Nông sản trong nước tiêu thụ không hết sao phải nhập Trung Quốc?

author 06:24 01/08/2014

(VietQ.vn) - Việt Nam có tiềm năng rất lớn về rau quả, trái cây tươi, nông dân trồng ra tiêu thụ trong nước không hết nhưng hoa quả vẫn được nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc, trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này còn rất thấp.

Trước vấn đề này, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học Thông tin thị trường, KH&CN sản xuất nông sản an toàn để trang bị những kiến thức KH&CN, các giải pháp kỹ thuật mới trong trồng trọt hướng tới tăng chất lượng nông sản để xuất khẩu và giảm nhâp khẩu rau quả không cần thiết từ thị trường thế giới.

Thực trạng và triển vọng thị trường nông sản Việt Nam

Sự gia tăng dân số là một thách thức lớn đối với nền kinh tế thế giới và vấn đề an ninh lương thực toàn cầu. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, dân số thế giới sẽ tăng thêm 2,5 tỷ người vào năm 2020, trong đó riêng Châu Á là 1,5 tỷ. Điều này sẽ làm tăng đáng kể khối lượng nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm lương thực, thực phẩm.

Thị trường hàng nông sản thế giới vẫn đang có xu hướng chuyển dần về khu vực các nước đang phát triển, nhất là các nước ở khu vực Châu Á. Gần đây, nhiều khu vực trên thế giới đã phải gánh chịu thiên tai, khiến sản lượng rau quả sụt giảm. Trong khi đó, vào dịp cuối năm nhu cầu của thị trường đối với các mặt hàng này thường tăng mạnh, đây được xem cơ hội cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam

Việt Nam hiện có gần 500.000 ha trồng rau, thoả mãn nhu cầu tiêu thụ nội địa: 8 triệu tấn rau với nhiều loại rau, đậu nhiệt đới và á nhiệt đới như: cà chua, cải bắp, su hào, súp lơ, dưa chuột, hành tây, đậu ngọt. Diện tích trồng cây ăn quả của cả nước là 1 triệu ha, sản xuất 6 triệu tấn quả/năm.

Mặc dù Việt Nam có tiềm năng rất lớn về rau quả, trái cây tươi nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này còn thấp, có 4 nguyên nhân chính là: Chưa đáp ứng an toàn thực phẩm; số lượng nông sản không đủ đáp ứng cho thị trường thế giới; chất lượng còn hạn chế và giá cả không phủ hợp.

Bên cạnh đó, nông sản Việt Nam đã thỏa mãn nhu cầu nội địa nhưng vẫn phải nhập khẩu rau quả từ các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc. Tại buổi hội thảo “KH&CN sản xuất nông sản an toàn”, Ths. Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia cho biết: “Hiện rất nhiều mặt hàng nông sản là thế mạnh của Việt Nam, nông dân trồng ra tiêu thụ trong nước còn chưa hết nhưng vẫn nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc. Số liệu từ các cơ quan xuất nhập khẩu cho thấy, các loại rau củ quả như khoai tây, gừng, chanh, nho, lê, táo, tỏi… xuất xứ từ Trung Quốc tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái”.

Rau, củ, quả nhập khẩu, nhất là hàng Trung Quốc với giá cả thấp đã làm ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ của nông sản nội địa. Nhiều mặt hàng nhập ngoại lại không đảm bảo chất lượng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Hơn nữa việc vận chuyển rau quả trái phép, gian lận nhãn mác đang làm giảm sút lòng tin của người tiêu dùng vào nông sản nội địa.

Thị trường nông sản: hướng tới tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu

Nông sản an toàn trong nước hướng tới tăng kim ngạch xuất khẩu. Ảnh minh họa

Tăng chất lượng nông sản xuất khẩu, giảm nhập khẩu không cần thiết

Nông sản an toàn là những sản phẩm rau, củ, quả đáp ứng yêu cầu: không chứa dư lượng thuốc hoá học (thuốc sâu, thuốc cỏ; không chứa số lượng vi sinh vật và ký sinh trùng vượt mức cho phép;  không chứa dư lượng đạm nitrat (NO3);  không chứa dư lượng các kim loại nặng (chì, thủy ngân, asêníc, kẽm, đồng..)

Hướng tới việc ứng dụng công nghệ sản xuất nông sản an toàn cho nông dân, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia đã hướng dẫn bà con nông dân áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP)

Đây là chương trình kiểm tra an toàn thực phẩm xuyên suốt các khâu. Bắt đầu từ khâu chuẩn bị nông trại, sau đó tới khâu canh tác, thu hoạch, sau thu hoạch. Tiếp theo là kiếm tra việc tồn trữ và các yếu tố liên quan như: môi trường, chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, bao bì, điều kiện làm việc, phúc lợi của người lao động. Cuối cùng là truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

Có thể nói, VietGap chính là chìa khóa đưa nông sản Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, sau 3 năm áp dụng GAP, chỉ có 10%, diện tích trồng rau trên cả nước thực hiện được tiêu chuẩn sản xuất tốt trong nông nghiệp (GAP - Good Agricultural Practices).

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt gần 1,1 tỷ USD. Hiện được xuất khẩu đi hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 10 thị trường xuất khẩu chính là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu, với các mặt hàng chủ yếu như xoài, vải, nhãn, chuối, thanh long, dưa hấu, dừa và dứa.

4 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu rau quả sang các thị trường đã tăng lên 394,74 triệu USD, tăng mạnh 42,38% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù thị trường đang căng thẳng với những diễn biến trên biển Đông, nhưng tình hình xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc – thị trường lớn nhất của Việt Nam, vẫn tăng trưởng đều trong những tháng gần đây, đạt 125,34 triệu USD, chiếm 31,75% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước.

Xếp sau thị trường Trung Quốc là các thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Hà Lan, Nga, Malaysia chiếm 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước.

Thị trương nông sản nội địa ở Việt Nam đang dần xuất hiện các chủ trang trại nông nghiệp hữu cơ độc lập cung cấp trực tiếp sản phẩm vào thị trường nông sản qua các dịch vụ tiện nghi (đưa hàng đến tận nhà, mua qua internet, điện thoại). Đây là bước phát triển mới nhằm đáp ứng nhu cầu nông sản trong nước, cạnh tranh và hạn chế nhập khẩu nông sản không cần thiết từ nước ngoài.

Hương Giang

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang