Vụ chặt chân tay trục lợi bảo hiểm nhân thọ: Phạm tội gì?

authorLan Ninh 07:54 25/08/2016

(VietQ.vn) - Vụ việc thuê người chặt chân tay của Lý Thị N. để nhằm trục lợi từ tiền bảo hiểm là vụ việc đầu tiên xảy ra tại Việt Nam khiến dư luận bàng hoàng

Mới đây, tại Hà Nội xảy ra vụ bà Lý Thị N. (30 tuổi, trú ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã thuê Doãn Văn Doanh (21 tuổi) chặt đứt một phần bàn tay và bàn chân để trục lợi bảo hiểm nhân thọ.

Hiện trường nơi bà Niên tự chặt chân tay giả bị tai nạn đường sắt (Ảnh: Tuổi Trẻ) 

Đánh giá vụ việc, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nôi) cho biết: “Rất may vụ việc này đã được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, các đối tượng chưa kịp làm thủ tục nhận tiền bảo hiểm, chưa gây hậu quả nghiêm trọng nên có thể chưa đủ căn cứ xử lý hình sự bà N. Nếu xác định hành vi tự ý thuê người gây thương tích để đòi tiền bảo hiểm nhân thọ thì hành vi này có thể bị xem xét về tội lừa đảo, hành vi ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Với hành vi này là thủ đoạn gian dối, tiền đề cho hành vi chiếm đoạt tài sản, là điều kiện để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Tuy nhiên, do đối tượng chưa thực hiện được hành vi chiếm đoạt nên có thể xem xét không khởi tố vụ án hình sự hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.”

Trao đổi về việc xử lý nếu bà N. thực hiện trót lọt vụ việc, Luật sư Cường phân tích: “ Nếu các đối tượng này qua mặt được cơ quan công an rồi làm thủ tục nhận tiền bảo hiểm, sau đó bị phát hiện thì có thể bị xử lý về các tội xâm phạm quyền sở hữu như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản - nếu mục đích chiếm đoạt có trước thời điểm ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hoặc tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản - nếu ý định chiếm đoạt tiền bảo hiểm nhân thọ xuất hiện sau khi ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Hai tội danh này có hình phạt như nhau. Với số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên thì hình phạt là phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đây là loại tội phạm mới ở Việt Nam và chưa có chế tài hình sự cụ thể để xử lý đối với hành vi này. Tuy nhiên, vẫn có thể vận dụng các quy định, các tội danh về xâm phạm quyền sở hữu, tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe... để xử lý đối với các hành vi vi phạm”.

Luật sư Hà Huy Phong (Công ty Luật Inteco, Hà Nội) cho rằng: “Việc D. giúp sức cho bà N. có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không. Việc khởi tố hay không hoàn toàn phụ thuộc vào bà N. Trong trường hợp này, bà N. là người bị hại, nhưng cũng là người chủ mưu.  D. sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”

Còn đối với việc hoang báo của bà N. và D., luật sư Phong nói: “Hành vi của hai đối tượng thực ra là hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, có tính gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Nên nếu hành vi hoang báo này dẫn tới đạt được mục đích chiếm đoạt số tiền bảo hiểm thì mới bị xử lý hình sự”.

Luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý cũng cho hay: " Việc đền bù của bảo hiểm đối với khách hàng khi có sự cố xảy ra sẽ phụ thuộc vào gói báo hiểm mà khách hàng mua. Nếu bà N. đã nhận được tiền bảo hiểm, khi bị phát hiện hành vi gian dối, bà Niên sẽ phải bồi hoàn toàn bộ số tiền bà N. đã nhận cho ngân hàng". 

Hà Nội: Tự thuê người chặt chân tay mình để trục lợi bảo hiểm nhân thọCông An Quận Bắc Từ Liêm vừa phá một vụ án vô cùng nghiêm trọng, một người phụ nữ đã thuê người tạo hiện trường tai nạn giả để trục lợi bảo hiểm nhân thọ.

Ninh Lan

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang