Xây dựng kết nối cung cầu khoa học công nghệ nhà trường - doanh nghiệp: 'Khó chồng khó'

author 07:06 29/12/2018

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, việc xây dựng kết nối cung cầu khoa học công nghệ giữa nhà trường với doanh nghiệp hiện đang gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn đến từ cả hai phía

Chia sẻ về những khó khăn trong việc thúc đẩy kết nối cung cầu khoa học công nghệ trong trường đại học, bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam cho hay, hiện khó khăn trong vấn đề này không chỉ nằm ở phía các nhà trường mà còn nằm ở chính các doanh nghiệp.

Theo phân tích của bà Lê Thị Khánh Vân, hiện còn rất nhiều doanh nghiệp chưa thực sự chủ động trong việc tìm kiếm thông tin cũng như đề xuất các công nghệ thích hợp để đổi mới quá trình sản xuất. Một bộ phận doanh nghiệp chưa có tầm nhìn xa, mang tính chiến lược, chưa có những kế hoạch đổi mới công nghệ dài hạn nhằm đạt được sự phát triển bền vững.

“Khi doanh nghiệp chưa thực sự thể hiện rõ rằng họ đang cần thêm những ý tưởng, những phương án công nghệ mới thì sẽ xảy ra tình trạng họ thụ động với việc tiếp cận các nguồn ý tưởng, giải pháp công nghệ đến từ các đơn vị khác, trong đó có các trường đại học”, bà Vân cho hay.

Đối với các trường đại học, Phó Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam chỉ ra một điểm tồn tại là tình trạng bao cấp kéo dài không tạo động lực nghiên cứu sáng tạo để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Việc xây dựng kết nối cung cầu khoa học công nghệ giữa nhà trường với doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đại học Lạc hồng 

Bên cạnh đó, thời gian nghiên cứu để cho ra một ý tưởng, một công trình hay giải pháp công nghệ trong các trường đại học, các viện nghiên cứu cần ít nhất 1 - 2 năm. Trong khi doanh nghiệp đòi hỏi phải có sản phẩm trong thời gian ngắn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến mối “lương duyên” giữa nhà trường-doanh nghiệp chưa được như ý muốn.

Bà Vân nói thêm, để trở thành một quốc gia có sức mạnh thì khoa học công nghệ phải trở thành nguồn lực đặc biệt và đổi mới công nghệ phải trở thành yếu tố quyết định để duy trì sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khung pháp lý của Việt Nam hiện nay chưa đủ mạnh để cải thiện quan hệ giữa nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp.

Cần tăng cường liên kết, trao đổi

Theo ông Lưu Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa Hà Nội, Chủ tịch Công ty Công nghệ mới Nhật Hải, để cho sợi dây liên kết giữa doanh nghiệp với nhà trường được bền chặt, Nhà nước cần tạo điều kiện, tạo cơ chế thông thoáng để phát triển mối quan hệ giữa các trường đại học và các ngành công nghiệp.

Cụ thể, khi ở trong một môi trường thuận lợi, các trường hỗ trợ công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng nhân viên cho doanh nghiệp còn các doanh nghiệp thì đầu tư kinh phí cho hoạt động của các trường.

Còn theo bà Lê Thị Khánh Vân, điểm mấu chốt quyết định vấn đề chính là nhu cầu thực sự từ cả hai phía. Doanh nghiệp phải thấy được kịch bản nếu không đổi mới công nghệ thì sẽ không thể tồn tại, cạnh tranh thậm chí có thể phá sản. 

Với các nhà trường, cũng nên coi việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ là tất yếu và đem lại tài chính để phục vụ các nghiên cứu tiếp theo. Đồng thời, mối quan hệ doanh nghiệp - nhà trường phải trong tương quan cân bằng, không để tình trạng “bên trọng bên khinh”.

Cùng chia sẻ về vấn đề trên, bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) khẳng định, sự hợp tác giữa các nhà trường và doanh nghiệp là tất yếu, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Vì thế, định hướng khoa học của nhà trường phải gắn với thực tiễn thay vì chỉ mang tính hàn lâm, lý thuyết. Còn về phía các doanh nghiệp cũng phải có những sự chia sẻ, hợp tác thiết thực và không thể quá nóng vội trong yêu cầu về các sản phẩm nghiên cứu khoa học.

Bảo Lâm

Thủ tướng: Cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quy hoạch phát triển đô thị(VietQ.vn) - Chiều 7/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt đoàn đại biểu Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Hội.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang