Thách thức mới đối với an toàn thông tin tại Việt Nam

author 15:24 01/12/2017

(VietQ.vn) - Hội thảo Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2017 với chủ đề “An toàn thông minh trong thế giới kết nối mới’’ diễn ra vào sáng nay 1/12.

Đây là sự kiện thường niên lần thứ 10, do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (Bộ TT&TT) và Cục Công nghệ thông tin (Bộ Quốc phòng) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bảo Anh

 

Đây là một trong những sự kiện quan trọng và nổi bật nhất trong lĩnh vực ATTT tại Việt Nam năm 2017, có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp CNTT, ATTT Việt Nam và nhiều tập đoàn lớn về công nghệ thông tin hàng đầu trên thế giới và khoảng 500 khách mời là các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia về ANTT, ATTT tham dự Hội thảo.

Năm nay, Ngày An toàn thông tin Việt Nam diễn ra trong bối cảnh thế giới đang bước vào kỷ nguyên công nghiệp 4.0. Nói cách khác, đó là sự bắt đầu của thời kỳ các sản phẩm thông minh, ứng dụng, dịch vụ thông minh và hệ sinh thái dịch vụ thông minh.... Trong bối cảnh đó, bảo đảm an toàn thông tin sẽ phải đối mặt với thách thức lớn và phải có sự chuyển đổi để phù hợp với xu thế phát triển trong lĩnh vực CNTT-TT. An toàn thông tin cũng phải dựa trên “công nghệ thông minh” mới có thể đáp ứng được những nhu cầu phát triển của xã hội. Đó cũng là Chủ đề chính của Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2017: “An toàn thông minh trong thế giới kết nối mới’’.

Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin quốc gia đòi hỏi sự phối hợp thống nhất và vào cuộc đồng bộ của nhiều Bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội. Bởi vậy, giai đoạn hiện nay, sự điều phối của Nhà nước ở tầm quốc gia về an toàn, an ninh, thông tin mạng là hết sức cần thiết. Vấn đề mang tính thời sự này sẽ được đề cập trong Hội thảo Ngày an toàn thông tin Việt Nam 2017.

Tại Phiên làm việc buổi sáng, VNISA trình bày một báo cáo quan trọng được cộng đồng quan tâm, đó là “Báo cáo tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá thực trạng ATTT tại Việt Nam năm 2017” và công bố Chỉ số ATTT Việt Nam (Vietnam Information Security Index) 2017.

 Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2017 thu hút sự qua tâm của khoảng 500 khách mời là các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia về ANTT, ATTT trong nước và quốc tế. Ảnh: Bảo Anh

Bên cạnh đó, Cục An toàn thông tin của Bộ TT&TT báo cáo về những chính sách, qui định quản lý mới của nhà nước trong lĩnh vực ATTT để tiếp tục đưa Luật An toàn thông tin mạng vào cuộc sống. Đặc biệt, trong phát biểu chào mừng tại phiên hội thảo này, Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá, nhận định khái quát về thực trạng ATTT trên thế giới và trong nước, đồng thời đưa ra những định hướng chỉ đạo quan trọng đối với sự phát triển của CNTT, đặc biệt là lĩnh vực ATTT cho giai đoạn tiếp theo.

Cũng trong phiên buổi sáng, một số tham luận của các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới như: IBM Google, Amazon, Symantec, Jiran, Microfocus... giới thiệu về chính sách, giải pháp, công nghệ mới nhất trong lĩnh vực ATTT trên thế giới và chia sẻ kinh nghiệm triển khai đảm bảo ATTT cho các hệ thống thông tin quan trọng.

Tại phiên Khai mạc đã công bố kết quả đánh giá sản phẩm, dịch vụ đạt danh hiệu “Sản phẩm ATTT chất lượng cao năm 2017” và “ Dịch vụ ATTT tiêu biểu năm 2017” của các doanh nghiệp trong nước do Hiệp hội VNISA chủ trì dưới sự bảo trợ của Bộ thông tin và truyền thông.

Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) mới đây đã công bố báo cáo về Chỉ số An toàn thông tin mạng toàn cầu (Global Cybersecurity Index - GCI) 2017, trong đó Việt Nam đứng vị trí 101 trong tổng số 165 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đánh giá. Kết quả này phần nào cho thấy việc triển khai công tác đảm bảo ATTT, phòng chống tội phạm công nghệ cao của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Năm 2017, mã độc tống tiền đã trở nên ngày một tinh vi và gây tổn thất lớn cho các cá nhân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, những tiến bộ vượt bậc của công nghệ trong quá trình chuyển đổi số cũng tạo ra những cơ hội để tội phạm công nghệ cao khai thác tấn công mạng, thách thức các người dùng đầu cuối, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp...

Ngoài ra, việc triển khai các ứng dụng đô thị thông minh trên nền tảng một thế giới kết nối là xu thế bắt buộc của quá trình đô thị hóa. Điều này đem lại nhiều lợi ích to lớn song cũng lại là một thách thức cho công tác đảm bảo ATTT. Đây là những nội dung được đưa ra thảo luận giữa các nhà quản lý của cơ quan nhà nước và chuyên gia ATTT với chủ đề “Thành phố thông minh, an toàn thông minh/Smart Cities, Smart Security”.

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang