Phá rào kỹ thuật trong thương mại - Doanh nghiệp còn đứng nhìn?

author 07:53 19/12/2014

(VietQ.vn) – Gần 5 năm triển khai đề án TBT, vai trò cũng như sự tham gia của doanh nghiệp trong đề án này còn rất mờ nhạt.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Theo đánh giá của Văn phòng Thông báo và hỏi đáp quốc gia về tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Văn phòng TBT Việt Nam) – Cơ quan đầu mối của Quốc gia về việc thực thi Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Đề án TBT), hiện nay sự tham gia của các hiệp hội và doanh nghiệp vào các hoạt động TBT ở Việt Nam còn rất mờ nhạt. Thậm chí, đến nay sau gần 5 năm triển khai thực hiện đề án TBT, nhiều bộ ngành, địa phương triển khai còn chưa tốt. Có những bộ, ngành, địa phương đã có các hoạt động thiết thực, phục vụ doanh nghiệp và sự hội nhập của nền kinh tế nhưng kết quả chưa cao.

Các thành viên ban liên ngành TBT đều cho rằng, vai trò của doanh nghiệp trong các hoạt động TBT còn mờ nhạt

Các thành viên ban liên ngành TBT đều cho rằng, vai trò của doanh nghiệp trong các hoạt động TBT còn mờ nhạt. Ảnh: N. N

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh – Trưởng ban liên ngành TBT Việt Nam cho rằng, là một nước đang phát triển, Việt Nam phải được đối xử với quyền đặc biệt và khác biệt trong thực thi nghĩa vụ theo hiệp định TBT. Tuy nhiên, trên thực tế, không có việc nhượng bộ đối với Việt Nam trong việc thực hiện các nhiệm vụ này.

“Ngoài các hỗ trợ kỹ thuật đã được thỏa thuận song phương với một số nước thành viên trong WTO hoặc do các tổ chức quốc tế chủ động đề xuất các hỗ trợ khác từ nước ngoài thời gian qua chưa có nhiều. Đặc biệt liên quan đến việc xây dựng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ các mục tiêu hợp pháp mà Hiệp định TBT cho phép, các cơ quan liên quan đến TBT của Việt Nam cần chủ động hơn nữa, khai thác các dự án, có hỗ trợ cần thiết cho hoạt động TBT, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam thông qua tận dụng các cơ hội mà hiệp định mang lại; vượt qua các thách thức mà hiệp định đặt ra”, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói.

Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, xu hướng thương mại quốc tế có sự ra tăng của chủ nghĩa bảo hộ. Điều này có thể được khẳng định qua số lượng ra tăng rất nhanh về các thông báo TBT và các quan ngại thương mại. Xu hướng này cho thấy, các nước ngày càng tập trung vào xây dựng các hàng rào phi thuế để bảo vệ nền kinh tế của mình.

Nói về các hoạt động của mạng lưới TBT Việt Nam thời gian qua, ông Nguyễn Nam Hải – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, tính đến thời điểm 15/9/2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nhận được 6/9 báo cáo của Bộ và 45/63 báo cáo của các địa phương gửi về qua Tổng cục, cung cấp thông tin liên quan đến việc thực hiện đề án TBT trong các năm 2013 và 2014. Trong đó, riêng Bộ Thông tin và Truyền thông không tiến hành triển khai Đề án TBT theo chương trình riêng. Về các địa phương: Bắc Kạn, Ninh Thuận và Yên bái chưa triển khai thực hiện đề án trong năm 2013- 2014. Tỉnh Thừa Thiên – Huế dự kiến 2015 mới triển khai.

Ông Hải cho rằng, thời gian qua các bộ ngành, địa phương đã tăng cường tiếp cận và nâng cao năng lực, chuyên môn của các cán bộ TBT nhằm đáp ứng nghĩa vụ minh bạch hóa. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến đã giúp các cơ quan nắm rõ, thực thi quyền và nghĩa vụ theo hiệp định TBT.

“Doanh nghiệp nhận thức được sự ảnh hưởng của hàng rào kỹ thuật trong thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của mình, được cung cấp thông tin kịp thời và chuyên sâu về các quy định vào hàng rào kỹ thuật của các nước thành viên WTO nói chung cũng như thị trường xuất khẩu trọng điểm. Doanh nghiệp tiếp cận được các cơ sở dữ liệu về TBT của các thị trường xuất khẩu trọng điểm, tra cứu và khai thác thông tin dễ dàng, thuận tiện, góp phần nâng cao năng lực và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của thị trường này qua đó giúp cải thiện được khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu”, ông Hải nói.

Ông Nguyễn Nam Hải cho rằng, doanh nghiệp đã được tiếp cận với các thông tin TBT dễ dàng hơn

Ông Nguyễn Nam Hải cho rằng, doanh nghiệp đã và sẽ được tiếp cận với các thông tin TBT dễ dàng hơn. Ảnh: N. N

Cũng theo ông Hải, trong kế hoạch thời gian tới, dự kiến sẽ hình thành Cổng thông tin TBT chính thức đặt tại Văn phòng TBT Việt Nam. Cổng thông tin điện tử này được kỳ vọng sẽ là cầu nối và cơ sở dữ liệu phục vụ nhu cầu về các vấn đề liên quan tới TBT của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Theo kiến nghị của các bộ ngành, thời gian tới, các hoạt động liên quan tới TBT cần hướng nhiều hơn nữa tới cộng đồng doanh nghiệp bởi thực tế hiện nay các doanh nghiệp, hiệp hội có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan đến vấn đề TBT.

Thực tế cũng cho thấy, khi có các vướng mắc về xuất khẩu hoặc lưu hành hàng hóa ở nước ngoài, doanh nghiệp các nước chủ động đề xuất hoặc trình lên các cơ quan chức năng các biện pháp kỹ thuật, rào cản đề bảo vệ hàng hóa của họ và ngăn chặn hàng hóa của “đối thủ”. Ở Việt Nam, gần như các doanh nghiệp chưa làm được điều này hoặc có làm cũng còn rất mờ nhạt và chưa được quyết liệt.

Theo đại diện của Bộ Y tế, các doanh nghiệp có lợi ích liên quan, bởi thế việc xem xét và thông báo các nguy cơ, cảnh báo các văn bản nước ngoài, cần phải rà soát và nhận diện các văn bản trong nước. Đôi khi chính các văn bản trong nước tự “làm khó” cho doanh nghiệp của mình.

Còn theo đại diện của Bộ Công Thương, để doanh nghiệp tham gia tốt hơn vào hoạt động của TBT ở Việt Nam, cần thiết phải tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền. Không chỉ bằng các trang thông tin điện tử mà cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông trên các phương tiện, báo chí để các thông tin về TBT được phổ biến rộng rãi hơn, thu hút doanh nghiệp quan tâm hơn.

Đồng quan điểm này, đại diện của Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho rằng, doanh nghiệp vẫn mơ hồ về TBT và cũng không nhận rõ được tác dụng rất lớn của TBT đối với họ. Bởi vậy cần tăng cường truyền thông hướng tới doanh nghiệp và hướng họ tới với hoạt động TBT.

Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, việc triển khai đề án TBT trong năm qua có những bước tích cực. Đến nay, các dự án của đề án TBT được triển khai ở mức độ khác nhau, các cơ quan quản lý nhà nước đã chú trọng hơn đến các vấn đề TBT như nâng cao năng lực, chuyên môn của cán bộ TBT. Doanh nghiệp cũng có sự quan tâm rõ hơn bởi sự ảnh hưởng của các hàng rào kỹ thuật trong thương mại tác động tới họ. Các doanh nghiệp cũng đã được tiếp cận cơ sở dữ liệu về TBT.

Tuy nhiên, hạn chế nhận thức về vị trí, vai trò của TBT và đặc biệt là đảm bảo sự chỉ đạo, quan tâm cho hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế. Các đầu mối về TBT cán bộ thay đổi, kiêm nhiệm nhiều. Các địa phương gặp không ít khó khăn; kinh phí cũng nhiều hạn chế.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho rằng cần có sự đánh giá lại vị trí và vai trò của hoạt động TBT khi giai đoạn tới sẽ đẩy mạnh hội nhập, tự do thương mại hóa, đồng thời nhận thấy sự ra tăng về chủ nghĩa bảo hộ.

Việc xác định lại nội dung, nhiệm vụ của TBT rõ ràng hơn để có các cơ chế cho hoạt động TBT tốt hơn. Tuyên truyền nâng cao nhận thức ngay cả với các cấp quản lý cần phải được tăng cường. Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp đối với việc thực thi đề án TBT.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang