Tín dụng đen: Cạm bẫy đặt sẵn cho người dùng

author 10:12 08/09/2015

(VietQ.vn) - Các hành vi phạm tội trong lĩnh vực tín dụng đen có thủ đoạn ngày càng tinh vi, có tổ chức đến khiến hàng ngàn người bị “sập bẫy” bởi những đối tượng phạm tội.

Tại hội thảo “Giải cứu người nghèo khỏi bẫy tín dụng đen” diễn ra tại Hà Nội vào chiều 7/9 đã chứng kiến nhiều nạn nhân là những người dân nghèo rơi vào cảnh mếu dở, khóc dở.

Những năm gần đây, quy mô các vụ “tín dụng đen”, tín dụng ngân hàng ngày càng lớn cả về hành vi và hậu quả, giá trị tiền, tài sản thất thoát đặc biệt lớn và số người phạm tội ngày càng cao. 

Quang cảnh buổi hội thảoQuang cảnh buổi hội thảo

Đặc biệt, nhiều người dân nghèo đã rơi vào cái “bẫy” đặt sẵn của chúng chỉ đến khi ngân hàng đến “xiết nợ” thì mới biết… Đơn cử như trường hợp của bà Nguyễn Thị Lệ (trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội).

Theo trình bày của bà Lệ, gia đình bà có vay 135 triệu đồng của một đối tượng (bà không nhớ rõ tên vì vay qua môi giới) với lãi suất 0,6%/tháng, tài sản thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình gồm một căn nhà 2 tầng và mảnh đất 185m2.

Trong quá trình vay nợ, bà Lệ cũng đã một vài lần ký giấy tờ với đối tượng trên nhưng không biết là giấy tờ gì. Sau một thời gian đến hạn trả nợ, gia đình bà đã tìm đối tượng này để hoàn nợ nhưng không biết ở đâu mà tìm.

“Đến khi cán bộ ngân hàng đến yêu cầu phát mại tài sản bảo lãnh, tôi mới biết mình bị lừa vì nhà đất của gia đình tôi được sang tên cho người khác và đem thế chấp ngân hàng vay hơn 2 tỷ đồng. Giờ chúng tôi muốn tìm người ta để trả nợ cũng không biết kiếm người ở đâu”, bà Lệ cho hay.

Tín dụng đenNạn nhân tín dụng đen Vũ Anh Tuấn (áo đen) trình bày với PV

Tương tự như trường hợp mếu dở khóc dở của gia đình bà Lệ, anh Vũ Anh Tuấn (Hà Nội) cho hay, do thiếu tiền kinh doanh, không vay vốn được từ ngân hàng, trong năm 2013, cả chục hộ gia đình, trong đó có gia đình anh đã đến Công ty Cổ phần Cát Nam Phong, do bà Nguyễn Thị Hải Yên là Chủ tịch HĐQT có trụ sở tại tòa nhà M3 + M4, đường Nguyễn Trí Thanh (quận Đống Đa, TP Hà Nội) để vay tiền.

Qua quá trình làm việc, Công ty CP Cát Nam Phong cho anh Tuấn vay khoảng hơn 300 triệu đồng, lãi suất tính theo ngày. Để nhận được khoản tiền vay, anh Tuấn được lãnh đạo công ty đề nghị ký hợp đồng chuyển nhượng và giao “sổ đỏ” để làm tin.

Đến năm 2014, khi các cán bộ ngân hàng đến xem xét nhà để thu hồi, gia đình anh Tuấn mới biết tài sản của mình đã bị bà Yến đem thế chấp cho ngân hàng để vay tiền. Lúc này, gia đình anh Tuấn mới té ngửa biết mình đã bị bà Yến lừa khi ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà đất.

Thảo luận về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh) cho rằng, đa số người đi vay mắc bẫy “tín dụng đen” vì không có kiến thức tối thiểu về tài chính cá nhân. Thậm chí sẵn sàng đi vay nóng vì những lý do chưa thiết yếu như vay làm đám cưới cho con, hay tìm việc làm, lo việc cá nhân… Cộng với kiến thức pháp luật chưa đầy đủ, nhiều người để được vay đã sẵn sàng ký mọi giấy tờ thế chấp mà không hề biết đó là cái “bẫy” giăng sẵn cho mình…

Trung tá Lê Khắc Sơn, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45 - Công an Hà Nội) cho biết, trong rất nhiều trường hợp cơ quan bảo vệ pháp luật muốn bảo vệ người dân bị lừa đảo. Tuy nhiên, các tài liệu, chứng cứ đều phản bác lại lập luận đó, nên dù muốn bảo vệ cũng khó. Có những gia đình, tất cả các thành viên đều đồng tình ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà cho đối tượng cho vay tín dụng đen, vì vậy, khi đưa ra toà xét xử thì người vay vẫn là bên yếu thế.

Tại hội thảo, ông Chu Quang Tiến, Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cũng cho biết, quá trình xử lý nhiều vụ án cho thấy, hiểu biết của người dân rất hạn chế, dẫn đến không rõ nội dung giấy tờ mình ký. Thậm chí có tâm lý chủ quan, ký bừa, cho rằng không ai lấy được nhà của họ. Vì vậy, việc xét xử, thi hành án gặp rất nhiều khó khăn.

Hải Sơn

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang