Bảo vệ người tiêu dùng trước thông tin quảng cáo sai sự thật
Sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật: Tăng tính tương thích khi hội nhập quốc tế
Thủ tướng bấm nút khởi công Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh
Thông tin mới về lịch chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH
Quảng cáo ra đời dựa trên nhu cầu đưa sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng bằng các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, nhà sản xuất, đơn vị phân phối có thể áp dụng hình thức này để giới thiệu sản phẩm qua các kênh truyền thông chính thống và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,TikTok, Instagram...
Tuy nhiên, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội, không ít doanh nghiệp đã tung ra những quảng cáo sai sự thật về sản phẩm để đánh lừa người tiêu dùng... Thực tế đã có nhiều vụ việc sử dụng quảng cáo theo hướng tiêu cực, lạm dụng quảng cáo để thỏa mãn những tham vọng về doanh thu.
Sau khi tâng bốc về công dụng, chức năng của sản phẩm sẽ là những chiêu trò đánh lừa tâm lý người tiêu dùng như sản phẩm tốt, được ưu đãi giảm giá và số lượng có hạn... khiến người mua nhanh chóng đưa ra quyết định đặt mua khi chưa xác thực về rõ về nguồn gốc sản phẩm.
Có thể thấy, tình trạng quảng cáo sai sự thật gây ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng ở cả khía cạnh vật chất cũng như sức khỏe, tinh thần. Nhiều người khi sử dụng mới "tá hỏa" khi chất lượng thực tế của hàng hoá không giống như quảng cáo, thậm chí còn có nhiều sản phẩm ở mức độ kém, gây nguy hại đến sức khỏe.
Một thực trạng hiện nay đó là không ít người tiêu dùng bức xúc khi bắt gặp các quảng cáo lệch lạc, sai sự thật, gây nhiễu thông tin xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội. Một trong những trào lưu dễ nhận thấy nhất là các video quảng cáo sản phẩm "ngang nhiên tự tiện" gắn "mác" hoặc logo "nhà đài" để tạo lập lòng tin, đánh lừa người dùng; vấn nạn quảng cáo thuốc đông y, thực phẩm chức năng, sữa... được phóng đại giống như "thần dược" dễ gây ngộ nhận về tác dụng thực sự của sản phẩm.
Mới đây, trường hợp điển hình, bà Dương Kim Phụng (sinh năm 1970, trú tại Cà Mau), nghe theo quảng cáo trên mạng sử dụng thuốc điều trị rối loạn tiền đình, đau đầu, mất ngủ, đau nhức khớp gối bị nhiều năm trời, đã đi chữa trị bệnh nhiều nơi mà không hiệu quả. Nghe bà con lối xóm mách trên mạng xã hội có một loại thuốc trị được nhiều loại bệnh, bà đã tìm xem trên điện thoại.
Tại kênh "Cao Anh Trung Vlog" trên Youtube, bà Phụng thấy có quảng cáo bài thuốc nam gia truyền là bột ngải đen Cao Trung Sơn có thể trị được bách bệnh như: Xơ gan, tiểu đường, xương khớp thoát vị, ung thư, ung bướu, mỡ máu, gout, bướu cổ, dạ dày tá tràng, đau dây thần kinh tọa, tê bì chân tay, tai biến. Sản phẩm này có hình dạng viên con nhộng, màu nâu, đóng trong hộp nhựa đề chữ "Cao Trung Sơn - Hộ kinh doanh Cao Anh Trung - Số tự công bố: 04/CAT/2023 - địa chỉ: lô B3-10-11-12-12A đường số 12, Khu tái định cư lấn biển Tây Bắc, Phường Vĩnh Quang, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang - MST: 8125872071-001 - SĐT: 0907.96.97.83".
Do nóng lòng muốn chữa trị cho sớm khỏi bệnh, bà Phụng có nhờ một người cháu mua giúp trên mạng ba hộp để về sử dụng. Sau một thời gian uống thuốc, bà có biểu hiện buồn nôn, tức ngực khó thở, tim đập nhanh, thường xuyên bị hoa mắt chóng mặt. Trên mặt có biểu hiện da căng lên, đỏ ửng, dị ứng, tăng cân.
Tại Việt Nam theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ, nhà nước đưa ra quy định Luật Quảng cáo (sửa đổi) hiện nay chưa bảo đảm tính công bằng, bởi người chuyển tải sản phẩm quảng cáo dù thực hiện hành vi chuyển tải nội dung quảng cáo khác nhau vẫn phải chịu trách nhiệm như nhau.
Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng quảng cáo sai sự thật, cần đặt vấn đề trong chuỗi giá trị về quảng cáo với sự tham gia chính của bốn chủ thể: người quảng cáo - người chuyển tải sản phẩm quảng cáo - người phân phối/phát hành quảng cáo - người tiếp nhận quảng cáo. Trong trường hợp quảng cáo trên mạng xã hội, người phân phối quảng cáo là các nhà cung cấp nền tảng như Meta, YouTube…, có khả năng thiết kế, kiểm soát các tính năng công nghệ trên nền tảng của mình để thúc đẩy quảng cáo minh bạch. Do đó, các nhà lập pháp nên cân nhắc quy định nghĩa vụ của các nền tảng trung gian đối với quảng cáo minh bạch.
Trên thực tế, dù quy định này chưa có ở Việt Nam nhưng các nền tảng như Google, Facebook đều đã triển khai một số hoạt động bảo vệ người dùng như: gắn nhãn các nội dung được quảng cáo, rà quét và gỡ bỏ các nội dung quảng cáo vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, chặn gỡ quảng cáo vi phạm pháp luật theo báo cáo từ người dùng hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, để giải quyết tình trạng quảng cáo sai sự thật, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc xây dựng hướng dẫn quảng cáo minh bạch cho người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã công bố các quy tắc ứng xử về quảng cáo như: Hướng dẫn tiêu chuẩn quảng cáo cho người có tầm ảnh hưởng (Ad Standard Guidelines for Influencer) của Hiệp Hội Quảng cáo Quốc gia Australia; Công bố 101 dành cho người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (Disclosures 101 for Social Media Influencers) của Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ.
Khi cá nhân, tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng sự thật hoặc gây sự nhầm lẫn cho khách hàng về khả năng kinh doanh, cung cấp hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ của cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ; gây nhầm lẫn về chất lượng, số lượng, công dụng, giá cả, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, chủng loại, nguồn gốc xuất xứ, phương thức phục vụ và thời hạn bảo hành của hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ đã được đăng ký hoặc công bố, trừ các trường hợp sau đây:
- Hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc bị gây hiểu nhầm sản phẩm là thuốc theo khoản 4 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP: Phạt từ 30 - 40 triệu đồng.
- Hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng bị gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc để chữa bệnh theo điểm b khoản 4 Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP: Phạt từ 20 - 30 triệu đồng.
- Hành vi quảng cáo sai sự thật về công dụng, bản chất, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của thức ăn chăn nuôi/thuỷ sản, chất cải tạo môi trường chăn nuôi/thuỷ sản theo khoản 1 Điều 60 Nghị định 38/2021/NĐ-CP: Phạt từ 10 - 15 triệu đồng.
- Hành vi quảng cáo giống cây trồng không đúng sự thật hoặc gây sự nhầm lẫn cho khác hàng về khả năng kinh doanh giống cây trồng của cá nhân, tổ chức kinh doanh, nội dung được ghi trên nhãn hoặc nhãn hiệu theo điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định 38/2021/NĐ-CP: Phạt từ 05 - 10 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả bằng cách xóa bỏ, tháo gỡ, thu hồi sản phẩm, hàng hoá quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội và phải buộc cải chính thông tin, xin lỗi đối với hành vi vi phạm của mình theo quy định tại khoản 8 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Thanh Hiền (t/h)