Hồ Ngọc Luật - Vụ trưởng Vụ KHCN địa phương (Bộ KH&CN)

TS. Hồ Ngọc Luật - Vụ trưởng Vụ KHCN địa phương - Bộ KH&CN

Ở Trung ương, đội ngũ làm KH&CN chuyên là 48 ngàn người, còn của địa phương chỉ là 12 ngàn người. TS. Hồ Ngọc Luật cho đây là sự chênh lệch khá lớn. Ông nói: "Chỗ ít người lại được đầu tư trang thiết bị hiện đại, phòng thí nghiệm, phòng nghiên cứu nhiều. Còn Trung ương nhiều người, cần đầu tư lại được đầu tư rất ít".

TS. Hồ Ngọc Luật cho rằng: "Nếu chia xuất đầu tư ra bằng tiền, ở Trung ương, bình quân mỗi cán bộ trong 5 năm được đầu tư 320 triệu đồng vốn đầu tư phát triển, còn ở địa phương là 1 tỷ 290 triệu đồng".

Qua tìm hiểu được biết, hiện kinh phí đầu tư phát triển KH&CN Trung ương cân đối cho địa phương trong 5 năm qua chỉ được sử dụng đúng mục đích, đối tượng khoảng 63%. Còn 37% không được sử dụng đúng mục đích mà sử dụng cho các hoạt động như làm đường giao thông; xây bệnh viện, mua trang thiết bị y tế, xây dựng trạm đăng kiểm giao thông, xây dựng đường nông thôn, khu xử lý chất thải rắn, bãi rác thải, nước thải y tế, mạng lưới quan trắc tài nguyên.

Theo TS. Hồ Ngọc Luật, có nhiều địa phương chi cao hơn mức Quốc hội phân bổ. Tính bình quan trong 5 năm qua, các địa phương chi ở mức 107,3%, nhiều hơn con số Quốc hội phân bổ. Có những nơi như Cà Mau phân bổ tới 275%, Đồng Nai tới 156%, Thái Nguyên 145%. Hoặc có nhiều địa phương lại dùng không hết như Bình Dương chỉ sử dụng đến 68% ngân sách chi cho KH&CN.

"Nhiều địa phương dùng tiền KH&CN để đầu tư vào ứng dụng công nghệ thông tin. Điển hình như Kiên Giang tái diễn kéo dài tình trạng dùng tiền KH&CN để đầu tư vào công nghệ thông tin. Mức ngân sách KH&CN của tỉnh này dùng để phục vụ cho ứng dụng công nghệ thông tin tới 40%. Đà Nẵng cũng diễn ra tình trạng như Kiên Giang. Hay như Hà Nội còn dùng ngân sách KH&CN vào đầu tư làm đường vành đai 3, đường vào khu công nghệ Bắc Thăng Long", TS. Luật cho biết.

TS. Luật cũng cho biết, chỉ tính riêng năm 2013, Bộ KH&CN cùng với các địa phương tập hợp và xem xét 240 dự án đầu tư phát triển cho KH&CN, tổng nhu cầu cần là 3.495 tỷ đồng. Bộ Tài chính duyệt 3.330 tỷ đồng. Trong số này, danh mục dự án Bộ KH&CN đưa lên, có 23 địa phương được cân đối 100% nhu cầu trở lên. Có những địa phương như Hải Dương vượt gấp 6,4 lần nhu cầu; Hưng Yên vượt 7,4 lần nhu cầu; Bà Rịa - Vũng Tàu vượt 8,7 lần nhu cầu.

Theo PGS. TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội khoa học Nhiệt Việt Nam lại cho biết, các nhà khoa học thường vướng mắc ở vấn đề thanh quyết toán tài chính của đề tài. Các thủ tục làm tại kho bạc phức tạp, mất thời gian và rất khó khăn với các nhà khoa học. Bản chất các nhà khoa học họ chỉ giỏi nghiên cứu chứ việc làm các thủ tục "hoàn hảo" thanh toán dễ dàng thì họ lại gặp khó khăn.

TS. Vũ Đình Ánh

TS. Vũ Đình Ánh

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, trong bối cảnh quy mô chi ngân sách cho sự nghiệp KH&CN rất ít như hiện nay phải đặt ra yêu cầu sử dụng hiệu quả nguồn vốn cũng như huy động thêm các nguồn lực bên ngoài. Nếu như hoạt động xã hội hóa trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục thực hiện rất tốt thì trong lĩnh vực KH&CN lại chưa thực hiện được hiệu quả.

Cùng quan điểm, PGS.TS Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW khẳng định, phát triển KH&CN cần gắn với phát triển kinh tế. Trong hoạt động đầu tư cho KH&CN, Nhà nước cần đặt ra những vấn đề then chốt, quan trọng để ưu tiên đầu tư phát triển thay vì ôm đồm, phân bố dàn trải. Trên cơ sở xác định rõ nhiệm vụ KH&CN mới xác định phân bổ ngân sách theo tiêu chí, cơ sở lý luận và thực tiễn rõ ràng, công khai, tránh xin - cho.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang