Sinh vật lạ trong món lòng ở quán Nhất Nướng: 'Chiêu bẩn' của đối thủ trên Facebook

author 19:51 12/03/2016

(VietQ.vn) - Nguy cơ nhà hàng Nhất Nướng bị thực khách tẩy chay sau những thông tin thất thiệt của đối thủ ‘chơi xấu' trên Facebook.

Nhất Nướng 'điêu đứng' vì chiêu trò 'nói xấu' trên Facebook

Theo báo giới, sự việc sinh vật lạ ngoe ngẩy trong đĩa lòng của nhà hàng Nhất Nướng (Lê Đức Thọ kéo dài, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội)  đang dậy sóng dư luận. Nhiều khách hàng bày tỏ sự phẫn nộ với ‘thực phẩm bẩn, lương tâm bẩn’ của nhà hàng. Nhưng cũng có không ít người cho rằng, đây chỉ là một âm mưu trong cạnh tranh kinh doanh, - một chiêu trò của đối thủ cạnh tranh nhằm bôi nhọ, hạ uy tín làm ăn của hệ thống nhà hàng Nhất Nướng.

giun-san-nhat-nuongTrò đùa hay chiêu trò hạ bệ thương hiệu Nhất Nướng

Dù chưa thể khẳng định đây là trò đùa hay chiêu trò nhưng chỉ với hình ảnh và thông tin thất thiệt trên facebook cũng đã khiến nhà hàng đồ nướng nổi tiếng ăn khách này phải điêu đứng vì hơn nửa cộng đồng nói lời ‘tẩy chay’.

Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, việc khai thác triệt để các điểm yếu để hạ thấp uy tín của đối thủ, nhằm gây thiệt hại về thương hiệu và doanh số ngày càng trở nên phổ biến và khó kiểm soát.

Doanh nghiệp làm gì để không 'chết yểu' vì Facebook?

Các chiêu trò cạnh tranh này không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà còn ‘nở rộ’ trên thế giới: Trung Quốc, Thái Lan... làm nhiều thương hiệu lớn phải lao đao ‘chết yểu’.

Trước tình hình ngày càng ‘nóng’ và khó kiểm soát của cạnh tranh ‘chà đạp lên nhau’ như hiện nay, chuyên gia tư vấn thương hiệu Đặng Thanh Vân cho biết:

chuyen-gia-dang-thanh-van

Chuyên gia tư vấn thương hiệu Đặng Thanh Vân

“Với sự bùng nổ 'mạng xã hội' hiện nay, chỉ bằng 1 chiếc smartphone, mỗi cá nhân đều trở thành một nhà báo, đều dễ dàng tiếp cận hàng triệu luồng thông tin của triệu 'nhà báo khác', sự lan truyền đã tăng theo cấp số lũy thừa chứ không còn ở cấp số nhân. Vì vậy bất cứ thông tin gì trên mạng xã hội, dù chưa được kiểm chứng nhưng cứ tạo cảm xúc là sẽ được/bị lan truyền. Cảm xúc càng mạnh thì sức ảnh hưởng càng lớn. Giống như khi bạn ném một viên sỏi xuống hồ; mặt nước sẽ gợn sóng càng ngày càng lan rộng. Sỏi càng lớn thì sóng càng lớn”.

CEO Thanh Vân phân tích: “Theo góc độ tâm lý học, vì nỗi sợ hãi bản năng, con người có xu hướng để tâm nhiều hơn đến những vấn đề phản cảm. Họ sợ gặp phải vấn nạn tương tự và phát sinh tâm lý tự bảo vệ dẫn đến hành động vội vàng bất cần phân tích logic.

Khi một thương hiệu gặp phải thông tin bất lợi trên mạng xã hội, các thành viên trong cộng đồng sẽ không cần để tâm suy xét hoặc phân tích bằng lý trí mà trước tiên, sẽ comment, share một cách cảm tính. Điều này tất yếu gây tổn hại về hình ảnh và tạo nên liên tưởng xấu cho thương hiệu. Nếu thông tin bất lợi trầm trọng, khách hàng sẽ tuyên bố "tẩy chay" thương hiệu.

Và để tránh khủng hoảng, để tự bảo vệ mình và cảnh giác với đối thủ ‘chơi xấu’, chuyên gia chia sẻ:

Mọi doanh nghiệp và thương hiệu ngày nay khi bắt tay vào kinh doanh đều nên và phải chủ động chuẩn bị để đối diện với các khủng hoảng có thể phát sinh bất cứ khi nào. Đặc biệt với những ngành nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến sự an toàn của con người như y tế, thực phẩm, giao thông...

Trước hết, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống phòng vệ bằng những thông tin văn bản, hình ảnh, video.... được trình bày minh bạch, dễ hiểu, rõ ràng, dễ tìm kiếm và liên tục được làm mới. Doanh nghiệp có thể sử dụng các kênh phổ biến hiện nay như Website, blog, YouTube, Facebook và Hình ảnh treo/ trưng bày/ phát tại các điểm bán.

Sau đó, doanh nghiệp nên có quy trình quản trị khủng hoảng phù hợp. Trong quy trình này, giữ gìn mối quan hệ với báo chí và những người gây ảnh hưởng nên là việc cần được ưu tiên. Giả định nếu doanh nghiệp từ trước đến nay đều có nhiều thông tin tốt, đẹp, lôi cuốn và hướng tới khách hàng; thì khi xảy ra một sự cố hay thậm chí bị đối thủ chơi xấu; thương hiệu cũng dễ dàng được khách hàng trung thành lên tiếng bảo vệ hoặc tối thiểu sẽ không bị "bới bèo ra bọ".

Mặt khác, với nhóm khách hàng và giới truyền thông chưa bao giờ biết đến hay sử dụng sản phẩm dịch vụ của thương hiệu; họ cũng sẽ tìm hiểu và đọc thấy những tin tức tốt. Điều này giúp khách hàng và nhà báo có những đánh giá khách quan hơn.

Trong trường hợp chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống khủng hoảng phát sinh; doanh nghiệp nên ngay lập tức khoanh vùng nguồn phát tán tin tức; sử dụng các biện pháp đàm phán (nếu có thể) song song với việc chủ động cung cấp tin tức cho một đơn vị báo chí hoặc truyền thông đáng tin cậy và minh bạch thông tin trên các kênh truyền thông mà doanh nghiệp sở hữu hoặc có khả năng kiểm soát. Doanh nghiệp không nên "đổ thêm dầu vào lửa" bằng việc tranh cãi với khách hàng và cộng đồng.

Thanh Yến

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang