Tính năng vượt trội của hai phiên bản vòng đeo quản lý người cách ly

author 11:42 07/06/2021

(VietQ.vn) - Trước tình hình dịch bệnh kéo dài, để dễ dàng quản lý người cách ly G-Innovations và G-Track đã phát triển hai phiên bản vòng đeo tay sở hữu tính năng hiện đại.

Cụ thể, sản phẩm của G-Track có bản sử dụng GPS, truyền dữ liệu qua kết nối mạng di động và bản sử dụng Bluetooth kết nối với điện thoại.

Sản phẩm do G-Innovations phát triển có nền tảng khá giống vòng đeo tay sức khỏe hiện nay. Tuy nhiên, các tính năng, quản lý được tùy chỉnh để phù hợp với nhiệm vụ chính là quản lý người thuộc diện cách ly. G-Track sẽ được thử nghiệm từ tuần sau và có thể triển khai rộng tại các khu cách ly ở Việt Nam từ quý III tới.

Hình ảnh 2 phiên bản vòng đeo tay cho người cách ly. Ảnh: VnExpress 

Khác biệt về cách thức hoạt động, nhưng cả G-Track Bluetooth và G-Track GPS đều có những điểm chung về tính năng, gồm khả năng chống nước chuẩn cao IPx8 và chịu được va đập mạnh. Cảm biến xuất hiện trên cả hai thiết bị là cảm biến đeo (phát hiện vòng bị tháo khỏi tay), đo thân nhiệt, đếm bước chân, tình trạng hoạt động. Thiết bị cũng có thể phát hiện các thay đổi về độ cao, nhờ vậy ghi lại được cả quá trình di chuyển giữa các tầng chung cư, hỗ trợ việc truy vết tốt hơn.

Thời lượng pin của cả hai sản phẩm đều là 30 ngày. Nhà sản xuất cắt các thành phần không cần thiết, như màn hình, để tiết kiệm năng lượng.

Đây là phiên bản hoạt động giống vòng đeo sức khỏe nhất. Nó sử dụng kết nối Bluetooth để truyền tín hiệu đến điện thoại. G-Track Bluetooth vì vậy không thể hoạt động độc lập mà lấy thông tin về vị trí thông qua kết nối mạng di động và GPS của điện thoại.

Một số nơi đang sử dụng thiết bị với phương thức hoạt động tương tự là Hong Kong, Hàn Quốc. Ưu điểm của thiết bị là thiết kế nhỏ gọn hơn hẳn bản GPS, tạo cảm giác thoải mái hơn cho người đeo. Chi phí sản xuất cho thiết bị này rẻ hơn đáng kể, dễ sản xuất và cài đặt cho số lượng lớn thiết bị cùng lúc.

Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh(VietQ.vn) - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy khẳng định, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Để sử dụng G-Track Bluetooth, điện thoại của người trong diện cách ly phải cài phần mềm G-Zone. Ứng dụng này sẽ thu thập dữ liệu từ đồng hồ kết hợp dữ liệu về vị trí để gửi về trung tâm kiểm soát của cơ quan chức năng. Ngoài ra, G-Zone còn đóng vai trò như một ứng dụng truy vết tương tự Bluezone, có thể truy vết lịch sử tiếp xúc, cảnh báo tiếp xúc với người khác ở khoảng cách dưới 2 mét.

Theo thông cáo của đơn vị phát triển, G-Zone có thể tương tác về dữ liệu tiếp xúc với Bluezone.

Khác biệt lớn nhất của G-Track GPS so với bản còn lại là tích hợp dịch vụ định vị vệ tinh toàn cầu GPS và hỗ trợ eSIM. Dữ liệu về vị trí, lịch trình của người trong diện cách ly sẽ được gửi thẳng về máy chủ qua mạng di động mà không cần thiết bị trung gian là điện thoại. Cách thức này cho hiệu quả cao hơn, thông tin liền mạch và hạn chế tối đa các tác động của người dùng làm sai lệch dữ liệu.

Nhờ hoạt động độc lập, G-Track GPS có thể sử dụng với mọi người, không yêu cầu có smartphone, không yêu cầu phải am hiểu về điện thoại thông minh. Dữ liệu được quản lý tập trung, độ chính xác cao nhờ GPS nên có thể phát hiện sớm các trường hợp vi phạm quy định cách ly.

Theo tìm hiểu, sản phẩm của G-Track GPS lớn gấp đôi so với phiên bản Bluetooth. Chí phí sản xuất của dòng thiết bị này cũng lớn hơn.

Đại diện G-Innovations cho biết giá sản xuất thiết bị sẽ dựa vào số lượng sản xuất thực tế. Số lượng càng nhiều, giá thành sẽ càng rẻ. Trong giai đoạn đầu, công ty sẽ tài trợ 5.000 chiếc phục vụ công tác phòng chống dịch cũng như giám sát tự động cho người cách ly.

Vòng đeo tay quản lý người cách ly dự kiến sẽ được thử nghiệm với hành khách trên một số chuyến bay về Việt Nam bắt đầu từ tuần sau. Sản phẩm được cho là sẽ mang lại tác dụng trong việc quản lý F1 có nguy cơ thấp cách ly tại nhà, thay vì phải đến các cơ sở cách ly tập trung, giúp giảm gánh nặng cho xã hội cũng như giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

Trước Việt Nam, nhiều nước đã thử nghiệm vòng đeo tay điện tử theo dõi người cách ly. Tại Hong Kong, từ 19/3, tất cả khách nhập cảnh được gắn một vòng tay có định vị giúp chính quyền kiểm soát việc tự cách ly tại nhà. Năm ngoái, Hàn Quốc cũng đã áp dụng biện pháp này với những cá nhân vi phạm các quy tắc tự cách ly, như đi ra ngoài mà không báo trước, không trả lời các cuộc gọi điện thoại kiểm tra sức khỏe.

Ngoài vòng đeo tay giám sát, một giải pháp khác cũng đã được áp dụng chính là sử dụng camera giám sát khu cách ly. Hiện nay khắp cả nước có khoảng 5.400 camera được lắp đặt tại các khu cách ly, phục vụ việc giám sát từ xa.

Trong số này, hơn 2.400 camera giám sát do VNPT lắp đặt tại tỉnh/thành phố từ Đà Nẵng trở vào; 3.000 camera được Viettel lắp đặt tại các tỉnh phía Bắc. Riêng tỉnh Bắc Giang, 1.000 camera được lắp đặt tại 130 cơ sở cách ly trên toàn tỉnh.

VNPT cho biết hệ thống hạ tầng được thiết kế để có thể đáp ứng kết nối 10.000 camera giám sát cùng lúc. Hệ thống này được thiết kế theo mô hình điện toán biên, giúp cho kết nối, xử lý và lưu trữ với độ trễ thấp, dễ mở rộng khi có nhu cầu.

Các tính năng chính của hệ thống camera là giám sát trực tiếp, xem lại, đồng thời có thể phân quyền cho những nhóm người người dùng khác nhau. Dữ liệu được bảo vệ tại những Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Viettel cũng cho biết hệ thống camera của đơn vị này ứng dụng điện toán đám mây. Toàn bộ dữ liệu hình ảnh sẽ được đưa lên hệ thống quản lý tập trung tại Trung tâm điều hành giám sát. Từ đó, Ban chỉ đạo quốc gia, Ban chỉ đạo tại tỉnh và Bộ phận quản lý tại khu vực cách ly có thể giám sát hình ảnh 24/7 theo phân cấp.

Việc lắp đặt hơn 5.400 camera giám sát từ xa sẽ giúp các cơ sở cách ly giảm nhân sự giám sát tại chỗ. Các cơ quan quản lý phòng chống dịch có thể theo dõi toàn bộ hoạt động tại các khu cách ly từ hệ thống quản lý 24/24 giờ.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang