Những tác dụng phụ khi dùng thuốc trúng đích chữa ung thư

author 12:03 21/06/2020

(VietQ.vn) - Theo Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư Việt Nam, trong quá trình điều trị bằng thuốc trúng đích, người bệnh sẽ gặp một số tác dụng không mong muốn.

Liệu pháp nhắm trúng đích (Targeted therapy) là liệu pháp điều trị ung thư bằng cách sử dụng các thuốc làm hạn chế sự tăng trưởng và lan tràn của bệnh ung thư, thường được áp dụng trên những bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn, tiến triển và di căn xa mà các phương pháp điều trị tại chỗ như phẫu thuật, xạ trị không thể thực hiện được.

Ngoài ra, liệu pháp nhắm trúng đích là nền tảng của y học chính xác, là một trong những phương pháp điều trị cơ bản quan trọng trong điều trị đa mô thức ung thư bằng cách nhắm vào sự phát triển, phân chia và lan rộng của tế bào ung thư.

Liệu pháp nhắm trúng đích ung thư hoạt động bằng cách tấn công và ngăn chặn các gen hay protein chuyên biệt mà những gene và protein này được tìm thấy ở tế bào ung thư hoặc những tế bào có liên quan đến sự phát triển của khối u.

Tới nay, nhiều loại thuốc trong nhóm liệu pháp điều trị trúng đích đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt để sử dụng trong điều trị ung thư. Một số loại thuốc đích phổ biến được các bác sĩ kê đơn hiện nay như Sorafenib điều trị ung thư gan, thận, tuyến giáp. Regorafenib trị ung thư gan, u mô đệm đường tiêu hóa, ung thư đại trực tràng. Sunitinib và Pazopanib điều trị ung thư thận...

Tuy nhiên, theo Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư Việt Nam, trong quá trình điều trị bằng thuốc đích, người bệnh sẽ gặp một số tác dụng không mong muốn với tần suất tương đối cao.

 Thuốc nhắm trúng đích điều trị ung thư có thể gây nhiều tác dụng phụ. Ảnh minh họa

Phản ứng da bàn tay, bàn chân

Thường xảy ra ở giai đoạn sớm trong 2-4 tuần đầu điều trị và giảm dần theo thời gian. Lòng bàn tay, bàn chân, các điểm tỳ đè có dấu hiệu đỏ da, da nhạy cảm hoặc tê bì, có cảm giác đau nhói như kim châm. Nghiêm trọng hơn, da sưng đỏ, nổi chai sần, đau rát, khô nẻ, nổi bọng nước.

Bệnh nhân nên hạn chế vận động mạnh, xách nặng, cầm nắm quá lâu, giảm áp lực lên các đầu ngón tay, chân. Đồng thời, bôi kem dưỡng ẩm làm mềm da, tránh tắm nước quá nóng, không rửa tay bằng nước có cồn.

Phát ban, tróc vẩy trên da

Hiện tượng này chủ yếu xảy ra trong chu kỳ điều trị đầu tiên và giảm dần trong các chu kỳ tiếp theo. Da lúc này vô cùng nhạy cảm với ánh sáng mặt trời và nước nóng, dễ nóng rát, phồng rộp, nổi ban đỏ giống như mụn trứng cá. Da đầu người bệnh thường bị khô, da tróc thành từng mảng lớn.

Triệu chứng phát ban, tróc da ngăn ngừa được bằng cách sử dụng dầu gội trị gầu, thoa thuốc chống ngứa, kem chống nắng khi ra ngoài.

Tăng huyết áp, mệt mỏi

Tăng huyết áp thường xảy ra sớm trong quá trình điều trị. Trước và trong khi dùng thuốc, bệnh nhân sẽ phải kiểm tra huyết áp thường xuyên hàng tuần trong tất cả các chu kỳ. Bác sĩ khuyên bệnh nhân cần ăn nhạt vị, kiêng thuốc lá, đồ uống có cồn và cafein.

Người bệnh nên duy trì lịch làm việc và sinh hoạt xã hội bình thường. Thực hiện các bài tập vận động nhẹ nhàng như thiền, yoga giúp giảm bớt mỏi mệt và ổn định huyết áp. Nếu thấy mệt mỏi quá sức, cần nhanh chóng thông báo cho bác sĩ. Có thể bác sĩ sẽ giảm liều lượng hoặc thay đổi thuốc đích đảm bảo chất lượng hơn để phù hợp với thể trạng bệnh nhân.

Ăn ba ba có thể gây sốc phản vệ nên thận trọng(VietQ.vn) - Sau khi ăn ba ba khoảng nửa giờ đồng hồ một nam bệnh nhân 34 tuổi đã bị mẩn đỏ toàn thân, ngứa, mắt sung huyết, đau bụng dữ dội.

Tiêu chảy

Tình trạng tiêu chảy thường xảy ra ở tất cả các bệnh nhân điều trị ung thư bằng tây y. Bệnh nhân tránh ăn quá no, nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, uống nhiều nước hoặc thức ăn lỏng. Không được uống nước quá nóng hoặc quá lạnh. Cần uống ít nhất một ly nước sau mỗi lần tiêu lỏng.

Có thể uống thuốc loperamide chống tiêu chảy. Liều dùng 2 viên 2mg sau lần đại tiện lỏng đầu tiên, sau đó từ 2-4 giờ uống một viên, trong tối đa 48 giờ. Nếu thuốc không kiểm soát được tình trạng tiêu chảy thì khuyến khích nhập viện.

Viêm miệng

Chứng viêm miệng sẽ xảy ra từ ngày thứ 5-14 từ khi bắt đầu uống thuốc đích. Để phòng ngừa, người bệnh nên chải răng bằng bàn chải mềm với kem đánh răng chứa flouride sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ. Không ăn đồ cay nóng, xúc miệng thường xuyên bằng nước muối để giảm tối đa nguy cơ loét miệng, loét họng.

Mặc dù có rất nhiều tác dụng phụ khi sử dụng thuốc này tuy nhiên theo các bác sĩ người bệnh không cần hoang mang vì các tác dụng phụ này có thể dự phòng, xử lý và giảm thiểu được mà không cần đến bệnh viện. So với nguy cơ, lợi ích mà thuốc đích mang lại cho quá trình điều trị nhiều hơn gây hại. Đây còn là dấu hiệu của việc cơ thể đáp ứng thuốc tốt hơn. Người bệnh nên chủ động tìm hiểu và phòng ngừa trước khi dùng thuốc để bảo bảo an toàn khi sử dụng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang