Tăng năng suất lao động là chìa khóa vạn năng

author 22:48 30/04/2014

(VietQ.vn) – Tăng năng suất lao động sẽ đem lại kết quả tốt hơn, cho ra nhiều sản phẩm có năng suất, chất lượng cao hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

“Chìa khóa” vạn năng

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu của tăng năng suất lao động hiện nay là hoàn thiện chất lượng cuộc sống của con người. Vấn đề trung tâm của năng suất lao động hiện nay là đảm bảo xã hội tốt hơn thông qua kỹ thuật cải tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực và công nghệ sẵn có.

Năng suất lao động Việt Nam thấp nhất khu vực

Năng suất lao động Việt Nam thấp nhất khu vực. Ảnh minh họa

Đối với các doanh nghiệp, tăng năng suất lao động càng có ý nghĩa quan trọng, nó là một trong những chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và là một yếu tố quyết định đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Điều đó thể hiện, tăng năng lao động góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Bởi nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp bán được nhiều sản phẩm hơn, tăng thị phần, tăng lợi nhuận… Năng suất lao động tăng cũng sẽ làm giảm giá thành sản phẩm, đồng thời chất lượng sản phẩm cũng được cải tiến vì tiết kiệm được chi phí về tiền lương trên một đơn vị sản phẩm. Giá cả và chất lượng chính là hai yếu tố quyết định đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Tăng năng suất lao động góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này thể hiện ở việc, tăng năng suất lao động có nghĩa là hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm giảm, vì thế nó cho phép giảm số người làm việc, tiết kiệm được quỹ lương. Tiền lương là một trong những chi phí của quá trình sản xuất, do đó tăng năng suất lao động góp phần là giảm chi phí nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

Năng suất lao động cao và tăng nhanh sẽ tạo điều kiện tăng quy mô và tốc độ của tổng sản phẩm xã hội, thu nhập quốc dân, cho phép giải quyết thuận lợi các vấn đề về tích luỹ, tiêu dùng. Vì năng suất lao động tăng lên thì sản lượng tăng lên và tổng giá trị sản lượng tăng lên. Khi giá trị sản lượng tạo điều kiện cho việc tăng lợi nhuận, giúp cho các doanh nghiệp có thể tích luỹ đầu tư mở rộng sản xuất.

Gặp nhiều thách thức

Kinh tế khó khăn khiến nhiều chế độ đãi ngộ cho người lao động bị eo hẹp, thậm chí bị cắt giảm tối đa. Các nhà quản lý và sử dụng lao động lý giải rằng, đó là việc làm “cực chẳng đã” và làm thế cũng chỉ vì nghĩ về doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nếu việc điều chỉnh chế độ đãi ngộ diễn ra lâu dài sẽ ảnh hưởng tới năng suất và sự bền vững của nguồn lao động.

Ngành da giày Việt Nam gia công nhiều hơn là tự sản xuất

Ngành da giày Việt Nam gia công nhiều hơn là tự sản xuất. Ảnh minh họa

Theo TS. Hồ Đức Hùng, Đại học Kinh tế TP. HCM, năng suất lao động của lao động Việt Nam hiện thấp hơn Indonesia 10 lần, Malaysia 20 lần, Thái Lan 30 lần, Nhật Bản tới 135 lần. Trong khi đó, các chủ sử dụng lao động lại cho rằng, mức lương, thu nhập của người lao động đang tăng cao và gây sức ép với hoạt động của doanh nghiệp, nhất là điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay.

“Nếu coi rẻ lao động, sử dụng lao động giá rẻ như một lợi thế thì sai lầm, bởi yếu tố quyết định đến doanh thu lợi nhuận của doanh nghiệp chính là năng suất lao động”, TS. Hồ Đức Hùng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ của chúng ta không thể kéo dài mãi. Do đó không chỉ riêng ngành da giày mà các ngành hàng khác cũng cần có bước chuẩn bị cụ thể để chuyển từ số lượng sang chất lượng.

Còn theo PGS. TS Trần Hồng Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, phát triển kinh tế dịch vụ, đặc biệt hướng tới một nền kinh tế dịch vụ tri thức đang trở thành xu thế nổi bật trong sự phát triển của nền kinh tế thế giới hiện nay.

“Các nền kinh tế trên thế giới, từ phát triển đến đang phát triển, đã và đang chuyển đổi, điều chỉnh chính sách sang hướng ưu tiên hoặc chú trọng phát triển ngành dịch vụ hơn”, PGS. TS Trần Hồng Sơn nói.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang