Giao lưu trực tuyến

Chất lượng Việt Nam tổ chức GLTT: Tài sản trí tuệ với doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa địa phương

authorThanh Uyên 09:19 22/12/2015

(VietQ.vn) - Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Tài sản trí tuệ với phát triển doanh nghiệp & sản phẩm hàng hóa địa phương” sẽ được Chất lượng Việt Nam Online (Vietq.vn) tổ chức vào 14h chiều nay, ngày 22/12.

Tài sản trí tuệ với doanh nghiệp & sản phẩm hàng hóa địa phương

Qua 5 năm triển khai, với sự nỗ lực Bộ Khoa học và Công nghệ, sự hợp tác chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Trong giai đoạn 2011-2015, Chương trình đã hỗ trợ việc bảo hộ sáng chế cho 61 giải pháp kỹ thuật và công nghệ và áp dụng  thực tiễn 11 sáng chế; quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ cho 09 trường đại học và viện nghiên cứu; bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với 109 đặc sản địa phương mang địa danh; hỗ trợ thành lập 52 hiệp hội, hội để quản lý tài sản trí tuệ của cộng đồng; tập huấn về sở hữu trí tuệ cho hơn 30.000 lượt người; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên đài truyền hình của 49 địa phương với gần 3.000 số phát sóng. 

Những thành công bước đầu của Chương trình cho thấy tính đúng đắn, kịp thời và phù hợp với thực tiễn của chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề này. 

Chương trình giao lưu có sự tham dự của ông Trần Việt Thanh -Thứ trưởng Bộ KH&CN, ông Trần Văn Vinh  -Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và những khách mời:

- Ông Phan Ngân Sơn – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN).

- Ông Hoàng Văn Tân -Nguyên Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.

- Ông Vũ Xuân Thủy - Giám đốc Văn phòng Công nhận BoA

.- PGS-TS Nguyễn Văn Cách - Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tại buổi giao lưu, các khách mời sẽ giới thiệu tổng quan về Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 và chiến lược phát triển tài sản trí tuệ trong giai đoạn tới. Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm phát triển tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp; khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, địa phương trong quá trình tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, bảo hộ và sử dụng quyền sở hữu trí tuệ. 

Ngoài ra, các kết quả triển khai Chương trình đặc biệt là các mô hình dự án về áp dụng sáng chế, xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ của địa phương; Nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá qua hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cũng sẽ được cung cấp tại buổi giao lưu.

Quý độc giả quan tâm có thể đặt câu hỏi cho các vị khách mời tại email: [email protected] hoặc liên hệ tới số điện thoại: 043.791.47.50.

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:
Viết Cường - [email protected]
Ông có ý kiến như thế nào khi các địa phương sau khi nhận được sự hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, các sản phẩm đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý xong chưa phát huy được thế mạnh các sản phẩm của mình?
Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ

Theo chúng tôi, chúng ta cần phải:

- Tiếp tục tuyên truyền để người tiêu dùng nhận biết, thói quen và ưu tiên sử dụng sản phẩm được bảo hộ;

- Tuyên truyền, hướng dẫn nhà sản xuất, người dân sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm đúng quy trình công bố, quy định có liên quan;

- Tổ chức sản xuất quy mô thương mại, áp dụng tiến bộ KH&CN để tăng năng suất, chất lượng và kiểm soát chất lượng sản phẩm;

- Thực hiện việc liên kết bền vững giữa các nhà thương mại và nhà sản xuất để đưa sản phẩm ra thị trường;

- Tăng cường quản lý sử dụng tài sản trí tuệ, ngăn chặn và xử lý nghiêm nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Nguyễn Chiến Thắng - [email protected]
Sở hữu trí tuệ được coi là lĩnh vực mới và Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm, một số nội dung còn khó ngay cả đối với cơ quan chuyên môn về sở hữu trí tuệ như định giá tài sản trí tuệ, xây dựng và triển khai mô hình chuyển giao tài sản trí tuệ, áp dụng sáng chế. Trong thời gian tới, Cục SHTT sẽ giải quyết những vấn đề này như thế nào?
Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ

Vấn đề định giá tài sản trí tuệ cũng như áp dụng sáng chế sẽ được đưa vào thành các nội dung của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trong giai đoạn 2016-2020.

Các kiến thức về SHTT nói chung và phát triển tài sản trí tuệ nói riêng còn rất được ít người dân biết tới. Công tác đào tạo, tuyên truyền, phổ biến có gặp gì khó khăn và hiệu quả ra sao?
Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ

Nhiều năm nay, Cục SHTT đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT nói chung và sở hữu công nghiệp (SHCN) nói riêng trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các hội nghị, hội thảo,… qua các dự án tuyên truyền, phổ biến kiến thức SHTT trong chương trình 68 tại các địa phương trên toàn quốc. Tuy nhiên vẫn còn ít người dân biết tới.

Thực tế là bản thân công tác đào tạo, tuyên tuyền, phổ biến không có khó khăn gì quá lớn, mà vấn đề là ở chỗ, SHTT chỉ phát triển mạnh trong môi trường kinh tế, thương mại có cạnh tranh – kinh tế thị trường. Ở các nước phát triển, SHTT đã có lịch sử hàng trăm năm, trong khi ở Việt Nam mới chỉ có hơn 30 năm. Mặc dù liên tục phổ biến, tuyên truyền nhưng không phải ai cũng quan tâm đến vấn đề này. Chỉ những cá nhân, doanh nghiệp có tham gia sản xuất, kinh doanh thực sự và nhất là trong trường hợp sản phẩm của mình bị vi phạm hoặc bị kiện cáo là vi phạm sản phẩm của người khác... thì lúc đó mới thực sự để ý đến lĩnh vực SHTT.

Hoàng An - [email protected]
Hiện tại có vô số những sản phẩm khoa học dù đã được ứng dụng trong đời sống lao động, sản xuất như lò đốt rác, thuốc trừ sâu… nhưng vẫn không thể được cấp bằng sáng chế ở VN. Tôi muốn hỏi, được cấp bằng sáng chế cần phải đảm bảo yêu cầu gì?
Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ

Thông thường, các sản phẩm khoa học được tạo ra đều nhằm thỏa mãn một nhu cầu nào đó của con người, ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp như thu hoạch lúa, các đây 40-50 năm, người nông dân Việt Nam sau khi gặt về, bó thành từng bó rồi dùng sức người đập vào tảng đá cho hạt thóc rơi ra. Công việc này tốn sức, năng suất lao động thấp, rơi vãi nhiều... Và xuất phát từ nhu cầu giải phóng sức lao động của nhà nông, tăng năng suất lao động thì ngay từ thời xa xưa đã tạo ra máy tuốt lúa, từ những máy thô sơ như gặt bằng tay rồi đưa lên bờ ruộng tuốt bằng máy cá nhân gọn nhẹ, đạp chân hoặc lắp động cơ hay đưa về sân đình rồi tuốt bằng máy có động cơ hiện đại hơn... Ở các nước công nghiệp tiên tiến, từ lâu đã có máy gặt đập liên hợp, máy ruộng nước, máy ruộng khô...

Như vậy có thể hiểu rằng, xuất phát từ cùng một nhu cầu của cuộc sống, sẽ có nhiều người cùng suy nghĩ để tạo ra những sản phẩm giải quyết nhu cầu đó và chỉ những sản phẩm mới nhất, khác với các sản phẩm cùng loại mới có khả năng được cấp Bằng sáng chế. Do vậy một trong những yêu cầu đầu tiên mà một sản phẩm khoa học cần phải đáp ứng đó là có tính mới, tính mới ở đây là so sánh với toàn thế giới, tức là vào thời điểm nộp đơn đăng ký sáng chế, sản phẩm khoa học đó phải không giống hoặc tương tự với bất kỳ một sản phẩm nào khác cùng loại trên toàn thế giới. 

Ngoài ra, sản phẩm đó còn phải đáp ứng yêu cầu về khả năng chế tạo hàng lọat, tức là khả năng sản xuất công nghiệp và đáp ứng yêu cầu về tính sáng tạo, tức là tạo ra một bước tiến về kỹ thuật so với sản phẩm cùng loại đang có. Việc so sánh về tính mới cũng như về tính sáng tạo không chỉ là so sánh giữa các sản phẩm đã được chế tạo ra mà phải so sánh với cả các sản phẩm chưa xuất hiện trên thị trường (còn đang nằm trên giấy).

Nguyễn Hồng Hà - [email protected]
Hiện nay cả nước có rất sản phẩm vùng miền được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhưng không phải nơi nào cũng biết khai thác hết các giá trị từ việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đem lại, ông nhận định gì về điều này?
Ông Hoàng Văn Tân - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

Tôi cũng đồng ý với nhận xét đó. Đúng là hiện nay cả nước có nhiều sản phẩm là đặc sản của các vùng miền được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhưng không phải nơi nào cũng biết khai thác hết các giá trị từ việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý mang lại. Kết quả của quá trình tiến hành thủ tục xác lập quyền là nhận thức của những người sản xuất, kinh doanh, của các cơ quan quản lý nhà nước, của người tiêu dùng hay nói chung là của cộng đồng xã hội về sở hữu trí tuệ, về các giá trị từ việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý mang lại được nâng cao, từ đó những người sản xuất, kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có thêm cơ hội thuận lợi để đạt được kết quả cuối cùng là đưa được đặc sản của địa phương đến tay người tiêu dùng một cách có tổ chức, sản phẩm có chất lượng, giá bán tăng cao và quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhiều địa phương chưa xây dựng được tổ chức tập thể mạnh, chưa phát triển được các kênh thương mại ổn định, chưa có biện pháp bảo vệ hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ của mình, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị..., do đó chưa thực sự khai thác hết các giá trị từ việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý mang lại.

Trần Xuân Bách - [email protected]
Hiện nay, có nhiều sản phẩm của Việt Nam được bảo hộ sở hữu trí tuệ, chúng tôi muốn trở thành tổ chức chứng nhận độc lập để làm dịch vụ chứng nhận chất lượng cho các sản phẩm, vậy thủ tục cần phải tiến hành như thế nào?
Ông Vũ Xuân Thủy - Giám đốc Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA)

Để khẳng định năng lực, đơn vị có thể làm đơn gửi Văn phòng công nhận chất lượng (BOA) xin công nhận cho mảng chứng nhận sản phẩm. Tuy vậy, để có thể cung cấp dịch vụ chứng nhận độc lập cho sản phẩm được bảo hộ, điều này tùy thuộc vào quy định về cách thức kiểm soát và lựa chọn tổ chức của các chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý.

Nguyễn Thái Hà - [email protected]
Với mục tiêu góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam trong đó ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm chiến lược, đặc thù, có tiềm năng xuất khẩu, chương trình đã đạt được những kết quả như thế nào?
Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ

Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (thứ 2 bên phải) đang trả lời câu hỏi của bạn đọc gửi về chương trình Giao lưu trực tuyếnÔng Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (thứ 2 bên phải) đang trả lời câu hỏi của bạn đọc gửi về chương trình Giao lưu trực tuyến

Trong giai đoạn 2011-2015, Chương trình đã đẩy mạnh việc hỗ trợ bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, có 110 dự án loại này được phê duyệt cho triển khai, chiếm 51,64% tổng số dự án thuộc Chương trình. Thông qua việc hỗ trợ từ Chương trình, các sản phẩm đã được nhà nước bảo hộ sở hữu trí tuệ, các hiệp hội ngành nghề được thành lập để quản lý, phát triển sản phẩm, bên cạnh đó, Chương trình còn hỗ trợ việc thiết kế, in ấn tem nhãn, bao bì, hệ thống nhận diện, xây dựng và ban hành các quy trình kỹ thuật hướng dẫn sản xuất, khai thác, bảo quản sản phẩm.

Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ, khai thác quyền sở hữu trí tuệ, giá trị sản phẩm đã gia tăng rõ rệt như sản phẩm cam Vinh đã tăng lên hơn 50% sau khi chỉ dẫn địa lý được đăng bạ và quản lý; giá bán các sản phẩm chè Mộc Châu có bao bì mang chỉ dẫn địa lý cao hơn từ 1,7 - 2 lần các sản phẩm cùng loại không có bao bì; Sản phẩm su su Sa Pa: Sau khi được bảo hộ đã được các bạn hàng từ Trung Quốc yêu cầu đóng bao bì và gắn logo nhãn hiệu tập thể vào trước khi đưa xuất khẩu, đây là tín hiệu rất tích cực vì từ trước đến nay, khách hàng Trung Quốc hầu như chỉ nhập khẩu sản phẩm thô, không cần nhãn mác; cam Cao Phong đã tăng gần 50% giá trị ngay sau khi công bố chỉ dẫn địa lý.

Nguyễn Trung Thành - [email protected]
Tôi thấy có nhiều sản phẩm được hỗ trợ và gọi là nhãn hiệu tập thể, có sản phẩm lại gọi là chỉ dẫn địa lý, có sản phẩm lại là nhãn hiệu chứng nhận, trong khi các sản phẩm đó đều có thể gọi chung là đặc sản hoặc chỉ dẫn địa lý được, vậy việc phân biệt các tên gọi này có ý nghĩa hay khác biệt giá trị thế nào?
Ông Hoàng Văn Tân - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

Đặc sản của địa phương có thể mang địa danh được bảo hộ dưới các hình thức như nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hoặc chỉ dẫn địa lý.

Việc lựa chọn hình thức nào là phải căn cứ vào điều kiện được bảo hộ cụ thể đối với đặc sản tương ứng theo Luật Sở hữu trí tuệ. Có thể nói nôm na, ngắn gọn là đặc sản mang địa danh được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý có giá trị nhất vì phải đáp ứng các điều kiện cao nhất, chặt chẽ nhất, tiếp đó theo thứ tự là nhãn hiệu chứng nhận rồi đến nhãn hiệu tập thể. Nói như vậy là căn cứ vào yêu cầu đối với việc xác lập quyền đối với một sản phẩm cụ thể, không phải để so sánh các sản phẩm khác nhau.

Nguyên Hồng - [email protected]
Chuyện nông dân làm khoa học không còn hiếm từ nhiều năm nay. Những kết quả sáng tạo của họ dù rất hữu ích, được nước ngoài rất chú ý và trọng dụng thì trong nước vẫn chưa được thừa nhận. Theo ông lý do ở đây là gì?
GS. TS Nguyễn Văn Cách - Đại học Bách khoa Hà Nội

Sáng chế chỉ thực sự có ý nghĩa, khi nó được chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn; Nghĩa là cần phải có giai đoạn thử nghiệm kiểm định năng lực khai thác thực tiễn (quy mô, hiệu quả, độ ổn định,...), mà hoạt động này luôn tương ứng với áp lực công nghệ của nền sản xuất: nhu cầu phát triển, áp lực xác lập lợi thế công nghệ, nguồn lực đầu tư đổi mới... Những điểm này thường là những điểm khó tiếp cận và khai thác đối với người nông dân. 

Minh Sang - [email protected]
Thưa ông, Việt Nam hiện nay đã có hệ thống cơ quan chứng nhận độc lập để đánh giá và kiểm soát chất lượng sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý chưa, kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này như thế nào?
Ông Vũ Xuân Thủy - Giám đốc Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA)

Việt Nam hiện nay đã có một số tổ chức chứng nhận để đánh giá và kiểm soát chất lượng sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tuy vậy, chúng tâ vẫn chưa có tổ chức chứng nhận độc lập được công nhận để tiến hành kiểm soát chất lượng sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. 

Trên thế giới, người ta thường sử dụng tổ chức chứng nhận độc lập được công nhận để khẳng định năng lực kỹ thuật của tổ chức này khi cần kiểm soát chất lượng sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đây là yêu cầu bắt buộc của Châu Âu khi triển khai chỉ dân địa lý của Châu Âu.

Phương Nam - [email protected]
Có nhiều nông dân rất nhạy bén với thực tiễn và từ đó có những sáng tạo phục vụ cho công việc của họ. Tuy nhiên việc nhân rộng các kết quả sáng tạo này còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là kinh phí. Ông có lời khuyên gì đối với những người nông dân để họ có thể tự tin đưa sản phẩm sáng tạo của mình vào thực tiễn một cách đại trà?
GS. TS Nguyễn Văn Cách - Đại học Bách khoa Hà Nội

Đam mê và chấp nhận mạo hiểm là khởi nguồn cho hoạt động đổi mới, song cần xác định rõ lợi thế công nghệ trong sáng chế của mình khi được ứng dụng để giải quyết vấn đề thực tiễn cụ thể và cấp thiết, vì hiệu quả chung thường là sự phối kết hợp của nhiều giải pháp đơn lẻ với nhau. 

Trần Anh Thư - [email protected]
Giá trị sản phẩm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý tăng nhiều lần với những sản phẩm cùng loại, nhưng việc mạo danh thương hiệu các sản phẩm này gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của nhãn hiệu. Ông có chia sẻ gì trong việc ngăn chặn tình trạng này?
Ông Hoàng Văn Tân - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

Hành vi mạo danh chỉ dẫn địa lý là hành vi vi phạm pháp luật và theo tôi phải bị xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định hiện hành. Để ngăn chặn tình trạng này người có quyền sản xuất kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cần chủ động phát hiện, cung cấp thông tin, yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời. Một việc rất quan trọng và cần thiết là có biện pháp tuyên truyền quảng bá, thông tin về sản phẩm đầy đủ đến người tiêu dùng và chính người tiêu dùng sẽ đồng hành với nhà sản xuất trong cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng mạo danh.

Việt Anh - [email protected]
Làm sao người tiêu dùng có thể biết và kiểm tra thông tin hàng hóa đó đạt tiêu chuẩn hay không? Sản phẩm đó gồm những tiêu chuẩn nào để người tiêu dùng chúng tôi yên tâm sử dụng sản phẩm?
Ông Vũ Thế Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP iCheck

Hiện iCheck đang phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhằm cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin về hàng hóa, dịch vụ một cách chính xác nhất. ICheck được hiểu đơn giản là cổng thông tin thương phẩm và bảo vệ người tiêu dùng.

Các sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý có được đánh giá giám sát định kỳ không và tổ chức nào sẽ thực hiện việc này?
Ông Vũ Xuân Thủy - Giám đốc Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA)

Việc đánh giá giám sát sản phẩm được thực hiện thường xuyên trong quá trình tạo ra sản phẩm thông qua giám sát nội bộ. Ngoài ra, định kỳ, tổ chức kiểm soát bên ngoài sẽ có việc kiểm tra giám sát sản phẩm.

Nguyễn Minh Yến - [email protected]
Thưa ông Sơn, các địa phương cho rằng họ vướng mắc về tài chính khi triển khai đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Dự án duyệt nhưng tài chính trung ương lại cấp muộn, làm thế nào để khắc phục điều này
Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ

Các dự án thuộc Chương trình 68 nói chung và các dự án liên quan đến chỉ dẫn địa lý nói riêng khi phê duyệt sẽ có hai nguồn kinh phí để đảm bảo thực hiện, gồm nguồn kinh phí Trung ương và nguồn kinh phí đối ứng của địa phương, doanh nghiệp.

Nhìn chung, nguồn kinh phí từ Trung ương đều được bố trí đầy đủ, đúng thời gian theo quy định. Tuy nhiên, trong năm 2015, việc cân đối ngân sách Nhà nước có một số khó khăn. Do đó, cơ quan quản lý tài chính đã ưu tiên bố trí cho các nhiệm vụ cấp bách. Vì vậy, một số nhiệm vụ thuộc Chương trình 68 được bố trí kinh phí không bảo đảm kế hoạch (chậm).

Để khắc phục tình trạng trên, Cục SHTT đề nghị các đơn vị chủ trì dự án chủ động sử dụng nguồn kinh phí đối ứng, huy động nguồn kinh phí khác (nếu có thể) để triển khai các hoạt động theo dự án đã được phê duyệt.

Cục SHTT sẽ khẩn trương chuyển phần kinh phí của dự án ngay sau khi được cơ quan tài chính có thẩm quyền bố trí. 

Đỗ Minh Thành - [email protected]
Các sản phẩm để được bảo hộ chỉ dẫn địa lý có cần phải chứng minh nguồn gốc, quy trình canh tác, bảo quản và thu hoạch không thưa ông?
Ông Vũ Xuân Thủy - Giám đốc Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA)

Đây đều là những yếu tố tạo nên chất lượng sản phẩm nên đương nhiên các yếu tố này đều phải được mô tả rõ khi được đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Nguyễn Mạnh Cường - [email protected]
Sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ, địa phương sẽ phải làm gì để quản lý được đầu ra của sản phẩm đúng chuẩn như đã được nhà nước bảo hộ?
Ông Vũ Xuân Thủy - Giám đốc Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA)

Địa phương sẽ phải thường xuyên kiểm tra giám sát đơn vị được giao chỉ dẫn địa lý. Ngoài ra cần hỗ trợ trong việc phát triển sản phẩm để sản phẩm có thể được bán ở tỉnh khác và xuất khẩu ra nước ngoài.

Thu Phương - [email protected]
Ông có thể cho người tiêu dùng biết được nông sản mang chỉ dẫn địa lý tốt hơn những sản phẩm không mang chỉ dẫn địa lý ở chỗ nào khi giá các sản phẩm nông sản gắn nhãn hiệu cao hơn những sản phẩm cùng loại khác?
Ông Vũ Xuân Thủy - Giám đốc Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA)

Sản phẩm được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đều là sản phẩm nổi tiếng của địa phương, lâu đời. Các sản phẩm này có các đặc tính và yêu cầu kỹ thuật được đăng ký và các yêu cầu này đều được kiểm soát nghiêm ngặt thông qua kiểm soát nội bộ và kiểm soát bên ngoài. Do vậy, NTD phải trả tiền cao hơn cho sản phẩm an toàn, chất lượng, mang tính đặc sản đương nhiên phải trả tiền cao hơn.

Sáng chế của ĐH Bách Khoa đã giải quyết được vấn đề nan giải của các làng nghề đó là xử lý được ô nhiễm. Vậy tiếp cận sự hỗ trợ của Nhà Nước để sáng chế này đi vào cuộc sống có khó khăn gì không, xin được ông chia sẻ.
GS. TS Nguyễn Văn Cách - Đại học Bách khoa Hà Nội

Xin chân thành cám ơn, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước, mà trực tiếp là Bộ KHCN. Nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu được hỗ trợ hơn nữa về phương án chấp nhận xử lý rủi ro, tháo gỡ về cơ chế tài chính và hỗ trợ đầu tư khởi nghiệp....

Trần Thu Hoài - [email protected]
Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhưng hiệu quả lại không đạt được như mong đợi, chỉ có duy nhất trường hợp của nước mắm Phú Quốc được đánh giá là thực sự thành công. Ông nhìn nhận như thế nào về đánh giá trên?
Ông Hoàng Văn Tân - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

Đúng là nhiều sản phẩm mang địa danh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý không đạt được hiệu quả như mong muốn. Tuy nhiên, cũng không phải chỉ có duy nhất trường hợp của nước mắm Phú Quốc được đánh giá là thực sự thành công. Thanh long Bình Thuận hay vải thiều Lục Ngạn, cam Cao Phong - Hoà Bình... đều có giá tăng cao nhờ có thêm khách hàng nước ngoài hoặc trong nước sau khi có chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.

Nguyễn Thùy Trang - [email protected]
Tôi được biết, nhiều chỉ dẫn địa lý, sau khi được bảo hộ gần như chưa kiểm soát được chất lượng sản phẩm, nên dễ bị xâm phạm quyền, theo ông có cách nào để khắc phục vấn đề này?
Ông Vũ Xuân Thủy - Giám đốc Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA)

Ông Vũ Xuân Thủy - Giám đốc Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA)

Thứ nhất tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên thị trường đối với hàng nhái, hàng giả về chỉ dẫn địa lý; thứ hai là phải xây dựng được truy xuất nguồn gốc sản phẩm để hàng giả hàng nhái không thể trà trộn với hàng có chỉ dẫn địa lý; ba là, nâng cao nhận thức của những người đã được cấp quyền chỉ dẫn địa lý không vì lợi nhuận mà dán tem chỉ dẫn địa lý không phải trong vùng canh tác của mình.

Nguyễn Xuân Tùng - [email protected]
Một trong hai mục tiêu lớn của Chương trình 68 giai đoạn 2011-2015 là tiếp tục nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tạo lập, quản lý, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ. Xin Phó Cục trưởng có thể cho biết kết quả cụ thể của mục tiêu này trong những năm qua?
Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ

Các hoạt động liên quan đến công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp, cá nhân và hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ  cho các sản phẩm của Việt Nam đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ ưu tiên, đẩy mạnh triển khai.

Cục SHTT đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo khoa học, biên tập và xuất bản các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ, đặc biệt, trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, có 81 dự án tuyên truyền, phổ biến kiến thức về SHTT trên đài truyền hình địa phương (chiếm 38,02% tổng số dự án thuộc Chương trình), phát liên tục trên sóng truyền hình của 49 tỉnh, thành phố, ngoài ra, trong khuôn khổ các dự án về tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, có hơn 30.000 lượt người được tham gia tập huấn, đào tạo về sở hữu trí tuệ. Qua đó, nhận thức của các cán bộ, người dân địa phương, doanh nghiệp được nâng lên đáng kể.

Nguyễn Hải Lý - [email protected]
Tôi thấy những năm qua các dự án bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm đặc thù của địa phương mang địa danh chiếm tỉ lệ cao hơn so với các dự án khác. Việc này là ưu tiên hay chỉ là nhu cầu của các địa phương cần hỗ trợ thực hiện việc này?
Ông Hoàng Văn Tân - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

Các dự án xác lập quyền bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm đặc thù của địa phương mang địa danh chiếm tỉ lệ cao hơn so với các dự án khác vừa là ưu tiên vừa là nhu cầu của địa phương cần hỗ trợ thực hiện. Bởi lẽ điều đó là cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam phải cạnh tranh với các nước khác bằng thế mạnh của mình, bằng sản phẩm chẳng nơi nào có được và cũng là để góp phần thực hiện chính sách nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, sản phẩm là đặc sản của địa phương. 

Hoàng Mai - [email protected]
Là chuyên gia hội đồng nghiệm thu các dự án, theo ông vấn đề khó khăn nhất cần phải giải quyết của các địa phương nhằm phát triển sản phẩm, kiểm soát chất chất lượng sản phẩm là gì?
Ông Vũ Xuân Thủy - Giám đốc Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA)

Đối với các sản phẩm được mang chỉ dẫn địa lý, chủ sở hữu của chỉ dẫn địa lý phải đăng ký với Cục SHTT về các đặc thù và các yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm.

Chủ sở hữu của chỉ dẫn địa lý phải đảm bảo sản phẩm tuân thủ, đáp ứng các đặc thù và các yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm đã đăng ký. Để đảm bảo điều này, phải có hệ thống kiểm soát nội bộ và kiểm soát bên ngoài đối với các sản phẩm từ  giống, gieo trồng, canh tác, bảo quản và chế biến. Như vậy, để đảm bảo chất lượng của sản phẩm phải đảm bảo đủ 2 yếu tố: duy trì kiểm soát nội bộ và kiểm soát chất lượng bên ngoài. Kiểm soát chất lượng nội bộ là đơn vị tự xây dựng những cơ chế, cách thức kiểm soát như trong quá trình chọn giống, bảo quản, chế biến; kiểm soát chất lượng bên ngoài thường không thuộc đơn vị chủ sở hữu kiểm tra sản phẩm trên thị trường. Khó khăn với việc kiểm soát nội bộ, là người nông dân thường không biết, ít kinh nghiệm tỏng việc thiết lập hệ thống quản lý, kiểm soát chất lượng nôi bộ.

Thêm đó, những người tham gia vào quá trình này là nông dân, tập tính đơn lẻ, thực hiện theo một quy trình đề ra sẽ gặp khó khăn. Đối với kiểm soát bên ngoài, các tổ chức bên ngoài vẫn chưa đủ năng lực kiểm soát chất lượng sản phẩm. Trên thế giới, các tổ chức kiểm soát chất lượng bên ngoài thường là các tổ chức chứng nhận sản phẩm được công nhận năng lực theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17065.

Đức Trung - [email protected]
Có rất nhiều sản phẩm tiêu dùng như dầu gội, mỹ phẩm, thậm chí cả thuốc bị làm giả. Điều đáng nói là trong các sản phẩm đó có thể chứa những chất gây nguy hại tới sức khỏe người dùng vậy thì có cách nào để người dùng có thể biết được sản phẩm nào mình đang dùng có những chất gì? Có thích hợp hay an toàn với mình không?
Ông Vũ Thế Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP iCheck

Hiện tại tài liệu của các tổ chức y tế thế giới, thông tin hoàn toàn minh bạch, iCheck biên dịch thành tài liệu tiếng Việt để hỗ trợ người dùng nhận biết chất phụ gia.

Trần Trung Nghĩa - [email protected]
Thưa Phó Cục trưởng, địa phương muốn có nhãn hiệu để bảo hộ cho sản phẩm nông sản đặc trưng của mình nhưng khi có nhãn hiệu rồi lại chưa thể phát triển được như kỳ vọng với nhiều lý do mà chủ yếu là do cách thức tổ chức quản lý của chủ nhãn hiệu còn lúng túng. Các Sở KH&CN đã làm việc và hướng dẫn địa phương nhưng cũng chưa chuyển biến nhiều. Vậy phía Cục SHTT có giải pháp như thế nào cho tình trạng này?
Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ

Để góp phần phát triển bền vững kinh tế, xã hội, thời gian qua, nhiều địa phương đã triển khai các hoạt động bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm. Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ, quản lý quyền sở hữu trí tuệ, giá trị sản phẩm đã gia tăng đáng kể như nước mắm Phú Quốc, cam Cao Phong, thanh long Bình Thuận... Tuy nhiên, nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ chưa phát huy được giá trị, sản phẩm chưa thể phát triển như kỳ vọng.

Theo chúng tôi, để khắc phục được tình trạng nêu trên, chúng ta cần phải:

- Tiếp tục tuyên truyền để người tiêu dùng nhận biết, thói quen và ưu tiên sử dụng sản phẩm được bảo hộ;

- Tuyên truyền, hướng dẫn nhà sản xuất, người dân sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm đúng quy trình công bố, quy định có liên quan;

- Tổ chức sản xuất quy mô thương mại, áp dụng tiến bộ KH&CN để tăng năng suất, chất lượng và kiểm soát chất lượng sản phẩm;

- Thực hiện việc liên kết bền vững giữa các nhà thương mại và nhà sản xuất để đưa sản phẩm ra thị trường;

- Tăng cường quản lý sử dụng tài sản trí tuệ, ngăn chặn và xử lý nghiêm nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Hoài Nam - [email protected]
Trong giai đoạn 2011- 2015, nhiều sản phẩm đã được Cục SHTT hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý, tuy nhiên để phát huy thế mạnh của các thương hiệu này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều sản phẩm vẫn chỉ loanh quanh ở địa phương mà chưa bứt phá ra thị trường. Theo ông đâu là nguyên nhân và cách khắc phục?
Ông Vũ Xuân Thủy - Giám đốc Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA)

Ông Vũ Xuân Thủy - Giám đốc Văn phòng Công nhận BoAÔng Vũ Xuân Thủy - Giám đốc Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA) - Bộ Khoa học và Công nghệ đang trao đổi với phóng viên về câu hỏi bạn đọc gửi về chương trình

Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến việc thực thi kênh phân phối sản phẩm chưa thực sự tốt và hiệu quả. Cũng phải nhìn nhận, đối với các sản phẩm đã được đăng lý chỉ dẫn địa lý của các địa phương, khối lượng hàng hóa chưa thực sự lớn, điều này cũng làm ảnh hưởng hoặc hạn chế việc tiếp cận của sản phẩm có chỉ dẫn địa lý tới các nhà phân phối lớn.

Vấn đề thứ 2, các chủ sở hữu của các chỉ dẫn địa lý thường là các cơ quan Nhà nước hoặc Hiệp hội đều thiếu kinh nghiệm trong việc tiếp thị sản phẩm và tiếp cận thị trường.

Một yếu tố nữa cũng ảnh hưởng đến việc xâm nhập của sản phẩm sang các địa phương khác là do việc quản lý bảo hộ cho các sản phẩm mang chỉ dân địa lý vẫn chưa thực sự tốt. Nhiều sản phẩm không thuộc phạm vi được mang chỉ dẫn địa lý lại đội lốt chỉ dẫn địa lý để buôn bán. Điều này dẫn đến lộn xộn và tạo ra sự cạnh tranh bất lợi cho các sản phẩm chỉ dẫn địa lý. Do sự quản lý yếu kém này nên người tiêu dùng không phân biệt được sản phẩm có chỉ dẫn địa lý thật và già. Do vậy, NTD cũng không mặn mà với việc bỏ ra số tiền lớn hơn để mua sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Đây là vấn đề bức xúc, gây thiệt hại lớn cho những người làm ăn chân chính, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm và địa phương.

Trần Quốc Anh - [email protected]
Phó Cục trưởng có thể cho biết những tồn tại trong những năm triển khai Chương trình 68 giai đoạn 2011- 2015 là gì và biện pháp khắc phục trong thời gian tới để chương trình đạt được kết quả tốt nhất?
Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ

Với sự nỗ lực tổ chức triển khai của Cục SHTT, sự phối hợp chặt chẽ, sự tham gia nhiệt tình của các cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, Chương trình đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như Chương trình chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh và tầm quan trọng của mình. Một số nội dung Chương trình chưa được triển khai như mong muốn, bao gồm: áp dụng sáng chế, định giá tài sản trí tuệ, bảo hộ và phát triển giá trị giống cây trồng mới, tăng cường hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Sự tham gia, vào cuộc của các doanh nghiệp còn hạn chế dẫn tới việc chưa tạo ra được liên kết bền vững giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp, theo đó, hiệu quả bảo hộ sở hữu trí tuệ chưa cao. Nhiều dự án thuộc Chương trình triển khai chưa bảo đảm tiến độ phê duyệt lần đầu, phải gia hạn, công tác thanh quyết toán còn chậm.

Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới, Cục SHTT sẽ đổi mới cách tiếp cận và phương thức hướng dẫn, tuyển chọn dự án nhằm đẩy mạnh việc triển khai nội dung bảo hộ và khai thác sáng chế, thương mại hóa tài sản trí tuệ; tập trung cho các đối tượng là doanh nghiệp, các nhà sáng chế; Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành trong công tác xem xét, lựa chọn sản phẩm để hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; chủ động hơn trong công tác quản lý dự án, hướng dẫn thanh quyết toán dự án; Rà soát lại tiêu chí, quy trình xem xét, tuyển chọn dự án để bảo đảm lựa chọn đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện dự án thật sự có năng lực, kinh nghiệm triển khai các dự án.

Có nhiều đặc sản như cam vinh, xoài cát chu, nho ninh thuận... được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhưng vì không có nhãn mác để người tiêu dùng dễ phân biệt nên họ dễ bị lừa, làm thế nào để nhận biết đó là sản phẩm đã được bảo hộ?
Ông Hoàng Văn Tân - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

Đặc sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhưng không có nhãn mác để người tiêu dùng dễ phân biệt nên họ dễ bị lừa. Đây là lỗi của chính nhà sản xuất, là thiếu sót cần phải khắc phục để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích chính đáng của nhà sản xuất. Sản phẩm không có nhãn mác thì người tiêu dùng rất khó để nhận biết được và như vậy thì việc bảo hộ coi như chẳng có giá trị gì.

Để được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho một sản phẩm, địa phương phải làm các thủ tục đề nghị gì, hay trung ương tự tìm hiểu, xét duyệt?
Ông Hoàng Văn Tân - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

Để sản phẩm mang địa danh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, địa phương phải tự làm thủ tục đăng ký xác lập quyền theo quy định, không phải do Trung ương tự tìm hiểu, xét duyệt.

Hà Thủy - [email protected]
Việt Nam hiện có 43 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, phần lớn là nông sản, đứng thứ hai sau Thái Lan ở khu vực ASEAN. Là chuyên gia nhiều kinh nghiệm, đồng thời ở phía cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, ông đánh giá như thế nào về vai trò và tầm quan trọng của các chỉ dẫn địa lý đối với việc phát triển sản phẩm?
Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể, như vậy, chỉ dẫn địa lý là thuật ngữ chỉ ra mối quan hệ giữa giá trị đặc thù của sản phẩm/dịch vụ mang địa danh địa lý gắn liền với điều kiện tự nhiên đặc thù của khu vực, hoặc với những kỹ năng sản xuất đặc biệt mà các sản phẩm, dịch vụ cùng loại khác nằm ngoài khu vực địa lý không có được. Kinh nghiệm thế giới và thực tiễn của Việt Nam cho thấy vai trò quan trọng của CDĐL: Với những điều kiện đặc thù để được công nhận và bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đóng vai trò như sự đảm bảo rằng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có được chất lượng nhất định theo phương pháp sản xuất truyền thống hoặc có được uy tín nhờ xuất xứ địa lý vùng miền.

Chính vì lý do này, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đồng nghĩa với sản phẩm được công nhận và đảm bảo chất lượng, và do vậy thường mang tính cạnh tranh cao hơn các sản phẩm chỉ mang nhãn hiệu thông thường; Là công cụ phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững thông qua khai thác các sản phẩm, dịch vụ đặc biệt của nông thôn; Là giải pháp chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường (hàng giả, hàng nhái, giúp phân biệt được một sản phẩm theo những tiêu chí chất lượng đặc biệt liên quan tới cộng đồng có nguồn gốc địa lý và phương pháp sản xuất, sử dụng riêng; Giúp tổ chức sản xuất của một khu vực bằng cách xác định chỉ tiêu cơ bản để tăng các giá trị của sản phẩm, tạo điều kiện tiếp thị và thâm nhập vào bất kỳ thị trường nào.

Ngoài ra, việc bảo hộ và khai thác chỉ dẫn địa lý, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý góp phần đa dạng hóa sản xuất, bảo tồn sự đa dạng sinh học, bảo tồn các kiến thức bản địa dựa vào nguồn lợi tự nhiên, xây dựng các giá trị di sản của nhân loại.

Phương Minh - [email protected]
Có ý kiến cho rằng, các nhà sáng chế, các nhà khoa học của Việt Nam thường rất thông minh và có kiến thức khoa học chuyên ngành rất giỏi. Tuy nhiên, khi làm việc đội, nhóm lại chưa có hiệu quả trong khi đó để phát triển thành công các sáng chế và sản phẩm từ nghiên cứu khoa học lại đòi hỏi quá trình làm việc của cả một đội kết hợp lại. Vậy theo GS-TS Nguyễn Văn Cách, làm thế nào để cải thiện điều này?
GS. TS Nguyễn Văn Cách - Đại học Bách khoa Hà Nội

GS. TS Nguyễn Văn Cách - Đại học Bách khoa Hà Nội

Tác giả sáng chế không phải bao giờ cũng là tập thể. Song năng lực làm việc trong nhóm của cán bộ chúng ta đúng là chưa thực sự hiệu quả, do chúng ta chưa thừa nhận và đánh giá phù hợp về vai trò của người điều hành hoạt động sáng tạo trong nhóm. Để cải thiện thực trạng này tôi cho rằng cần cụ thể hóa được bản chất đầu tư rủi ro của hoạt động khoa học và trao quyền tự chủ nhiều hơn nữa cho các nhà khoa học. 

Nguyễn Hà - [email protected]
Hiện nay cơ sở dữ liệu của phần mềm iCheck đã cập nhật đầy đủ các mặt hàng hay chưa? Việc cập nhật này iCheck có làm việc với doanh nghiệp để có thông tin chính xác hay không?
Ông Vũ Thế Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP iCheck

Hiện tại, iCheck phối hợp với GS1 Việt Nam, thông tin hoàn toàn đầy đủ, trong suốt, bảo đảm ánh sạ GS1 và iCheck. Công ty cũng kết hợp đóng góp hình ảnh sản phẩm từ phía người tiêu dùng và doanh nghiệp, cung cấp thông tin để bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp một cách tốt nhất.

Vũ Ngọc Thoa - [email protected]
Xin Phó Cục trưởng cho biết những kết quả nổi bật đã đạt được trong 5 năm triển khai Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011- 2015?
Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ

Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệÔng Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trong chương trình giao lưu trực tuyến

Trong giai đoạn 2011-2015, Chương trình đã hỗ trợ việc xác lập quyền (bảo hộ sáng chế) cho 61 giải pháp kỹ thuật và công nghệ và áp dụng thực tiễn 11 sáng chế; quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ cho 09 trường đại học và viện nghiên cứu; bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với 109 đặc sản địa phương mang địa danh; hỗ trợ thành lập 52 hiệp hội, hội để quản lý tài sản trí tuệ của cộng đồng; tập huấn về sở hữu trí tuệ cho hơn 30.000 lượt người; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên đài truyền hình của 49 địa phương với gần 3.000 số phát sóng. 

Hoạt động sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ cũng đã được khởi xướng mạnh mẽ ở các địa phương và đến nay, đã có 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và triển khai Chương trình riêng của địa phương mình, góp phần tích cực thúc đẩy năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa là thế mạnh và tiềm năng vùng, miền và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Trịnh Thị Thu - [email protected]
Ở Hưng Yên quê tôi có rất nhiều sản phẩm có thể đăng ký chỉ dẫn địa lý được nhưng gần như địa phương chưa làm điều đó, nếu thôn, xã muốn đề nghị trung ương cho phép tự liên kết và tiến hành thủ tục đăng ký hỗ trợ chỉ dẫn địa lý cho thôn, xã, có phù hợp không?
Ông Hoàng Văn Tân - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

Theo Luật Sở hữu trí tuệ (Điều 88)-Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước và Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Do đó, nếu chỉ dẫn địa lý đáp ứng đủ điều kiện được bảo hộ (Mục 6, Luật Sở hữu trí tuệ) thì thôn, xã là địa phương có chỉ dẫn địa lý, có thể tiến hành thủ tục đăng ký theo đúng trình tự thủ tục quy định, trong đó có việc đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép sử dụng địa danh làm chỉ dẫn địa lý. Việc lập hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý khá phức tạp, cho nên trước hết thôn, xã cần  liên hệ với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên để được hướng dẫn cụ thể. 

Nguyệt Thu - [email protected]
Đằng sau mỗi giấy chứng nhận là hàng loạt các vấn đề liên quan đến môi trường, xúc tiến thương mại, sự liên kết giữa các doanh nghiệp và địa phương trong việc tìm “đầu ra” cho các sản phẩm, sáng chế… Theo ông giải pháp nào có thể giải quyết được vấn đề này trong giai đoạn tới?
Ông Hoàng Văn Tân - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

Vấn đề liên quan đến môi trường, xúc tiến thương mại, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm...chỉ có thể được giải quyết bằng sự tham gia, phối hợp, cộng tác của tất cả các bên có liên quan. Đó là cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, các nhà khoa học, trong đó, như tôi đã nói ở trên, vai trò chủ động của tổ chức tập thể của các nhà sản xuất, kinh doanh đặc sản là cực kỳ quan trọng và mang yếu tố quyết định.

Hiện nay tình trạng các sản phẩm uy tín bị làm giả làm nhái là rất phổ biến nhìn từ góc độ người tiêu dùng thì đây có thể coi là một hành vi lừa đảo. Còn đối với doanh nghiệp thì đó là sự xâm phạm về quyền sở hữu trí tuệ. Vậy hiện nay chúng ta đã có những giải pháp gì để vừa bảo vệ người tiêu dùng, vừa bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp?
Ông Vũ Thế Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP iCheck

Giải pháp công nghệ là giải pháp hữu hiệu, nhanh và tiện nhất cho doanh nghiệp nhằm bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Từ đó công ty iCheck đã có giải pháp cụ thể dùng chuẩn GS1 để định danh hàng hóa doanh nghiệp nhằm bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo sợi dây tương tác giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, muốn bảo vệ thương hiệu cần chung tay của toàn xã hội và cộng đồng.

Ông Vũ Thế Tuấn giới thiệu phần tra cứu thông tin doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa trên điện thoại di động

Ông Vũ Thế Tuấn giới thiệu phần tra cứu thông tin doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa trên điện thoại di động

Lê Văn Giang - Lào Cai
Các địa phương sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thì việc tiếp theo là phát triển sản phẩm mang tính bền vững còn rất nhiều khó khăn. Vậy theo ông, giải quyết khó khăn này các địa phương cần phải làm gì?
Ông Hoàng Văn Tân - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

Ông Hoàng Văn Tân - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệÔng Hoàng Văn Tân - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đang trả lời các câu hỏi bạn đọc gửi tới chương trình Giao lưu trực tuyến

Để phát triển sản phẩm mang tính bền vững, theo tôi các địa phương cần có chính sách, kế hoạch rõ ràng về vấn đề này. Chính quyền các cấp cần quan tâm, tạo điều kiện giúp cho các nhà sản xuất và tổ chức tập thể của họ hoạt động tốt, hiệu quả, để họ chủ động cùng nhau tổ chức mọi khâu từ sản xuất, kiểm tra chất lượng, đưa sản phẩm ra thị trường, có biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Trong công việc này vai trò chủ động của tổ của tổ chức tập thể của các nhà sản xuất, kinh doanh đặc sản là cực kỳ quan trọng và mang yếu tố quyết định.

Thu Hương - [email protected]
Tính năng tra cứu thành phần hóa học của iCheck độ chính xác là bao nhiêu?
Ông Vũ Thế Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP iCheck

Ông Vũ Thế Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP iCheckÔng Vũ Thế Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP iCheck tại chương trình Giao lưu trực tuyến

Tính năng tra cứu thành phần hóa học của iCheck có độ chính xác hoàn toàn. Chất phụ da, thực phẩm, mỹ phẩm hiện tại trên bao bì sản phẩm đều là những ký tự hóa học hoặc viết tắt khiến người tiêu dùng không thể nhận biết được chất đấy có tính năng tốt xấu với người tiêu dùng ra sao. ICheck tổng hợp thông tin từ nguồn chính thống, Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Sáng chế xử lý môi trường tại làng nghề sản xuất miến và bánh đa tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình của trường ĐH Bách Khoa được đánh giá rất cao về tính thiết thực phục vụ lợi ích dân sinh hiệu quả. Xin ông chia sẻ thông tin thêm về sáng chế và kết quả áp dụng sáng chế này tại làng nghề của huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
GS. TS Nguyễn Văn Cách - Đại học Bách khoa Hà Nội

Sáng chế này là sản phẩm công nghệ của Việt Nam, trực tiếp nhằm góp phần giải quyết bài toán thực tiễn, sản phẩm có cấu trúc đơn giản, vận hành thuận tiện và hiệu quả, phù hợp với nguồn lực KHCN trong nước theo hướng tự chủ... và có năng lực hội nhập được với xu thế phát triển công nghệ quốc tế mới: xử lý và khai thác tài nguyên ô nhiễm. 

Nguyễn Xuân Long - [email protected]
Tiền phạt cao nhất đối với các vi phạm về tài sản trí tuệ ở Việt Nam như vi phạm pháp luật về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, sáng chế, giải pháp hữu ích... như thế nào, nếu nghiêm trọng có thể khởi tố hình sự không?
Ông Hoàng Văn Tân - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ

Tiền phạt cao nhất đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam là 500 triệu đồng. Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.

Minh Minh - [email protected]
Các nhà sáng chế thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển, thương mại hóa sản phẩm. Vậy GS-TS Nguyễn Văn Cách có lời khuyên như thế nào đối với họ để có thể phát triển và bán được các sản phẩm từ sáng chế của mình?
GS. TS Nguyễn Văn Cách - Đại học Bách khoa Hà Nội

Để phát triển được sản phẩm, cần hiểu rõ đã có sản phẩm cùng dạng đó chưa và nếu đã có rồi thì sản phẩm của mình phải bộc lộ được đặc tính mới đủ tạo ra khác biệt so sánh được so với dạng sản phẩm đã có; Bán được sản phẩm là bài toán khó, song tôi cho rằng sản phẩm phải có năng lực giải quyết được vấn đề thực tiễn và quan trọng hơn là tìm được người có nhu cầu và có năng lực khai thác sáng chế của các bạn. 

thương hiệu doanh nghiệp

Về đầu trang