Bão Noru rất mạnh, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống khi bão đổ bộ, hạn chế tối đa thiệt hại

author 16:14 25/09/2022

(VietQ.vn) - Cơn bão Noru được dự báo sẽ là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, di chuyển rất nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng. Để chủ động ứng phó với bão Noru, các tỉnh, thành phố cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống khi bão đổ bộ, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi họp ứng phó với bão Noru chiều 25/9/2022. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo UBND 16 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và 2 tỉnh ở Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai).

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Cần chủ động ứng phó với bão Noru, hạn chế tối đa thiệt hại. Ảnh: Ngọc Hà 

Bão Noru là một trong những cơn bão mạnh nhất 20 năm qua

Ông Phạm Đức Luận - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, hồi 10h00 ngày 25/9, vị trí tâm bão Noru ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 123,2 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật trên cấp 17.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông. Hồi 13 giờ ngày 25/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,1 độ Vĩ Bắc; 122,5 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng 110km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/giờ), giật trên cấp 17.

Dự báo chiều ngày 25/9, bão đổ bộ vào Philippines. Đêm 25/9, rạng sáng ngày 26/9, bão đi vào biển Đông (bão số 4) với cường độ cấp 13, giật cấp 16 và tiếp tục duy trì cường độ trong ngày 27/9; đêm 27/9, rạng sáng 28/9, bão đổ bộ vào khu vực miền Trung (dự kiến từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi).

Do ảnh hưởng của bão, từ khoảng chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 6-8m, vùng gần tâm bão sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội. Triều cường cao nhất thời điểm bão đổ bộ lúc 23h00 ngày 27/9 là 2,3m.

Trong 3 ngày vừa qua, các tỉnh ven biển từ Thái Bình đến Hà Tĩnh và Nam Trung Bộ có mưa lớn 100-250mm, một số trạm mưa lớn như: Sầm Sơn (Thanh Hoá) 332mm, Quỳnh Lưu (Nghệ An) 288mm, Xuân Bình (Phú Yên) 233mm.

Theo ông Trần Hồng Thái- Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, bão Noru là cơn bão rất mạnh, dự báo là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ (tương đương cơn bão số 6-Sangsane tháng 9/2006, bão số 9-Ketsana tháng 10/2009 và bão số 9-Molave tháng 10/2020).

Bão Noru.  Ảnh vệ tinh

Chủ động triển khai các biện pháp phòng chống khi bão đổ bộ

Ông Phạm Đức Luận cho biết, đã tổ chức kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn cho 57.840 tàu cá với hơn 300.000 lao động. Trong 24h tới (theo hệ thống giám sát tàu cá), cần phải kêu gọi 127 tàu trong vùng nguy hiểm (Bình Định 100 tàu, Quảng Ngãi 24 tàu, Quảng Nam 1, Phú Yên 2) đang trong vùng nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn. Hiện các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận chỉ đạo sẵn sàng các biện pháp ứng phó với bão gần biển Đông.

Đánh giá cao các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, kiểm tra trên thực tế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu, các địa phương bám sát công điện chỉ đạo của Chính phủ, tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác. Phó Thủ tướng cho rằng, công tác dự báo cực kỳ quan trọng, phải tham khảo rộng rãi, tất cả các cơ quan dự báo quốc tế để có đánh giá, dự báo chính xác.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tạm dừng, hoãn một số cuộc họp không thực sự cần thiết để lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống bão. Ban Chỉ đạo sẽ thành lập đoàn công tác của Chính phủ, các Bộ, ngành để kiểm tra thực tế. Phó Thủ tướng cho biết, sẽ trình Thủ tướng thành lập Ban chỉ đạo tiền phương.

Các địa phương khẩn trương khảo sát các nơi xung yếu, nhà cửa của người dân từ đó tính toán thời điểm, thời gian đưa bà con về nơi tránh trú an toàn khi bão đổ bộ vào đất liền; thành lập Ban chỉ đạo để lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh, thành phố cho đến các quận, huyện, xã; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm đảm bảo thời gian bị chia cắt có thể cung ứng kịp thời cho người dân"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang