Từ khoản lỗ của Chứng khoán Liên Việt, soi lại 'ma trận dòng tiền' cựu sếp LienVietPostBank

author 09:02 23/07/2018

(VietQ.vn) - Chứng khoán Liên Việt từng ghi nhận mức lỗ kỷ lục 20 tỷ vào năm 2016 do phải trích lập dự phòng 100% cho những khoản nợ lớn có liên quan đến Him Lam. Đường đi luẩn quẩn dòng tiền này được "điều hành" dưới bàn tay ông Dương Công Minh.

Theo tìm hiểu, đến thời điểm hiện tại, ông Dương Công Minh đã từ nhiệm thành viên HĐQT ngân hàng LienVietPostBank và Công ty cổ phần Chứng khoán Liên Việt (LVS). Trước đây, ông Minh giữ chức Chủ tịch HĐQT tại 4 tổ chức: Tập đoàn Him Lam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB), Công ty cổ phần Liên Việt Holdings và Công ty cổ phần Chứng khoán Liên Việt. Và thời đó, ông Dương Công Minh đã sử dụng Chứng khoán Liên Việt như một mắt xích trung gian trong "ma trận dòng tiền" giữa các công ty của chính ông.

Lật lại câu chuyện dòng tiền, hoạt động không mấy nổi bật trong năm đầu tiên (2009), tuy nhiên suốt 3 năm sau đó (2010-2012) Chứng khoán Liên Việt có hàng loạt thương vụ đầu tư mua bán cổ phiếu Ngân hàng Liên Việt (LPB) với các công ty liên quan với gia tộc họ Dương.

Năm 2010, LVS phát hành 725 tỷ đồng trái phiếu cho Ngân hàng Liên Việt. Năm 2012, LVS đầu tư dài hạn (bản chất là cho vay) vào Công ty TNHH BĐS Việt Phú An và Công ty TNHH H.T.H với tổng số tiền 310,4 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là số cổ phần phổ thông của LPB mà 2 công ty trên đang nắm giữ.

Có thể thấy rõ là LPB đã sử dụng LVS như một tổ chức trung gian để cho các công ty Việt Phú An và H.T.H vay tiền, với tài sản thế chấp chính là cổ phiếu của LPB. Suy ra được, cả 2 công ty trên đều là những mắt xích trong “ma trận dòng tiền" Him Lam – Liên Việt.

Một câu hỏi được đặt ra, tại sao LPB lại phải cần tới LVS để làm điều này? Một điều dễ hiểu là bởi pháp luật không cho phép LPB trực tiếp làm như vậy. Bởi theo Khoản 5, Điều 126 Luật các TCTD 2010 quy định tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng trên cơ sở nhận bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng hoặc công ty con của tổ chức tín dụng. Cũng theo Khoản 1, Điều 79 Luật các TCTD năm 1997, tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp đối với những khoản cho vay từ các nguồn vốn ủy thác của Chính phủ, của các tổ chức, cá nhân hoặc trường hợp khách hàng vay là tổ chức tín dụng khác.

 LienVietPostBank dường như là bàn đạp trong chiến lược đầu tư của Him Lam khi tập đoàn này được LPB tài trợ nguồn vốn siêu khủng với giá rẻ. (Ảnh minh họa: Nguồn LienVietPostBank).

Vậy, việc LPB cho LVS vay 725 tỷ đồng năm 2010 liệu có dấu hiệu phạm luật?

Hơn nữa, vốn điều lệ của LPB cuối năm 2010 ở mức 3.650 tỷ đồng, có nghĩa rằng LPB đã cho LVS vay tới gần 20% vốn tự có của mình.

Nói về 2 công ty sử dụng dòng tiền của LPB, Công ty TNHH BĐS Việt Phú An được thành lập năm 2007 tại TP. HCM với vốn điều lệ 650 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Dương Công Thuyền cũng chính là Phó TGĐ CTCP Him Lam.

Trong khi đó, Công ty TNHH H.T.H được thành lập từ năm 2003, do ông Nguyễn Văn Huynh làm TGĐ kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành viên . Ông Huynh cũng đồng thời là thành viên HĐQT LVS từ năm 2013; Phó chủ tịch HĐQT LPB từ tháng 7/2011. Năm 2013, H.T.H “ồ ạt” mua 32 triệu cổ phiếu LPB để nắm giữ 4,954% cổ phần nhà băng này. 

Cũng vào năm 2010, danh mục nợ phải trả của LVS tăng mạnh, từ 1,6 tỷ đồng lên 715,1 tỷ đồng, chủ yếu bởi khoản vay Ngân hàng Liên Việt thông qua phát hành 725 tỷ đồng giá trị trái phiếu (kể trên – đã tất toán 105 tỷ trong năm). Phần lớn khoản vay này được giải thích là tài trợ cho việc Repo cổ phiếu thị trường, trong đó có cổ phiếu của Ngân hàng Liên Việt (LPB).

Hé lộ những bóng dáng "sân sau" của Phó chủ tịch LienVietPostBank(VietQ.vn) - Câu chuyện của Xuân Mai Corp từ lúc “sa cơ lỡ vận” đến ngày hôm nay đều gắn liền với một cái tên - ông Nguyễn Đức Cử, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank.

Tuy nhiên Báo cáo Tài chính đã kiểm toán năm 2010 của LVS cho thấy không chỉ dùng để Repo cổ phiếu LPB (116,4 tỷ đồng), LVS còn dùng số tiền trên để quay trở lại mua chính trái phiếu của LPB (gần 540 tỷ đồng) trong tổng số 2.000 tỷ đồng trái phiếu LPB phát hành vào ngày 01/04/2010.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao LVS lại vay tiền của LPB để đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu của LPB? Dõi theo các sự kiện tài chính của LVS và LPB, câu trả lời chỉ có thể là LPB đã thông qua LVS để phục vụ mục đích tăng vốn của mình.

Ngày 08/03/2011, Đại hội đồng cổ đông thường niên của LPB ra Nghị quyết về việc Thông qua chuyển đổi trái phiếu đã phát hành ngày 01/04/2010 thành cổ phiếu phổ thông, góp phần lớn giúp vốn điều lệ của ngân hàng này tăng từ 3.650 tỷ năm 2010 lên 6.010 tỷ cuối năm 2011. Việc tăng mạnh vốn bằng cách chuyển đổi trái phiếu nợ thành cổ phiếu, rồi thông qua những “mắt xích” như Chứng khoán Liên Việt để cho vay các công ty liên quan với tài sản thế chấp chính là cổ phiếu LPB dấy lên câu hỏi về tính an toàn của những khoản vay trên.

Theo báo cáo tài chính bán niên soát xét 2016 của Công ty cổ phần Chứng khoán Liên Việt (LVS), tính đến hết quý II/2016, lỗ lũy kế của LVS lên tới 38 tỷ đồng. Nguyên nhân chính gây ra khoản lỗ này là do việc trích lập dự phòng phải thu khó đòi tính đến cuối quý II/2016 đã lên tới 35,4 tỷ đồng và đã được trích lập hơn 23 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phần lớn những khoản nợ khó đòi trên đều tới từ những cá nhân, công ty có liên quan tới Tập đoàn Him Lam của Chủ tịch Dương Công Minh.

Cụ thể, LVS trích lập toàn bộ 12,5 tỷ đồng khoản nợ đối với ông Dương Minh Hùng – Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư & Phát triển Sài Gòn (SDI), một đơn vị thuộc Tập đoàn Him Lam. SDI được biết đến với dự án tổ hợp sân golf, khách sạn, nhà ở Saigon Golf, Country Club and Residences (SGCCR) tại phường An Phú, Quận 2, TP. HCM có tổng đầu tư trên 5.000 tỷ đồng.

Khoản nợ đối với Công ty cổ phần Him Lam Thủ Đô, có nguồn gốc từ năm 2012 đã được LVS trích lập dự phòng toàn bộ trong 6 tháng đầu năm 2016 với giá trị 10,5 tỷ đồng. Him Lam Thủ Đô đang là chủ đầu tư dự án khu nhà ở tại 96-96B Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.

Báo cáo còn cho thấy LVS đang ghi khoản nợ khó đòi 9,1 tỷ đồng với Công ty cổ phần Him Lam Hải Phòng, chủ đầu tư dự án Khu đô thị Him Lam Hùng Vương với tổng diện tích 15 ha tại Hải Phòng; và 137 triệu đồng đối với Công ty TNHH Khải Hưng, nơi Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPB) Nguyễn Đức Cử đang làm Giám đốc.

Ngoài ra, LVS đã phải trích lập dự phòng toàn bộ khoản tiền tạm ứng gần 2 tỷ đồng đối với ông Huỳnh Ngọc Huy – thành viên HĐQT Ngân hàng Liên Việt (LPB) và cũng là cựu Chủ tịch HĐQT LVS (giai đoạn 10/2010 – 6/2013).

Có thể nói, quan hệ trong “đại gia đình” Liên Việt từng khá phức tạp khi LienVietPostBank đầu tư tại Chứng khoán Liên Việt với tỷ lệ nắm giữ 11% vốn điều lệ của công ty này và Công ty cổ phần Him Lam nắm giữ tỷ lệ 79% tại đây. 

 Trích lập dự phòng phải thu khó đòi tính đến cuối quý II/2016 của LVS lên tới 35,4 tỷ đồng. Hầu hết ác khoản nợ xấu của LVS đều liên quan tới Tập đoàn Him Lam. (Nguồn: Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2016 của LVS).

Công ty cổ phần Tập đoàn Liên Việt có vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng, là một công ty nữa do chính ông Dương Công Minh là người đại diện theo pháp luật và Chủ tịch HĐQT. Trước đây công ty mang tên Liên Việt Holdings, cũng từng nắm giữ 4,8% vốn tại LienVietPostBank vào 30/06/2012 nhưng đến cuối năm này đã thoái vốn.

Như vậy không thể phủ định, “gia đình” LienViet có sự gắn bó hỗ trợ nhiều trong hoạt động của Him Lam. Và, LienVietPostBank là bàn đạp trong chiến lược đầu tư của Him Lam khi tập đoàn này được LPB tài trợ nguồn vốn siêu khủng với giá rẻ.

An Nhiên

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang