Phát triển kinh tế tư nhân trong thời đại số

author 06:54 03/09/2020

(VietQ.vn) - Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn trong hơn 30 năm đổi mới của đất nước ta có một phần đóng góp không nhỏ của khu vực kinh tế tư nhân.

Trải qua thời gian, sự tồn tại và phát triển cũng như vai trò của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và nhấn mạnh. Đánh giá sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam đã có một khu vực tư nhân đông đảo gồm hơn 800 nghìn doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Đất nước cũng đã có những tỷ phú Việt đầu tiên và nhiều thương hiệu Việt được thế giới công nhận.

 
“Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là nguồn cổ vũ cho tinh thần khởi nghiệp, đổi mới và sáng tạo, tạo sức sống và đột phá phát triển mạnh mẽ đất nước ta trong giai đoạn tới” - Đại hội XII của Đảng nêu rõ.
 

Từ thực tế, khu vực kinh tế tư nhân đang là "cỗ máy" tạo việc làm lớn trong nền kinh tế; lại gánh vác trọng trách lịch sử chuyển dịch lực lượng lao động từ khu vực nông nghiệp năng suất thấp sang khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Đồng thời, còn là khu vực mưu sinh của hàng chục triệu gia đình, với sự tăng trưởng, lớn mạnh không ngừng, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng góp tới hơn 40% GDP của nền kinh tế và tỷ lệ này đang còn tiếp tục gia tăng thêm nữa.

"Mặc dù vậy, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều điều khiến chúng ta không thể không trăn trở. Chúng ta chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp dân tộc, năng suất của khu vực tư nhân nói chung còn thấp, tính phi chính thức cao, nền kinh tế có quá ít các doanh nghiệp cỡ vừa và lớn, khả năng kết nối vào các chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu…", ông Lộc bày tỏ.

Để có thể thực hiện mục tiêu gia tăng tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong nước đạt mức 50% GDP vào năm nay và 55% vào năm 2025; 60-65% vào năm 2030, ông Lộc cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy tiến trình cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực; trong đó cải cách thể chế giữ vai trò nền tảng.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, quản lý nhà nước vẫn mang nặng tính hành chính, chưa thực sự tạo điều kiện khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ phát triển. Nhiều chính sách và hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự hiệu quả do nguồn lực còn hạn chế lại phân bổ dàn trải, kém hiệu quả...

Về mặt chủ quan thì nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa biết và chưa hiểu nhiều về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Lại thêm tư duy kinh doanh ngắn hạn nên họ chưa có những định hướng chiến lược trong trước mắt và lâu dài để thích ứng với xu thế hội nhập trong tình hình mới.

Khu vực kinh tế tư nhân đang là "cỗ máy" tạo việc làm lớn trong nền kinh tế. Ảnh minh họa.

Vì vậy, theo ông Cung, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động, tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp thông qua các chính sách.

Chẳng hạn như các chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất trong những năm đầu hoạt động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục thành lập doanh nghiệp, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh; cung cấp thông tin; hướng dẫn quản trị doanh nghiệp và tư vấn pháp luật...

Đồng thời, Nhà nước bảo đảm việc thực thi thật minh bạch, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tạo tiền đề hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân sở hữu hỗn hợp, bao gồm cả việc góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước có tiềm lực vững mạnh, đủ sức cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, nông nghiệp...

Kinh tế tư nhân: Động lực đưa Đà Nẵng giữ vững danh hiệu điểm đến số 1 Thế giới hậu Covid-19(VietQ.vn) - PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng nhấn mạnh: “Trên bản đồ du lịch hiện nay, những điểm định hình chân dung du lịch rất rõ như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Phú Quốc… đều có dấu ấn của các tập đoàn tư nhân”.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang