Nuôi dưỡng thành công ong mắt đỏ diệt sâu bệnh

author 06:58 22/10/2013

(VietQ.vn) - Nuôi cấy thành công ong mắt đỏ để diệt sâu bệnh nhưng vì nông dân vẫn còn..."nghĩ ngắn" nên thích dùng thuốc hóa chất hơn là thiên địch.

Muốn đem sự an toàn đến cho dân...

Hiện nay, nhiều hộ nông dân đã phun thuốc sâu lên rau, quả, rồi vài ngày sau đã đem ra chợ bán. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật rất độc, khi vào cơ thể sẽ sinh nhiều bệnh nội tạng.

Ong mắt đỏ
Nuôi và nhân giống thành công ong mắt đỏ ở viện Sinh thải và Tài nguyên sinh vật. Ảnh: HT

 

PGS.TS Trương Xuân Lam cùng các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam đã nghiên cứu, nuôi cấy ong mắt đỏ, là côn trùng ký sinh trứng, có khả năng diệt 200 loài sâu ngay từ quá trình ký sinh trứng. Hai ưu điểm của ong mắt đỏ nói riêng và ong ký sinh trứng nói chung là tuyệt đối an toàn và diệt tận gốc.

Để có được loài thiên địch này, các nhà khoa học đã điều tra thu thập nguồn ong mắt đỏ ngoài tự nhiên: thu các ổ trứng hoặc trứng sâu đục thân ngô ở ngoài tự nhiên đem về phòng thí nghiệm. Khi ong kí sinh vũ hóa ra cho tiếp băng trứng ngài gạo đã được xử lý vào cho ong kí sinh.

Từ đó, nhân nuôi ký sinh (Ong mắt đỏ) và ký chủ (Ngài gạo) trong phòng thí nghiệm. Sau khi 2 dòng ong mắt đỏ được giữ lạnh trong tủ định ôn 6oC với thời gian giữ lạnh là 1 tháng.

Các nhà khoa học đã đem loài ong này thả thí điểm áp dụng ở nơi chuyên trồng rau là Hợp tác xã Chương Dương, xã Phương Liên, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Kết quả, giữ được rau sạch 40 - 45 ngày tuổi, không phải phun thuốc hóa học, giảm trừ 5 - 6 lần phun thuốc so với cách làm thông thường. Rau xanh đảm bảo an toàn với người ăn.

...nhưng thiếu chế tài để đưa phát minh vào đời sống

Tuy đã chứng minh thành công trong thực tế, song điều mà PGS.TS Trương Xuân Lam vẫn day dứt là bà con vẫn khó bỏ thói quen dùng thuốc hóa chất để phun lên rau xanh. Bởi phương pháp dùng ong mắt đỏ có tốn kém hơn so với phun thuốc khoảng vài nghìn đồng/sào (nhưng lại đem lợi ích lâu dài) nên người nông dân chỉ "nghĩ ngắn", không tính đến cái lợi lâu dài.

Mặt khác, để duy trì và nuôi dưỡng nguồn ong mắt đỏ này, các nhà khoa học đã phải rất khó khăn tìm kiếm nguồn vốn, vì không có ngân sách để duy trì đề tài. Bởi vậy, PGS.TS Trương Xuân Lam mong muốn, nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho họ được bảo tồn loài thiên địch quý này trong phòng thí nghiệm.

Xa hơn, những người làm nghiên cứu mong muốn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương phải có chế tài mạnh, cấm sử dụng hóa chất phun lên rau xanh, khuyến khích các biện pháp sạch để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Hoàng Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang