Báo động thực trạng mỡ máu cao tại Việt Nam và khuyến nghị giải pháp kiểm soát, ngăn ngừa
Điều trị mỡ máu cao, lưu ý ngay '2 sai – 3 đúng'
Mỡ máu cao ở người thừa cân, béo phì: Tăng gấp đôi nguy cơ biến chứng
Giải pháp đồng thời cho mỡ máu cao và mỡ gan cao
Báo động thực trạng thừa cholesterol
Phát biểu tại Hội thảo “Báo động thực trạng thừa cholesterol - Hệ lụy và giải pháp" vừa diễn ra, PGS. TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, các bệnh mạn tính không lây là vấn đề sức khỏe mà ngành y tế đang rất quan tâm bởi sự ảnh hưởng sâu rộng của nó đến nhiều mặt của sức khỏe, tạo ra gánh nặng bệnh tật không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Ước tính, 80% số ca tử vong hiện nay đến từ các bệnh mãn tính.
Trong số các yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh mạn tính không lây thì rối loạn lipid máu hay mỡ máu cao là yếu tố nguy cơ chính của rất nhiều bệnh mạn tính không lây. Mỡ máu cao gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng nhưng cộng đồng vẫn còn thờ ơ, chưa được trang bị kiến thức và biện pháp kiểm soát đúng đắn trong khi tình trạng này hoàn toàn có thể kiểm soát và dự phòng bằng chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
PGS. TS Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Theo thống kê vào năm 2019 về “Gánh nặng bệnh tật toàn cầu”, mỡ máu cao gây ra gần 4,4 triệu ca tử vong trên toàn thế giới, tương đương 7,78% số ca tử vong trên toàn cầu. Đặc biệt, tại Việt Nam, theo thống kê, tỷ lệ người trưởng thành sống ở thành thị bị mỡ máu cao lên tới gần 50%. Trong đó, tình trạng thừa cholesterol do chế độ dinh dưỡng và lối sống không lành mạnh chính là nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng này. Mỡ máu đã và đang trở thành vấn đề báo động, vì vậy rất cần được quan tâm ngay từ bây giờ.
"Xuất phát từ lí do đó, Tổng hội Y học Việt Nam đã chỉ đạo Viện Y học ứng dụng Việt Nam về việc tổ chức và thực hiện hội thảo “Báo động thực trạng thừa cholesterol: Hệ lụy và giải pháp” nhằm cung cấp các thông tin khoa học hữu ích về thực trạng mỡ máu cao hiện nay tại Việt Nam và khuyến nghị một số giải pháp giúp kiểm soát, ngăn ngừa mỡ máu đến từ chế độ dinh dưỡng.
Việc cập nhật các kiến thức này cho đội ngũ cán bộ y tế Việt Nam và cho toàn thể cộng đồng là vô cùng quan trọng nhằm gióng lên hồi chuông cảnh báo, kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức và có cái nhìn toàn diện hơn về tình trạng mỡ máu cao, đồng thời đưa ra những giải pháp giúp dự phòng tình trạng mỡ máu cao tại Việt Nam", PGS. TS Nguyễn Thị Xuyên cho hay.
Tại Hội thảo, báo cáo tổng quan về tình hình mỡ máu cao do PGS. TS. Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm (Đại học Y Hà Nội) kiêm Phó trưởng khoa Dinh dưỡng và tiết chế (Bệnh viện Phổi Trung ương) trình bày cũng đã cập nhật một số xu hướng thay đổi về tình hình rối loạn chuyển hóa lipid máu, thừa cholesterol hiện nay trên thế giới, giải thích mối quan hệ giữa thừa cholesterol và tình trạng mỡ máu cao, đồng thời nhấn mạnh đến những hậu quả nghiêm trọng mà nó có thể gây ra đối với sức khỏe.
Giải pháp nào để hạn chế tình trạng máu mỡ cao?
Báo cáo của TS. BS. Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam được trình bày tại hội thảo cập nhật khuyến nghị dinh dưỡng mới nhất dành cho người bị thừa cholesterol máu từ các tổ chức quốc tế cũng như tại Việt Nam. Báo cáo cũng phân tích cụ thể ảnh hưởng của một số yếu tố dinh dưỡng đến tình trạng cholesterol máu, từ đó đưa ra các hướng dẫn cụ thể về việc lựa chọn từng nhóm thực phẩm tốt cho người bị mỡ máu cao, đặc biệt là những thực phẩm có chứa Phytosterol và Gamma-Oryzanol, hai dưỡng chất đã được nhiều nghiên cứu chứng minh có khả năng làm giảm cholesterol, ngăn ngừa mỡ máu.
TS. BS. Trương Hồng Sơn nhấn mạnh đến quan điểm sai lầm của người Việt cho rằng để giảm cholesterol, ngừa mỡ máu cao cần loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi khẩu phần ăn. Đây là quan niệm không đúng vì chất béo là nhóm chất thiết yếu mà cơ thể cần bổ sung mỗi ngày với hàm lượng hợp lý. Nhiều chế độ ăn tốt cho sức khoẻ trên thế giới cũng nhấn mạnh đến việc không cần thiết phải kiêng sử dụng chất béo hoàn toàn.
“Thay vì loại bỏ, chúng ta cần chọn lọc nguồn chất béo có lợi cho sức khoẻ để nạp vào cơ thể. Cụ thể, nên hạn chế sử dụng nguồn chất béo từ phủ tạng động vật, mỡ động vật, thức ăn nhanh, đồ đóng hộp… Thay vào đó, cần tăng cường bổ sung nguồn chất béo có lợi - thường được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển sâu như cá hồi, cá trích; trong quả bơ, ô liu, các loại dầu thực vật như dầu gạo lứt, dầu đậu nành, dầu hướng dương… Ưu tiên sử dụng các loại dầu ăn có chứa dưỡng chất Gamma-Oryzanol và Phytosterol vì còn có khả năng giảm hấp thụ cholesterol từ thực phẩm” - TS. BS Trương Hồng Sơn cho biết.
TS. BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam trình bày báo cáo cập nhật các khuyến nghị dinh dưỡng mới nhất dành cho người bị thừa cholesterol.
Cũng trong báo cáo của mình, TS. BS Trương Hồng Sơn đã đưa ra gợi ý về thực đơn chuẩn LIGHT dành cho người bị mỡ máu cao, dựa trên 5 nguyên tắc: L - Lựa chọn chất béo có lợi; I - Ít tiêu thụ da mỡ, nội tạng động vật; G - Giảm muối khi nấu nướng; H - Hạn chế rượu, bia; T - Tăng cường rau xanh, ngũ cốc.
Thống nhất các khuyến nghị
Sau khi được nghe trình bày các báo cáo khoa học về thực trạng thừa cholesterol và một số hướng dẫn dinh dưỡng dành cho người bị mỡ máu cao, Hội thảo đã thảo luận và thống nhất một số điểm chính. Cụ thể, xác định thực trạng trong những năm gần đây, mỡ máu cao tại Việt Nam là vấn đề sức khỏe đang ngày càng trở nên nghiêm trọng khi gần 50% người thành thị bị mỡ máu cao. Mỡ máu cao gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe như xơ vữa động mạch, gây hẹp, tắc mạch máu đến tim và não, nhưng lại chưa được nhiều người quan tâm và có thái độ đúng đắn.
Một trong số những giải pháp chính giúp dự phòng và cải thiện tình trạng mỡ máu cao là thay đổi chế độ dinh dưỡng. Cập nhật những hướng dẫn chế độ ăn uống mới nhất để ngăn ngừa tình trạng mỡ máu cao cho thấy, hiện nay, không cần thiết phải hạn chế chất béo trong khẩu phần ăn mà thay thế bằng việc lựa chọn, sử dụng chất béo có lợi cho sức khỏe như chất béo không bão hòa đơn, chất béo không bão hòa đa, hạn chế chất béo bão hòa, trans fat và hạn chế đường bổ sung. Ngoài ra, tăng cường bổ sung các dưỡng chất có lợi cho sức khỏe như Phytosterol, Gamma-Oryzanol từ thực phẩm và các loại dầu thực vật cũng là giải pháp mới góp phần cải thiện tình trạng thừa cholesterol.
Trong thời gian tới, các chuyên gia khuyến nghị cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về mức độ nguy hiểm và những hậu quả nghiêm trọng do tình trạng thừa cholesterol, mỡ máu cao gây ra, đồng thời hướng dẫn chế độ ăn lành mạnh tới toàn thể cộng đồng, nhằm nâng cao nhận thức cũng như cải thiện chế độ ăn uống của người Việt nói chung theo hướng tốt cho sức khỏe hơn.
Phong Lâm