Thanh toán trực tuyến trong mua bán online vẫn xa lạ với người Việt

authorPhương Nam 15:40 23/11/2016

(VietQ.vn) - Kinh doanh online tại Việt Nam đang phát triển từng ngày. Tuy nhiên, thói quen thanh toán trực tuyến của người dùng vẫn còn hạn chế và chưa phổ biến.

Sự kiện:

Tiện lợi đấy, nhưng khách hàng vẫn còn thờ ơ!

Giao dịch mua bán online hằng năm ngày càng tăng mạnh nhưng thanh toán trực tuyến lại có những bước tiến khá chậm chạp, đặc biệt ở phân khúc các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo thống kê trên hơn 23.000 khách hàng là các chủ website đang sử dụng nền tảng bán hàng online từ Bizweb.vn (một nền tảng bán hàng online được hơn 23,000 người hoạt động trong hơn 30 lĩnh vực khác nhau trên khắp Việt Nam và 14 quốc gia trên thế giới tin cậy sử dụng), chỉ có 7,6% website tích hợp thanh toán trực tuyến qua các cổng thanh toán. Tỷ lệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMBs) tích hợp thanh toán trực tuyến qua cổng thanh toán đã rất thấp so với tiềm năng hiện có của thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, tỷ lệ sử dụng lại càng thấp hơn.

Đoạn video 'bí ẩn' khiến iPhone bị 'tê cứng' hoàn toàn(VietQ.vn) - Mới đây, một đoạn video rò rỉ bộ nhớ bị nghi ngờ là "thủ phạm" khiến iPhone hoạt động chậm và treo máy.

Thanh toán trực tuyến trên website bán hàng không chỉ giúp người bán tận dụng được công nghệ số vào vận hành kinh doanh nhằm tiết kiệm nguồn lực từ nhân sự cho tới tài chính mà còn mang đến cho người mua những trải nghiệm thú vị.

Thay vì phải trả bằng tiền mặt hay chuyển khoản ngân hàng rồi báo lại cho chủ shop, người tiêu dùng chỉ cần click chuột ngay trên chính nơi mua hàng để hoàn tất đơn hàng một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, phần lớn khách hàng lại chỉ thích COD (tức trả tiền khi nhận hàng) mà không mấy quan tâm tới thanh toán trực tuyến.

Kinh doanh online phát triển nhưng người dùng chưa có thói quen thanh toán trực tuyến.

Theo các chủ doanh nghiệp SMBs, thanh toán trực tuyến rất tiện lợi, thế nhưng người dùng lại chưa có sở thích, thói quen này, doanh nghiệp không còn cách nào khác ngoài việc chiều theo ý họ.

Anh Nguyễn Hữu Sơn, chủ website Shoptienich cho biết: “Là chủ cửa hàng, mình rất muốn được sử dụng thanh toán trực tuyến bởi nó vừa tiện lợi, nhanh chóng vừa không lo bị khách “bỏ bom”, đặt hàng rồi không lấy hoặc trả lại lại. Tuy nhiên, mình phải chiều theo khách hàng thôi, bởi 99%  thích giao hàng rồi mới thanh toán để cảm thấy yên tâm hơn khi mua hàng online.”

Đồng quan điểm với anh Sơn, chị Nguyễn Phạm Mai Anh, chủ website Munsstuff chia sẻ: “Việc tích hợp các cổng thanh toán vào website chỉ phục vụ một lượng rất nhỏ khách hàng đã có thói quen này, còn hầu hết khách chỉ thích COD hoặc cùng lắm là chuyển khoản ngân hàng”.

Chỉ số TMĐT Việt Nam 2015 (EBI) cũng chỉ ra rằng tỷ lệ doanh nghiệp chấp nhận thẻ thanh toán là 16%, hình thức thanh toán qua ví điện tử chỉ chiếm 4% doanh nghiệp sử dụng.

Theo kết quả của một khảo sát trong năm 2015 của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) cũng nhận thấy tỷ lệ website có tính năng thanh toán trực tuyến mới chỉ dừng lại ở 17% - đây có thể coi là một thực tế đáng buồn.

Một trong những cản trở quan trọng nhất có lẽ là do thói quen dùng tiền mặt đã ăn sâu vào tâm trí người tiêu dùng Việt Nam, việc sử dụng thẻ trong thanh toán nói chung chưa được phổ biến. Bên cạnh đó, người tiêu dùng phần lớn chưa có hiểu biết nhiều nên không nghĩ đến thanh toán trực tuyến khi mua hàng online.

Ngoài ra, bảo mật trong thanh toán trực tuyến cũng là vấn đề người tiêu dùng lo ngại khi sử dụng thanh toán trực tuyến trên các trang website.

Bàn về vấn đề này, anh Nguyễn Minh Quý - Giám đốc Kỹ thuật Bizweb cho hay: “Trong trường hợp hi hữu website bị hacker tấn công, người dùng thanh toán trực tuyến trên website vẫn có thể yên tâm không sợ mất cắp thông tin tài khoản bởi website không lưu lại thông tin tài khoản của họ. Đồng thời, an ninh bảo mật của các bên cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cũng đang ngày càng được quan tâm hàng đầu và bảo mật dày đặc hơn.”

Hơn 90% website tích hợp chỉ chọn 1 đến 2 cổng thanh toán

Tích hợp thanh toán trực tuyến là một xu hướng “cần” và “đủ” trong thời buổi kinh doanh hiện đại nhờ sự phát triển bền vững của nền TMĐT. Theo thống kê của Bizweb, trong tổng số 7,6% website bán hàng tích hợp thanh toán trực tuyến, có gần 50% đang tích hợp cổng Ngân Lượng, tiếp đến là Bảo Kim (32%), Paypal (30%), Napas (23%), các cổng thanh toán khác chỉ chiếm trên 5%.

Có rất nhiều lựa chọn cổng thanh toán để tích hợp cho website bán hàng nhưng việc đa dạng cổng thanh toán lại không phải là giải pháp mà nhiều chủ shop nghĩ tới. Theo một thống kê khác của Bizweb, hơn 90% trong tổng số các website có tích hợp cổng thanh toán trực tuyến chỉ lựa chọn 1 đến 2 cổng thanh toán cho website của mình.

 Theo thống kê, hơn 90% website tích hợp chỉ chọn 1 đến 2 cổng thanh toán

Phân tích trải nghiệm của người dùng khi vào website mua hàng, anh  Nguyễn Thanh Hải - chủ website Shop Chichbong cho biết: “Càng tích hợp nhiều cổng thanh toán càng khiến khách hàng khó khăn trong việc lựa chọn cái nào tốt hơn, tin cậy hơn để rồi cuối cùng họ lại quay về chọn cách an toàn nhất là COD. Vì thế, tốt nhất chỉ nên tích hợp 1 hoặc 2 cổng thanh toán”.

Ngoài ra, việc lựa chọn cổng thanh toán tích hợp vào website cũng phải tìm đến những đối tác uy tín, tên tuổi và có nhiều người sử dụng. Khách hàng sẽ an tâm hơn khi thanh toán qua cổng mình đã biết đến.

Chỉ khi thanh toán trực tuyến phát triển mạnh, TMĐT Việt mới “phất” được

Có thể nói, thanh toán trực tuyến là khâu có những bước tiến chậm nhất trong nền TMĐT Việt Nam. Chỉ khi thanh toán trực tuyến phát triển mạnh mẽ, khi ấy TMĐT mới thực sự đi lên một cách trọn vẹn nhất. Và để đạt được điều đó thì thanh toán trực tuyến cần phải đi trước một bước và hướng đến sự hoàn thiện các dịch vụ cả về chất và lượng để các doanh nghiệp khi cần có thể tích hợp, ứng dụng ngay vào trong quá trình kinh doanh của mình.

Anh Sơn, chủ website Shoptienich bày tỏ mong muốn: “Hi vọng trong tương lai gần, khách hàng sẽ thích thú với thanh toán trực tuyến, đồng thời, ngoài những hình thức này, còn sẽ tích hợp thêm những hình thức khác tiện lợi, nhanh gọn hơn như Bitcoin hay Onecoin chẳng hạn”.

 Sơ đồ về Thực trạng tích hợp thanh toán trực tuyến trên website bán hàng

Tại các nước phát triển, thanh toán trực tuyến chiếm phần lớn trong giao dịch, nhiều nơi không còn nhận tiền mặt, ngay cả người bán hàng rong cũng chuộng thanh toán qua thẻ. 

Tại Việt Nam, theo lời phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong sự kiện Diễn đàn thanh toán điện tử năm 2015: “Chúng ta cần có sự phối hợp, kết nối giữa tất cả các bên để có thể hướng tới giảm thanh toán bằng tiền mặt, tạo cơ chế khuyến khích để thanh toán trực tuyến được nhiều người dùng hơn bằng cách đầu tư các giải pháp công nghệ, giảm chi phí dịch vụ đồng thời quan trọng hơn nữa là tuyên truyền sâu rộng để cộng đồng biết đến, hiểu rõ và sử dụng thành thói quen”.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang