Quản lý an toàn thực phẩm: Trước giờ G, hàng quán vỉa hè nhất loạt “không biết”

author 06:57 10/05/2014

Thông tư liên tịch 13/2014 của Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương về vấn đề quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) sẽ có hiệu lực từ 26/5 tới.

Một nội dung đáng chú ý là các chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải được xác nhận kiến thức về ATTP thông qua “thi cử”. Nhưng hiện tại, việc làm cần thiết này vẫn chưa được mấy người biết tới.

“Tôi không biết”

Đó là câu trả lời của hầu hết những chủ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các hàng quán vỉa hè khắp Hà Nội theo khảo sát của PV Báo GĐ&XH khi thời điểm Thông tư liên tịch 13/2014 còn chưa đầy 20 ngày nữa là có hiệu lực. Chúng tôi phỏng vấn ngẫu nhiên 20 chủ quán hàng ăn ở khu vực quận Thanh Xuân và 10 chủ quán cà phê ở quận Hai Bà Trưng với cùng một câu hỏi “Ông/bà có biết trong tháng 5 này phải kiểm tra, xác nhận kiến thức về ATTP không?”. Rất tiếc, chúng tôi không nhận được một cái gật đầu nào, đồng thời cũng không ai cho biết mình nhận được thông báo gì từ UBND phường liên quan đến vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Anh (số nhà 510B8, phố Nguyễn Đức Quý, Thanh Xuân), bán thịt xiên nướng vỉa hè, mồ hôi nhễ nhại nói: “Không! Ngày nào cũng ở ngoài đường thế này thôi, tôi chẳng biết thông tin gì mới cả”. Chủ nhà hàng Ý Linh (nhà N5C, Nhân Chính, Thanh Xuân) chuyên đặc sản ốc cũng thừa nhận: “Không! Tôi chưa biết đến vấn đề này. Từ lúc bán hàng đến giờ mình chỉ có giấy đăng ký ATVSTP hàng năm, đảm bảo chất lượng sản phẩm thôi”.

Còn chị Tuyết, bán bánh mì dưới nhà N5D, Nhân Chính thì thẳng thắn: “Tôi không bận tâm lắm tới việc này, chính quyền cũng chả nói gì cả”. Hay ông Tiếp (44 tuổi, nhà N4D, Nhân Chính), chuyên bán bún ngan trả lời: “Không! Tôi chưa biết thi cử gì về kiến thức ATTP cả. Tôi học nghề từ bà dì ở Nam Định quê tôi, làm lâu rồi quen tay thôi. Giấy phép vệ sinh ATTP thì lâu rồi, hồi 1999-2000 có đăng ký ở Ngã Tư Sở. Thuế môn bài ngày đấy là 180.000 đồng”.

Bà Bảy (cổng làng sinh viên Hacinco) – trưa bán bún đậu mắm tôm, tối bán cháo, bún riêu cua nói: “Như tôi đây lấy đâu thời gian mà tìm hiểu mấy thông tin này. Nhà tôi cũng không đăng ký vệ sinh ATTP, bán vỉa hè thế này thì đăng ký làm gì. Mình bán thì cứ bán thôi”. Chủ quán cơm bình dân trên đường Nguyễn Văn Thêm (Thanh Xuân) cho biết: “Hàng năm chồng tôi vẫn ra phường khám sức khỏe, thử máu để đăng ký vệ sinh ATTP, năm nào cũng đăng ký cái đó. Mình làm đảm bảo thì khách quay lại, chứ chuyện xác nhận kiến thức gì đó thì chưa nghe bao giờ”.

Hàng loạt những câu “không” hồn nhiên đến… giật mình kia đã phần nào cho thấy sự “quan tâm” của chính quyền các phường đối với nhóm đối tượng kinh doanh nhỏ lẻ, chủ yếu là hàng ăn trên vỉa hè trên địa bàn. Nhưng ngay cả ở “phân khúc”… sang hơn là quán cà phê, nhà hàng… các chủ cơ sở cũng ngơ ngác trước chuyện sẽ phải “thi” để có được xác nhận về kiến thức ATTP. Chủ quán cà phê Linh (60B, Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng) thật thà cho biết, chưa nhận được thông tin gì chủ trương này. Hay chủ một quán cà phê khác trên phố Lê Thánh Tông cho chúng tôi xem giấy mời của UBND phường Phan Chu Trinh đề nghị đi khám sức khỏe, tập huấn về phục vụ kinh doanh ăn uống với chi phí 179.000 đồng/người tại một phòng khám đa khoa, tuy nhiên, anh chẳng mặn mà gì nên bỏ về sớm.
 
Các bộ chỉ hướng dẫn

Trả lời PV Báo GĐ&XH, ông Trần Quang Trung – Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết: “Phần thức ăn đường phố, hàng rong thuộc trách nhiệm của UBND các cấp, chứ không phải của Bộ, ngành. Theo quy định thì tùy điều kiện mà các địa phương sẽ triển khai. Chúng tôi đang hi vọng được 80% là mừng lắm rồi. Bởi những người kinh doanh đó thường thay đổi địa điểm liên tục. Các tỉnh hiện nay đang xây dựng mô hình quản lý thức ăn đường phố. Phương thức bây giờ cũng không phải là cấp xác nhận cho từng người một mà có thể mở các lớp tập huấn vài chục người”.

Theo ông Trung, Bộ Y tế cùng các bộ NN&PTNT, Công Thương chỉ quản lý và hướng dẫn về góc độ chuyên môn. Việc các chủ cơ sở, người kinh doanh thực phẩm có biết đến chủ trương này hay không, tuân thủ ra sao thì phụ thuộc vào UBND các cấp. “Bộ Y tế hướng dẫn cho các địa phương những nội dung phải tập huấn như thế nào. Còn cách thức thực hiện ra sao thì tùy điều kiện từng nơi”, ông Trung nói.

Lãnh đạo Cục ATTP nhấn mạnh, việc triển khai thông tư này của 3 bộ không nhằm để “siết” hàng rong, quán ăn vỉa hè, mà mục đích chính là nâng cao nhận thức của người kinh doanh đồ ăn uống, thậm chí tập huấn cả những việc tưởng chừng sơ đẳng nhất như rửa tay, đeo găng thế nào đúng. “Tiêu chí cuối cùng là phổ biến kiến thức tới người dân, chứ không phải gây khó khăn cho việc kinh doanh của họ”, ông Trung nói.

Theo Thông tư 13/2014: Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm được cấp cho những người trả lời đúng 80% số câu hỏi trở lên ở mỗi phần câu hỏi kiến thức chung và câu hỏi kiến thức chuyên ngành. Việc kiểm tra thực hiện bằng bộ câu hỏi đánh giá kiến thức về an toàn thực phẩm theo lĩnh vực quản lý. Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm có hiệu lực 3 năm kể từ ngày cấp.


Theo GDXH

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang