Nông sản Việt học được gì từ chuối Philippine?

author 07:13 24/07/2014

(VietQ.vn) - Bài học đáng quý mà quả chuối Philippine đã dạy cho Việt Nam về đầu ra nông sản đó là: Đừng bỏ quá nhiều trứng vào giỏ củaTrung Quốc.

Câu chuyện quả chuối của Philipine

Có một thời gian dài, Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của chuối Cavendish của Philippines. Tính đến tháng 3-2012, có tới hơn một nửa trong số 75 triệu thùng chuối sản xuất hằng năm của Philippines được xuất sang thị trường Trung Quốc.

Vào tháng 4 năm 2012, xung đột chủ quyền trên biển Đông nổ ra giữa Trung Quốc và Philippines, gần như ngay lập tức, Trung Quốc tiến hành trả đũa kinh tế nhằm vào mặt hàng  dễ tổn thương nhất của Philippines là chuối. "Chiến tranh chuối" nổ ra khi Trung Quốc cáo buộc chuối Philippines bị nhiễm thuốc trừ sâu và vin vào đó đòi kiểm tra lại tất cả trái cây Philippines xuất đến Trung Quốc.

Philippine đã từng đánh cược đầu ra nông sản của mình cho Trung Quốc

Philippine cũng từng phó mặc đầu ra nông sản của mình cho Trung Quốc rồi phải nhận trái đắng. Ảnh minh họa

Cái “tát” này của Trung Quốc đã khiến hơn 2.000 container chuối của Philippines bị bỏ thối ở các cảng của như Bắc Kinh, Thượng Hải, Đại Liên,…dồn các nhà xuất khẩu và người sản xuất ở Philippines tới chân tường, chịu lỗ nặng, ước tính lên tới 23,1 triệu USD.

Nhưng chính biện pháp trả đũa này đã thúc đẩy Philippines mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Trung Đông… Bước đầu, họ gặp rất nhiều khó khăn, do các thị trường này đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao hơn Trung Quốc. Nhưng ngành sản xuất chuối của Philippines thích ứng rất nhanh bằng cách tập trung đầu tư cho chất lượng. Tới cuối năm 2012, Philippines hoàn toàn làm chủ được thế trận. Họ kí được hợp đồng với Mỹ, Nhật Bản…tăng sản lượng tiêu thụ, tăng giá bán, cải thiện được đời sống cho nông dân, còn Trung Quốc thì buộc phải mở cửa nhập khẩu trở lại vì trả đũa không hiệu quả. 

Nhiều nét tương đồng với tình hình nông sản Việt Nam

Những ngày tháng 6 vừa qua, báo đài Việt Nam không tiếc lời đưa tin về bi kịch “được mùa rớt giá” xảy ra trên hầu hết ngành sản xuất nông sản của Việt Nam, như gạo, như rau, trái cây, hải sản…Những kết luận cuối cùng được rút ra là do chúng ta đã “bỏ qua nhiều trứng vào một giỏ”, trông cậy quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Đầu ra nông sản Việt Nam phần lớn là thị trường Trung Quốc

Đầu ra nông sản Việt Nam phần lớn là thị trường Trung Quốc. Ảnh minh họa

Theo Bộ Công thương, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng từ 1,5 tỷ USD năm 2000 lên 13,3 tỷ USD năm 2013. Trong đó, lúa gạo và cao su kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 40%. Còn với thanh long, bột sắn, dưa hấu, vải thiều…thì thị trường Trung Quốc chiếm tới 80 - 90% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam.

Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp, nông thôn, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, phải thừa nhận thực tế Trung Quốc đang là thị trường chủ chốt của nông sản Việt Nam. Đây là một thị trường rộng lớn, đầy tiềm năng, sức tiêu thụ cao cùng với tương lai kinh tế sáng lạng, đồng thời cũng là thị trường ẩn chứa rất nhiều rủi ro, bất trắc. Nói vậy là do lề thói và đạo đức buôn bán mà đất nước này thể hiện trước nay không cho thấy tính bền vững cho ngành xuất khẩu Việt Nam nói chung và nông sản nói riêng, nhất là trong bối cảnh tình hình Biển Đông vẫn mờ mịt chưa rõ tương lại như hiện nay. 

Và bài học nào cho Việt Nam

Từ câu chuyện của Philippines, đối chiếu với nông sản Việt Nam, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nói, chúng ta không nên từ bỏ hoàn toàn thị trường Trung Quốc. Nhưng rõ ràng, đã đến lúc chúng ta phải tìm thêm những thị trường mới. Mở rộng thị trường xuất khẩu lúc này là rất cấp bách. Ta không sợ thừa cung mà chỉ sợ không tìm được cầu. Thị trường ở các nước vẫn còn nhiều cơ hội. Chỉ có vấn đề là tìm được đúng thị trường, đưa ra mức giá cạnh tranh, giải quyết được những cơ chế để xuất khẩu.

Đã tới lúc nông nghiệp Việt Nam cần mở rộng thị trường đầu ra nông sản

Đã tới lúc nông nghiệp Việt Nam cần mở rộng thị trường đầu ra nông sản. Ảnh minh họa

Đối với xuất khẩu sang Trung Quốc, lập trường quản lý của Nhà nước cũng cần rõ ràng. Cần có những thỏa thuận chính thức giữa hai quốc gia, hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch để tránh những thiệt hại do cú sốc cung cầu – được mùa mất giá gây ra. Người dân lại càng phải nắm vững tâm lý, không chạy theo thị trường, không”ào” lên sản xuất hàng hoạt khi giá cao để rồi phải ngậm ngùi nuốt trái đắng khi thu hoạch.

Phan Huyền (th)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang