Vũ khí mới mà Nhật Bản định 'chi bạo' để phát triển đáng sợ như thế nào?

author 17:42 12/12/2017

(VietQ.vn) - Khoản ngân sách trị giá khoảng 6,4 triệu USD dự định sẽ được dành để phát triển hệ thống vũ khí tên lửa đánh chặn mới có tên Aegis Ashore.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản mới đây cho biết sẽ đề xuất được cấp khoản ngân sách trị giá khoảng 6,4 triệu USD trong tài khóa bắt đầu từ tháng 4 năm sau để phát triển hệ thống tên lửa đánh chặn mới có tên Aegis Ashore.

Ông Itsunori Onodera cho biết, khoản ngân sách trên sẽ được sử dụng cho thiết kế cơ bản của hệ thống tên lửa đánh chặn từ mặt đất mới và khảo sát địa chất để tìm địa điểm thích hợp để triển khai hệ thống này.

Hôm 9/12, ông Onodera đã tới thành phố Sendai ở miền Bắc Nhật Bản để thị sát cuộc diễn tập giả định dùng mô hình với sự tham gia của thành viên Lực lượng Phòng vệ trên bộ Nhật Bản và quân đội Mỹ. Cuộc diễn tập này được thực hiện với giả định tên lửa đạn đạo đã được bắn về phía Nhật Bản.

Theo đánh giá của giới chức quân sự Nhật Bản, tổ hợp Aegis Ashore có độ tin cậy cao hơn so với tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm cao giai đoạn cuối - THAAD. Ngoài ra, sự tương thích công nghệ giữa các tổ hợp Aegis Ashore trên bộ với các tổ hợp Aegis trang bị các chiến hạm Hải quân Nhật cũng giúp tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của đảo quốc mặt trời mọc.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên cạn của Mỹ triển khai tại Romania. (Ảnh: Reuters)

Về bản chất, Tổ hợp Aegis Ashore thực tế là phiên bản trên bộ của tổ hợp điều phối hỏa lực trên hạm Aegis trang bị trên các khu trục hạm lớp Arleigh Burke và tuần dương hạm lớp Ticonderoga. Tổ hợp trên là sự kết hợp giữa hệ thống radar cảnh giới, dẫn bắn đa nhiệm AN/SPY-1 và 24 bệ phóng thẳng đứng đa dụng Mk 41.

Theo lời giới chức quân sự Mỹ và NATO, các bệ phóng trên trang bị tên lửa đánh chặn siêu thanh SM-3 Block IB. Toàn bộ tổ hợp được tối ưu cho khả năng phòng thủ tên lửa với bản nâng cấp hệ thống chuẩn Baseline 9.C1.

Hệ thống Aegis Ashore sử dụng đạn tên lửa đánh chặn siêu thanh SM-3 Block IB có tầm bắn 700km và tầm cao tiêu diệt mục tiêu 500km. Vận tốc tối đa của SM-3 Block 1B nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh, vào khoảng 3km/s. Radar của tên lửa có khả năng điều khiển tấn công 18 mục tiêu khác nhau cùng một thời điểm, với độ chính xác cao.

Trong tương lai, AN/SPY-1D(V) sẽ được thay thế bằng radar AMDR của hãng Raytheon, có tính năng cao hơn. Giá ước tính của Aegis Ashore dao động từ 618-706 triệu USD, trong khi một hệ thống THAAD có giá gần 1 tỷ USD.

Hiện tại, Nhật Bản đang sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên tàu khu trục, được trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 có thể ngăn chặn tên lửa tấn công ở trên không. Nếu hệ thống Aegis trên tàu khu trục thất bại trong việc đánh chặn, hệ thống phòng thủ tên lửa PAC-3 đất đối không sẽ được kích hoạt để ngăn chặn mục tiêu tấn công.

Hệ thống Aegis trên cạn có cấu tạo tương tự hệ thống Aegis trên tàu khu trục, chỉ khác là nó được triển khai trên mặt đất. Tuy nhiên, nó giúp cho Lực lượng phòng vệ dễ thực hiện các nhiệm vụ đánh chặn mục tiêu do nó được triển khai cố định.

Một ước tính cho thấy Nhật Bản có thể phải bỏ ra hơn 700 triệu USD cho hạng mục hệ thống Aegis trên cạn. Con số này có thể tăng hơn nữa trong trường hợp chính phủ Nhật phải bỏ tiền ra để mua đất nhằm triển khai hệ thống.

Ngoài ra, hệ thống đánh chặn SM-3 Block IIA đang được Mỹ và Nhật Bản phối hợp phát triển cũng có thể được trang bị cho bãi phóng của hệ thống Aegis trên cạn. Điều này sẽ giúp Nhật Bản mở rộng phạm vi phòng thủ và tấn công mục tiêu chính xác hơn.

Việc triển khai hệ thống phòng thủ mới sẽ giúp tăng cường khả năng phòng vệ của Nhật Bản nhưng cũng làm dấy lên lo ngại về việc có thể khiến cho căng thẳng khu vực leo thang.

Lê Cao (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang