Vingroup: Sự trở lại trên thị trường vốn toàn cầu

author 15:19 25/03/2021

Với một Tập đoàn có vốn hóa lớn nhất thị trường niêm yết như Vingroup, kế hoạch phát hành huy động vốn trái phiếu quốc tế không phải là hoạt động quá đỗi bất ngờ.

Tập đoàn Vingroup vừa dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế loại không tài sản đảm bảo, niêm yết trái phiếu trên sàn chứng khoán Singapore (SGX). Giá trị đợt huy động dự kiến 500 triệu USD.

Tập đoàn Vingroup có thương hiệu bất động sản được định giá giá trị lớn nhất Việt Nam, và được dẫn dắt bởi tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng
Trở lại cuộc chơi
Hơn một thập kỷ trước, vào năm 2009, Công ty Cổ phần Vincom, đơn vị đầu tiên của Tập đoàn Vingroup tại Việt Nam đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên thực hiện thành công đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế, với khối lượng 100 triệu USD và niêm yết số trái phiếu này trên sàn giao dịch SGX ngay sau khi phát hành thành công.

Một cột mốc phải kể đến, tháng 3/2012, sau khi thực hiện thương vụ đưa Công ty Cổ phần Vincom và Vinpearl sáp nhập, hoạt động dưới mô hình Tập đoàn Vingroup - Công ty CP (Vingroup), mở ra giai đoạn Tập đoàn Vingroup từ đây, Vingroup cũng đã có thương vụ phát hành và huy động 185 triệu USD trái phiếu quốc tế lần đầu tiên ở mô hình mới; đồng thời tiếp tục niêm yết số lượng trái phiếu này tại sàn SGX.

Liên tiếp trong 2012-2013, Vingroup có các đợt phát hành trái phiếu quốc tế lớn tính theo chủ thể phát hành là Tập đoàn hoặc các thành viên. Theo thống kê sơ bộ, qua thị trường vốn cổ phần lẫn thị trường nợ, trong vòng khoảng 7 năm, Vingroup đã thực hiện tới hơn 18 giao dịch huy động vốn từ các tổ chức nước ngoài với tổng số tiền hơn 7, 8 tỷ USD.

Nói như vậy để thấy không phải trên thị trường bất động sản, hay thị trường công nghiệp ô tô và công nghệ số trong hệ sinh thái đặc biệt của mình, Vingroup mới làm nên những dấu ấn đầu tiên; mà đối với sự hội nhập thị trường vốn quốc tế, Vingroup cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam làm được nhiều chuyện, từ khá lâu.

Vì vậy, kế hoạch khởi động huy động vốn lớn thông qua phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 500 triệu USD trong năm nay của Vingroup, gần như đã nằm trong bước đi không thể khác của Tập đoàn này để tăng cường năng lực tài chính và tăng nguồn tài trợ đầu tư, cạnh tranh trong những mũi nhọn mới.

Những “trùng khít” trong toan tính của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Cái khác, chính là sự trở lại của Vingroup trong hoạt động phát hành công cụ nợ, huy động vốn quốc tế, sau một thời gian gián đoạn.

VinFast đang dần hiện thực hóa giấc mơ công nghiệp ô tô của Việt Nam

Chúng ta nhớ rằng năm 2019, sau 2 năm đã thực hiện các đợt huy động vốn quốc tế trị giá khủng gồm IPO trị giá 1,35 tỷ USD của Vinhomes, các đợt huy động lên đến 4,4 tỷ USD chủ yếu cho các đơn vị thành viên là Vinhomes và VinFast, cùng đợt bắt tay đón vốn 1 tỷ USD từ đối tác SK Group, đến tháng 7/2019, Vingroup đã đột ngột tuyên bố chọn “chủ động dừng tham gia” xếp hạng tín nhiệm của hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings. Tập đoàn không công bố lý do chọn dừng xếp hạng song phía Fitch Fitch cho biết sẽ không còn đủ thông tin để duy trì việc đánh giá và "sẽ không còn cung cấp kết quả xếp hạng" cho Vingroup. 

Kế đó, tháng 9/2019, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) cũng công bố giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm B+ từ năm 2017 của Vingroup. Tuy nhiên, triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Vingroup bị S&P hạ từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực”. Và điều này được phía Vingroup phản hồi là nằm trong dự liệu khi ý thức kết quả xếp hạng tín nhiệm có thể bị ảnh hưởng do Tập đoàn đầu tư mạnh vào các mảng công nghiệp và công nghệ, nhất là ôtô, vẫn ở giai đoạn đầu tư chịu lỗ chưa thể sinh lời ngay.

Điều đó, cũng dự báo nếu Vingroup tiếp tục huy động vốn quốc tế, sẽ không còn dễ dàng như ở giai đoạn trước bởi trên thị trường này, các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động thông thường sẽ phải thông qua các đơn vị thu xếp vốn hoặc tiếp cận trực tiếp. Và dù cách nào thì đế tiếp cận, thu hút được nhà đầu tư, đều sẽ phải dựa trên kết quả xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức đánh giá hàng đầu như Fitch, Moody’s, hay S&P.

Cần nhấn mạnh tuy xếp hạng tín nhiệm được cung cấp bởi các hãng này không phải là điều kiện tiên quyết để nhà đầu tư quốc tế chọn rót vốn, nhưng luôn là một trong những yêu cầu quan trọng khi các doanh nghiệp muốn huy động vốn.

Vì vậy, với kế hoạch gọi vốn mới (song song với kế hoạch phát hành trái phiếu 7.000 tỷ đồng cho nhà đầu tư để tăng vốn đang triển khai từ đầu năm) trong 2021, có thể nói Vingroup đã trở lại với thị trường trái phiếu toàn cầu. Và quyết định này là bước đi khá nhịp nhàng với diễn biến của thị trường tài chính thế giới khi đợt ngắt quãng của Vingroup, trùng khít có tính toán hoặc có phần may mắn, rơi vào quãng lặng các đợt đầu tư mới của nhà đầu tư quốc tế vào các tập đoàn tư nhân - hệ lụy của cao điểm COVID-19 suốt năm 2020. Trong năm qua, quãng lặng này đã được Tập đoàn thay thế, đẩy mạnh phát hành các đợt huy động để tăng vốn cho VinFast và Vinsmart thông qua thị trường trái phiếu trong nước. Ước Vingroup đã hoàn tất huy động khoảng 12.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, được mua bởi các trái chủ tổ chức, ở 2020.

Sự trở lại trên thị trường vốn quốc tế của Vingroup, cũng là bước đi trùng khít thời điểm mới đây, Moody’s công bố giữ nguyên hệ số tín nhiệm của Việt Nam ở mức Ba3 và nâng triển vọng lên mức tích cực lên tới 2 bậc, mở ra cánh cửa đầy sức hút với mọi nhà đầu tư lẫn cơ hội cho các tập đoàn của Việt Nam. 

Đáng chú ý, ở mức xếp hạng này, trái phiếu của Chính phủ Việt Nam phát hành đã dần tiệm cận mức các tổ chức khuyến cáo đầu tư và nắm giữ. Đồng thời, trái phiếu của các tập đoàn kinh tế trong nước khi ra thị trường quốc tế huy động, cũng thường sẽ được đánh giá cao hơn khi rủi ro khách quan của nền kinh tế ít hơn, “bảo lãnh” vô hình của quốc gia Việt Nam có giá trị hơn, trước khi các nhà đầu tư soi xét đến nội tại hoạt động và triển vọng kinh doanh, mức lợi suất, điều kiện thanh toán trái phiếu…của chủ thể phát hành.  Theo đó, ghi nhận đến lúc này, Vingroup cũng chính là Tập đoàn đầu tiên bật đèn xanh thông báo kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế ngay sau xếp hạng mới của Moody’s. Tất nhiên, là không tính đến những kế hoạch trước đó của các đơn vị vẫn còn đang trong các đợt phát hành kì vọng. Ví dụ như kế hoạch huy động cũng 500 triệu USD của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đề ra cho HDBank trong năm 2020, đang triển khai theo nhiều giai đoạn.

Về đợt huy động vốn "phi thường", "bất thường" hay "bình thường"?

Nói thêm về chi tiết huy động 500 triệu USD trái phiếu quốc tế của Vingroup, theo đánh giá của giới chuyên môn, với nỗ lực tăng cường đầu tư cho VinFast, Vinsmart và cam kết có đầy đủ tiềm lực kinh tế cũng như dòng tiền để thanh toán các khoản liên quan đến trái phiếu trong lịch sử huy động trên thị trường trước đây, đợt phát hành này hẳn vẫn trong tính toán và kiểm soát của tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng. Đồng thời, đã được chính Tập đoàn xác định trên một nấc thang mới, khi vị thế, thương hiệu và uy tín của họ đã ngày càng lớn mạnh, vươn xa. Điều đó thể hiện qua kế hoạch huy động dự kiến gồm quy mô, loại hình, quyền chọn, kỳ hạn, thanh toán…

Khi những chiếc xe mang thương hiệu VinFast - Khát vọng mãnh liệt Việt Nam lăn bánh đến các thị trường quốc tế, Vingroup cũng đang có thêm nhiều điều kiện để thu hút dòng tiền tài trợ đầu tư hiệu quả hơn 
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Vingroup, cuối năm 2020, tổng tài sản của tập đoàn đạt 424.268 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Về nguồn vốn, tỷ lệ nợ vay được cải thiện, giảm từ 70,1% xuống còn 68%. Nguyên nhân bởi trong khi các khoản nợ phải trả chỉ tăng 1,89% lên 288.511 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu tăng 13% so với đầu năm nhờ tiếp tục gia tăng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Tổng doanh thu thuần hợp nhất cả năm của Vingroup đạt 110.462 tỷ đồng, giảm 15% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 13.962 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4388 tỷ đồng, lần lượt giảm 11% và 43% so với năm trước. So với kế hoạch lãi ròng khoảng 5.000 tỷ đồng đề ra tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên, Vingroup mới hoàn thành được 88% mục tiêu và mặc dù vẫn là doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa top 1 thị trường, các số liệu tài chính của Vingroup cũng phản ánh phần nào hoạt động hiện nay đang có vốn đầu tư và tài trợ từ vốn vay và vốn cổ phần.

Chuyên gia Chiến lược tăng trưởng Doanh nghiệp Phạm Việt Anh từng nhận xét rằng: "Thông thường, với những doanh nghiệp phát triển tốt, phần lớn nguồn vốn đầu tư cho tương lai đến từ lợi nhuận chưa phân phối. Việc này mang lại những lợi ích to lớn như vừa tránh phải đóng thuế nhiều, vừa không phải trả lãi vay (ngân hàng, trái phiếu), và quan trọng nhất là giữ được sự tăng trưởng giá cổ phiếu trong dài hạn và tính thanh khoản của cổ phiếu. Nhưng, trong một nền kinh tế mà nguồn vốn phục vụ cho tăng trưởng chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng, thì việc quản lý được dòng chảy vốn liên tục, dù là từ đâu để tài trợ cho hoạt động kinh doanh được thông suốt như Vingroup là rất giỏi. Dòng chảy vốn mạnh hay yếu quyết định sự thành bại của doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi và đầu tư… Khi phần tài sản không sinh lời (hiện tại) nhưng lại có thể đảm bảo để vay nợ...cho các hoạt động đầu tư, mở rộng kinh doanh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng có tính tương lai (Future earnings), thì tương lai của Vingroup phụ thuộc vào 3 nhân tố quyết định thành bại của kinh doanh: Một là, tốc độ "chuyển hoá" khối tài sản tĩnh (BĐS) sang tài sản động (công nghiệp và dịch vụ) thành vốn tư bản mới. Hai là, khả năng huy động vốn quốc tế thành công để duy trì dòng tiền mặt tài trợ cho hoạt động. Và ba là, khả năng sinh lời của khối sản xuất và dịch vụ trong trung hạn. Mà khả năng huy động vốn quốc tế của những doanh nghiệp lớn như Vingroup rất lệ thuộc và có mối tương quan mật thiết với mức tín nhiệm của quốc gia”.

Như vậy, kế hoạch huy động vốn quốc tế của Vingroup, vì sao xuất hiện ngay lúc này, sẽ được đón nhận ra sao, là sự “phi thường”, “bất thường” hay “bình thường”, đều khá rõ.

Theo DĐDN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang