Chuyên gia trả lời trực tiếp xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ trong nông nghiệp

author 07:11 24/04/2019

(VietQ.vn) - 9h30 sáng nay 24/4, tại Chất lượng Việt Nam online, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp sẽ tọa đàm về xây dựng và áp dụng bộ tiêu chuẩn hữu cơ trong phát triển nông nghiệp tại Việt Nam.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Ông Trần Văn Dư - Tổng Biên tập tặng hoa cho các khách mời tham gia chương trình

Phong trào làm “hữu cơ” đang bùng nổ ở Việt Nam vài năm trở lại đây, đi đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những cửa hàng thực phẩm “hữu cơ”, những thương hiệu “hữu cơ” xuất hiện như nấm mọc sau mưa, dù là tự phong hay được chứng nhận.

Tuy nhiên, thực tế, người tiêu dùng chưa thể phân biệt được những sản phẩm như thế nào thì thực sự là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Chính vì vậy, Bộ KH&CN đã xây dựng và ban hành Bộ tiêu chuẩn Việt Nam đầu tiên dành riêng cho chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ; tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ.

Từ cơ sở này, thực phẩm hữu cơ sẽ có tiêu chí rõ ràng, minh bạch. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để bà con nông dân thực hành nông nghiệp hữu cơ và căn cứ vào đó, các cơ quan chức năng có thể kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất và kinh doanh các mặt hàng hữu cơ trong thời gian tới.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, Chất lượng Việt Nam online tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ- Hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững”.

Khách mời tham gia chương trình:

+ Bà Ngô Thị Ngọc Hà – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

+ Ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.

+ Ông Phan Trung Kiên – GĐ Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Thăng Long.

+ Ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm

Hiện nay, nông nghiệp hữu cơ ngày càng phát triển và các nông sản hữu cơ trở thành nhu cầu không thể thiếu với nhiều người tiêu dùng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, để sản phẩm nông nghiệp hữu cơ không bị đánh đồng với sản phẩm nông nghiệp thông thường, cần phải kiểm soát bằng những tiêu chí rõ ràng.

Việc xây dựng và áp dụng Tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ với sự minh bạch trong hoạt động chứng nhận nông nghiệp hữu cơ nhằm đảm bảo chất lượng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng chính là điều kiện đủ để phát triển nền nông nghiệp hữu cơ bền vững.

Tuy nhiên, việc thực thi liệu có bảo đảm sự nghiêm ngặt cần thiết như Bộ tiêu chuẩn đưa ra hay không, cần sự đồng hành của nhiều cơ quan chức năng, cơ quan hành pháp và đội ngũ những nhà làm nông nghiệp hữu cơ chân chính.

Quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sau khi được cấp chứng nhận (VietQ.vn) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số Điều của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ.

MC Doãn Trung dẫn chương trình!

Hiện nay trên thị trường xuất hiện rất nhiều các dấu chứng nhận từ các tổ chức chứng nhận nước ngoài, xin hỏi Lãnh đạo Viện Tiêu chuẩn Chất lượng các chứng nhận này có đáng tin cậy hay không và hiện đã có quy định nào để giám sát các chứng nhận này hay chưa? Bà có thể cho biết rõ hơn về phương thức chứng nhận nông nghiệp hữu cơ?

Năm 2017, khi Bộ KH&CN công bố 4 tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng đã tổ chức hai hội thảo để tuyên truyền về các tiêu chuẩn này.

Tại hội thảo nói trên, Tổng cục cũng nhận được nhiều ý kiến thắc mắc từ các doanh nghiệp về vấn đề chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ.

Nhân đây, tôi cũng xin cung cấp thông tin về việc chứng nhận sản phẩm hữu cơ hiện nay sẽ dựa theo tinh thần Nghị định 109/NĐ-CP ban hành năm 2018. Trong đó, nếu rõ việc chứng nhận sản phẩm có thể do bên thứ ba (một tổ chức chứng nhận độc lập) tiến hành. Khi doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ được cấp dấu chứng nhận có thể chứng minh đó là sản phẩm hữu cơ “chuẩn”.

Việc chứng minh một sản phẩm là sản phẩm hữu cơ do các tổ chức chứng nhận thực hiện dựa trên tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ hoặc các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực tương đương.

Để được cấp chứng nhận hữu cơ, doanh nghiệp sẽ phải đảm bảo cả quá trình sản xuất đều phải tuân thủ quy định nêu rõ trong các tiêu chuẩn (được chọn làm cơ sở đánh giá).

Các khách mời tham gia chương trình Giao lưu trực tuyến 

Thưa bà, chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cần được công bố bằng những tiêu chí rõ ràng, để khi đến tay người tiêu dùng, họ có thể biết được đâu là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đích thực. Để đạt được chứng nhận hữu cơ, doanh nghiệp phải thực hiện những yêu cầu gì?

Để đạt chứng nhận doanh nghiệp phải đảm bảo quá trình sản xuất hữu cơ tuân thủ theo đúng quy định trong các tiêu chuẩn lấy làm cơ sở đánh giá. Ví dụ nếu lấy bộ tiêu chuẩn 11041 để đánh giá, cấp chứng nhận thì toàn bộ quá trình sản xuất của doanh nghiệp phải tuân thủ quy định nêu trong bộ tiêu chuẩn này. Tương tự, nếu doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ khác của quốc tế, khu vực, của Codex phù hợp thì cũng phải đảm bảo yêu cầu nêu trong các bộ tiêu chuẩn đó.

Là tổ chức của những đơn vị làm nông nghiệp hữu cơ, Thưa ông Mịch, ông có thể cho biết, Hiệp hội sẽ có hoạt động gì để khuyến khích, động viên ngày càng đông các đơn vị tham gia vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần làm gì để người tiêu dùng biết được doanh nghiệp áp dụng đầy đủ và đúng các tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ hay không?

Sau 8 năm hoạt động, từ khi chưa có chính sách cụ thể nào của cơ quan quản lý nhà nước, thì chúng tôi đã vận động nông dân, hợp tác xã ở 8 tỉnh phía bắc để thực hiện sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Hiện nay, chúng ta có tiêu chuẩn của Việt Nam, Nghị định 109/108 của Thủ tướng chính phủ ban hành.. tạo điều kiện tốt để doanh nghiệp phát triển lĩnh vực này.

Chúng tôi tư vấn, hỗ trợ đơn vị, cá nhân, đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này khi gặp lúng túng trong việc xác định phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Mặt khác, chúng tôi cử chuyên gia của hiệp hội để đào tạo cho người lao động; cử cán bộ kỹ thuật đồng hành cùng hợp tác xã đó trong quá trình hoạt động.

Xin hỏi ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm - Ông nhận định như thế nào về những chính sách của nhà nước trong việc phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nhất là các vấn đề về tiêu chuẩn?

Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm

Theo tôi được biết, hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm soát chất lượng phân hữu cơ đang được hoàn thiện về số lượng và chất lượng như TCVN về phân bón hữu cơ, hữu cơ sinh học và vi sinh vật, quy chuẩn quốc gia về chất lượng phân bón, kiểm soát các phòng thử nghiệm, khảo nghiệm phân bón....

Với các định hướng thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ, Bộ NN-PTNT đã có nhiều dự án khuyến nông về phân bón hữu cơ; khuyến khích, vận động các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ chuyển dần sang sản xuất phân bón hữu cơ.

Đặc biệt gần đây Bộ KH&CN cũng đã ban hành bộ tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ, điều này là rất cần thiết cho các doanh nghiệp sản xuất như Quế Lâm để chúng tôi có căn cứ sản xuất nhưng sản phẩm phù hợp và chất lượng đảm bảo.

Thưa bà Hà, làm thế nào để người tiêu dùng biết được doanh nghiệp có áp dụng đầy đủ và đúng các tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ hay không?

Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì rất khó phân biệt được sản phẩm nào là hữu cơ, sản phẩm nào không phải hữu cơ. Vì vậy nếu muốn biết thì phải dựa vào các chứng nhận hữu cơ do các tổ chức, cơ quan theo quy định pháp luật cấp.

Mặt khác, cũng cần xem các tổ chức làm nhiệm vụ chứng nhận sản phẩm hữu cơ có đủ điều kiện và đúng quy định hay không. Điều này phải dựa vào Nghị định 107/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp do Chính phủ ban hành

Thực tế hiện nay, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mới chiếm hơn 10% nông sản cả nước. Do vậy, cần khuyến khích các hộ nông dân cũng như các doanh nghiệp tham gia canh tác nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, canh tác hữu cơ là quay về với truyền thống. Thưa ông Mịch, ông đánh giá thế nào về quan điểm này?

 Ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đang trao đổi với MC Doãn Trung.

Cách đây 3 năm, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt 76.600 ha. Tuy nhiên, đến năm 2017, diện tích này tăng lên 1,5 lần, đạt 118.700 ha. Với tốc độ cao như vậy, thể hiện sự chú ý, quan tâm, hưởng ứng chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp hữu cơ.

Hiện nay, chúng ta phải phấn đấu cho doanh nghiệp phát triển biền vững. Vì thế, chúng ta phải tổ chức tốt nghị định chính sách, như: Nghị định 109 và 8 tiêu chuẩn quốc gia của Bộ KH&CN mới ban hành. Hơn nữa, muốn triển khai tốt, các văn bản công bố sau đó phải phù hợp với từng tiêu chuẩn thì hợp tác xã, cá nhân… thì việc tổ chức thực hiện mới đạt hiệu quả.

Các vật tư đầu vào hiện nay là khâu then chốt quyết định sản phẩm, chất lượng khu vực. Bây giờ, phải chỉ ra rằng, sản phẩm nào được dùng, như: nhãn mác, vật tư đầu vào của đơn vị nào… để doanh nghiệp đưa vào sản xuất.

Tiêu thụ sản phẩm của chúng ta khoảng 10%, so với trong nước thì chúng ta đã phát triển nhanh và ở mức trung bình so với châu Á. Với tốc độ phát triển, kèm theo chính sách tốt, nếu thực hiện được thì quy mô của nông nghiệp hữu cơ sẽ lớn hơn.

Tuy nhiên, tôi cũng cảnh báo rằng, nếu tốc độ quá nhanh không kiểm soát được thì sẽ tạo ra sự nghi ngờ với cộng đồng với sản phẩm của chúng ta. Đo đó, chúng ta nên làm chậm, chắc chắn và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. 

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp sản xuất Nông nghiệp hữu cơ, theo ông Kiên, đâu là khó khăn cản trở doanh nghiệp đưa sản phẩm hữu cơ đến tay người tiêu dùng? Ông có thể chia sẻ cách làm hữu cơ của DN mình.

Vấn đề cơ bản theo tôi là làm thế nào để được chứng nhận. Khi sản phẩm của chúng tôi làm, áp dụng những quy trình mà chúng tôi nghiên cứu từ Anh, Mỹ, Nhật…và áp dụng  trên ruộng đất của chúng tôi mà chưa được chứng nhận gì cả thì người tiêu dùng cũng khó mà đón nhận chúng tôi. Như nói trước đó, chúng tôi vẫn chỉ là doanh nghiệp sản xuất tự phát. Mong sao mà sẽ có những bộ quy chuẩn để chúng tôi theo những quy chuẩn đó và được chứng nhận.

Cách làm của doanh nghiệp  chúng tôi thì xin được giới thiệu, chúng tôi làm dược liệu, chúng tôi tập trung chính vào khâu làm cây giống, từ gieo hạt giống xuống đất cho đến việc làm cây giống: Trồng ra ngoài cánh đồng và thu hái, chế biến. Chúng tôi tuân thủ tất cả các đầu vào đều phải là hữu cơ. Ví dụ như phân bón phải là phân của thực vật, các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ không được dùng mà phải làm bằng tay. Khi phát hiện sâu bệnh phải dùng các biện pháp như ngâm tỏi, ớt với cả rượu để chúng tôi phun. Những chỗ nào bị rệp không xử lý được chúng tôi bắt buộc phải cắt, phơi khô và đốt bỏ. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ như vậy trong sản phẩm của chúng tôi ví dụ như cà gai chỉ có được mang về rửa sạch, sao vàng hoặc hấp thơm lên rồi đóng túi chứ không có thêm chất bảo quản hay các loại chất chống mốc…

Tuy nhiên, dù chúng tôi làm chuẩn như thế rồi nhưng vẫn là hữu cơ tự phong và chưa có ai công nhận nên chúng tôi mong sao là sẽ có những quy chuẩn để chúng tôi đi theo và được chứng nhận. 

Thưa ông Hà Phúc Mịch, trên thị trường hiện có nhiều loại nông sản hữu cơ và nông sản an toàn. Thực tế là người tiêu dùng không phân biệt được sự khác nhau giữa hai loại này. Xin ông làm rõ sự khác nhau giữa nông sản hữu cơ với nông sản an toàn?

Sự khác biệt giữa sản phẩm hữu cơ với sản phẩm an toàn, cách nhận biết tốt nhất là nhìn vào tem, nhãn mác được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ. Nếu nhìn hình thái bên ngoài (như rau sạch phải có sâu, có cằn)… thì không thể phân biệt được sản phẩm sạch hay không. Tôi cho rằng, cách nhìn nhận như vậy cũng tiềm ẩn sự nguy hiểm.

Chỉ có làm theo tiêu chuẩn, công khai minh bạch, thậm chí doanh nghiệp còn quay cả video để người tiêu dùng biết rằng quá trình sản xuất hoàn toàn minh bạch, rõ ràng, hoàn toàn có 4 “không”: không hóa chất, không kích thích tăng trưởng, không biến đổi gen…

Để được chứng nhân sản phẩm hữu cơ, không chỉ riêng quá trình sản xuất, nó còn bao gồm vấn đề xã hội khác: bảo vệ môi trường, đối xử công bằng… trong quy định chung của quốc tế về sản phẩm hữu cơ. Ví dụ con vật nuôi ( nuôi lợn), sau 8 tháng chăn nuôi đúng tiêu chuẩn nhưng khi giết thịt, con lợn bị đối xử thô bạo thì sản phẩm đó không phải là sản phẩm hữu cơ.

Thưa ông Phan Trung Kiên – GĐ Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Thăng Long, có ý kiến cho rằng, việc tự phát sản xuất Nông nghiệp hữu cơ mà không theo tiêu chuẩn chính là nguyên nhân khiến việc tiêu thụ sản phẩm Nông nghiệp hữu cơ bấp bênh, bị đánh đồng với sản phẩm thông thường. Ông nhận định gì về ý kiến này? Theo ông cần phải làm gì để kiểm soát các loại nông sản hữu cơ ở trên thị trường?

Ông Phan Trung Kiên trong chương trình giao lưu trực tuyến

Khi làm hữu cơ không có chứng nhận gì cả thì một loạt các doanh nghiệp tự phong và doanh nghiệp nào cũng cho rằng mình làm hữu cơ và không có một chứng nhận nào công nhận việc ấy khiến cho người tiêu dùng hỗn mang và không biết đâu mà lần.

Với doanh nghiệp của chúng tôi thì chúng tôi chỉ chờ khi ban hành các tiêu chuẩn để các đơn vị sản xuất biết và làm theo. Chứ hiện tại, chúng tôi phải lên trên mạng xem thế giới các nước như Anh, Ý, Nhật... người ta làm như thế nào và học theo quy trình của họ. Không biết có đúng không nhưng cứ học theo.

Với doanh nghiệp của chúng tôi luôn luôn học hỏi các phương pháp làm hữu cơ và chắt lọc, áp dụng ở doanh nghiệp mình. Theo đó, quy trình sản xuất của chúng tôi được thực hiện theo như chẳng hạn, phân chuồng phải được ủ theo đúng quy trình và thuốc bảo vệ thực vật phải được làm từ ớt, gừng, giềng xong phun lên.

Cái cách chúng tôi làm để khẳng định được sản phẩm hữu cơ không thể nào khác chính là truyền thông quay video lại quá trình làm nông nghiệp hữu cơ  của chính mình. Và sau đó, truyền thông ra bên ngoài.

Còn nếu có bộ tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ thì rất tốt. Như thế, chúng tôi sẽ làm theo và các sản phẩm của chúng tôi sẽ được công nhận, dán tem nhãn, logo và người tiêu dùng sẽ an tâm hơn.

Là cơ sở quan trọng để bà con nông dân thực hành nông nghiệp hữu cơ, vậy Bộ Tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ được xây dựng dựa trên những nền tảng nào, thưa bà Hà?

Như tôi đã nói ở trên, xuất phát từ thực tiễn năm 2015 tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ được công bố nhưng khả năng áp dụng thực tiễn còn hạn chế nên Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia đã phải dành thời gian dài để nghiên cứu các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực để từ đó xây dựng cho Việt Nam một bộ tiêu chuẩn riêng biệt phù hợp nhất.

Qua quá trình nghiên cứu, tiếp thu, lấy ý kiến đóng góp của chuyên gia, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ, chúng tôi đã tiến hành xây dựng và trình công bố tiêu chuẩn mới.

Sau khi được công bố, để kiểm tra mức độ phù hợp thực tiễn của tiêu chuẩn, chúng tôi đã mang tiêu chuẩn đi khảo nghiệm ở các doanh nghiệp sản xuất. Kết quả khảo nghiệm cho thấy về cơ bản 8 tiêu chuẩn được Bộ KH&CN công bố năm 2017 và 2018 đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp sản xuất  sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các tổ chức liên quan.

Hiện nay, xu hướng sản xuất hữu cơ đã thu hút nhiều nông dân, doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Theo ông Kiên, đâu là lý do và giải pháp tháo gỡ vấn đề này như thế nào?

Xu hướng sản xuất hữu cơ không chỉ thu hút tại Việt Nam mà cả trên thế giới. Hàng năm, số lượng doanh nghiệp tham gia vào sản xuất hữu cơ tăng lên về quy mô, diện tích, doanh thu về lĩnh vực này đều tăng lên. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của con người về sản phẩm hữu cơ.

Tuy nhiên, ở Việt Nam còn có những khó khăn cho những đơn vị, cá nhân sản xuất sản phẩm hữu cơ. Ví dụ, sản phẩm sản xuất ra nhưng không bán được do chất lượng và giá trị hữu cơ vì chưa có đầy đủ hành lang pháp lý.

Đến thời điểm bây giờ, sản phẩm hữu cơ vẫn còn những điểm nghẽn. Sau khi có tiêu chuẩn, chúng ta phải có hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp tuân thủ một cách bài bản. Vì sau khi ban hành tiêu chuẩn khung, nếu không có hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thì tất cả tiêu chuẩn của chúng ta không phát huy tác dụng.

Hiện nay, những những sản phẩm hữu cơ, dù chỉ được chứng nhận ở mức GPS thôi cũng đã có nhiều lợi thế. Nếu được chứng nhận bên thứ 3, tiêu chuẩn TCVN 10412/2017 tôi nghĩ chắc chắn sản phẩm hữu cơ ảnh hưởng rất tốt tới cộng đồng. 

Thưa bà Ngô Thị Ngọc Hà, trước nhu cầu thừ thực tiễn, Bộ KH&CN đã ban hành Bộ Tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ, từ nay, nông nghiệp hữu cơ sẽ có tiêu chí rõ ràng, minh bạch, xin bà  chia sẻ những điểm đáng chú ý trong Bộ Tiêu chuẩn này?

Bà Ngô Thị Ngọc Hà đang trả lời câu hỏi trong chương trình Giao lưu trực tuyến

Hiện tại theo thông tin chúng tôi có được thì có khoảng 90 quốc gia trên thế giới đang áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn liên quan tới nông nghiệp hữu cơ. Từ năm 2015, Bộ KH&CN cũng đã công bố một tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) 11041 về nông nghiệp hữu cơ. TCVN 11041 này tương đương với tiêu chuẩn số hiệu 332 của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm (Codex).

Tuy nhiên, do thời gian thực hiện ngắn (2015-2016) đồng thời đây chỉ là tiêu chuẩn khung nên việc đưa vào áp dụng thực tiễn trong sản xuất, trong doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. 

Chính vì vậy, vào năm 2017, Bộ KH&CN đã chỉ đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nghiên cứu cơ sở thực tiễn, nghiên cứu các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, các quy định của các nước trên thế giới để xây dựng lên một bộ tiêu chuẩn dành cho nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam. Yêu cầu đối với bộ tiêu chuẩn là phải kế thừa những tinh hoa từ quốc tế đồng thời phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất của nền nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam.

Cũng trong năm 2017, Bộ KH&CN cũng đã công bố bộ tiêu chuẩn 11041 (gồm 4 tiêu chuẩn) liên quan đến các yêu cầu chung, phần dành cho chăn nuôi, phần dành cho trồng trọt, phần dành cho các tổ chức chứng nhận. Đến năm 2018, Bộ KH&CN tiếp tục công bố thêm 4 tiêu chuẩn nữa thuộc bộ tiêu chuẩn số hiệu 11041 (gồm các phần 5,6,7,8). Trong đó, có đề cập tới tiêu chuẩn hữu cơ cho các sản phẩm chủ lực như : Sữa hữu cơ, tôm hữu cơ, gạo hữu cơ, chè hữu cơ.

Có thể thấy với 8 tiêu chuẩn được công bố đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết về việc phải có những văn bản kỹ thuật để tổ chức chứng nhận, các doanh nghiệp sản xuất hữu cơ cũng như các tổ chức liên quan dựa vào đó để hoạt động.

Thưa ông Lam, đồng hành cùng nền nông nghiệp Tập đoàn Quế Lâm đã có những kế hoạch gì để hỗ phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam?

Là doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam hiện nay với công suất 1 triệu tấn/năm, để phát triển và mở rộng sản xuất phân bón hữu cơ Quế Lâm hiện phát triển song song hai mô hình. Thứ nhất, doanh nghiệp tự sản xuất phân hữu cơ thông qua hệ thống nhà máy khắp cả nước sau đó thu mua lại nông sản của bà con để tạo thành chuỗi hữu cơ khép kín. Thứ hai, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng, chuyển giao các chế phẩm hữu cơ, vi sinh để người dân tự xử lý các phế phụ phẩm trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt thành phân hữu cơ.

Để đáp ứng yêu cầu này, sau khi khánh thành nhà máy phân bón hữu cơ vi sinh Biotech tại Vĩnh Phúc với công suất 250.000 tấn/năm, tới đây Tập đoàn Quế Lâm sẽ hợp tác với Nhật Bản xây dựng nhà máy phân hữu cơ sinh học hiện đại nhất Việt Nam. Trong lúc đợi ngành sản xuất phân bón hữu cơ công nghiệp phát triển đủ mạnh, đủ lớn việc cung ứng, hỗ trợ, chuyển giao cho người dân tự sản xuất phân hữu cơ là giải pháp hiệu quả nhất để nâng sản lượng hữu cơ tại Việt Nam hiện nay.

Câu hỏi đầu tiên xin hỏi ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, vài năm gần đây, phong trào làm “hữu cơ” ở Việt Nam đang bùng nổ, các cửa hàng gán mác “nông nghiệp hữu cơ” mọc lên khắp nơi. Ông có thể cho biết thực trạng phát triển nông nghiệp hữu cơ ở nước ta hiện nay?

Khoảng gần 10 năm trở lại, các sản phẩm hữu cơ bắt đầu xuất hiện ở các thành phố lớn ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, TP. HCM. Đặc biệt, 3 năm trở lại, có chủ trương của Đảng, chính phủ về phát triển các sản phẩm hữu cơ thì các sản phẩm cũng đa dạng, lượng hàng cũng lớn hơn. Tuy nhiên, sản phẩm hữu cơ đích thực, sản phẩm hữu cơ tự phong… các nhà thương mại, trong điều kiện khan hiếm hàng, sản phẩm an toàn, sạch, tốt cho sức khỏe thường tự phong là sản phẩm hữu cơ. Cho nên dễ gây cho cộng đồng nhầm lẫn sản phẩm hữu cơ đích thực và tự phong.

Tron giai đoạn chuyển tiếp, đặc biệt khi chúng ta có Nghị định 109/2018 đến nay thì các sản phẩm hữu cơ của chúng ta có sự chuyển đổi giữa việc thiện nghiêm túc theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ Khoa học và Công nghệ công bố các tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nhưng trong thời gian này, chúng ta có một số bất cập là chưa có tổ chức chứng nhận ra đời để phục vụ cho công tác chứng nhận. Vì vậy, các sản phẩm được chứng nhận và không còn xuất hiện trên thị trường.

Hiện nay, trên thị trường, ví dụ Hà Nội chỉ phân biệt được sản phẩm của PGS… còn các sản phẩm chứng nhận của quốc tế ít khi bán trên thị trường. Cho nên, càng làm cho việc tìm kiếm, phân biệt sản phẩm hữu cơ khó khăn.

Chương trình kết thúc lúc 11h30', 

Ban tổ chức xin cảm ơn các khách mời đã tham gia chương trình,

Xin cảm ơn Bạn đọc đã quan tâm theo dõi!

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang