Bí mật lời nguyền rùng rợn về kho báu 'độc nhất vô nhị' thế giới của Nga Hoàng

author 09:45 23/02/2018

(VietQ.vn) - Căn phòng hổ phách được làm từ vàng nguyên chất và hàng tấn đá quý tại Nga đến nay vẫn mất tích. Điều khiến người ta sợ chính là lời nguyền bí ẩn đằng sau nó.

Sự kiện: Khám phá vũ trụ

Căn phòng hổ phách (Amber Room) là một kiến trúc tuyệt đẹp. Các vách ngăn của phòng đều được làm từ hổ phách cùng vàng lá nguyên chất. Những tấm gương lúc nào cũng sáng bóng và được trang trí công phu. Những người tạo nên vẻ đẹp huyền ảo và danh tiếng lưu truyền đến muôn đời sau cho căn phòng là đội ngũ các nghệ nhân lão luyện, tay nghề đỉnh cao đến từ Đức, Nga, Đan Mạch...

Căn phòng là quà tặng cho Peter Đại Đế vào năm 1716 để mừng hòa bình giữa Nga và Phổ. Tuy nhiên, căn phòng có số phận kỳ lạ: Đức Quốc xã đã tháo dỡ nơi này trong Thế chiến II, và trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến, các thùng chứa chúng biến mất và đến nay vẫn chưa được tìm thấy qua nhiều thập kỷ.

 Nguyên bản phòng hổ phách tại Nga. Ảnh: VnExpress

 Nguyên bản phòng hổ phách tại Nga. Ảnh: VnExpress

Căn phòng hổ phách được xây dựng từ năm 1701. Ban đầu, phòng được đặt ở điện Charlottenburg, nơi ở của Friedrich Đệ Nhất - vị vua đầu tiên của nước Phổ. Căn phòng do nhà điêu khắc người Đức Andreas Schlüter thiết kế và được thợ hổ phách người Đan Mạch Gottfried Wolfram chế tác. Peter Đại Đế bày tỏ sự ngưỡng mộ với căn phòng trong một lần đến thăm. Vào năm 1716, Vua nước Phổ Frederick William Đệ Nhất đã tặng phòng hổ phách cho Peter Đại Đế, nhằm củng cố liên minh Nga-Phổ.

Căn phòng hổ phách được chuyển tới Nga bằng 18 hộp lớn và lắp đặt ở Dinh thự Mùa Đông tại St. Petersburg dưới tư cách là một phần bộ sưu tập nghệ thuật châu Âu. Năm 1755, căn phòng được chuyển về điện Catherine và được thiết kế lại để phù hợp với không gian rộng lớn hơn. Phần hổ phách sử dụng thêm được chuyển đến từ Berlin, Đức.

Sau khi được tu sửa vào thế kỷ 18, căn phòng có diện tích khoảng 55 m2, được trang trí bằng 6 tấn hổ phách và đá quý. Các tấm ốp hổ phách có nền dát vàng, với tổng trị giá ước tính 142 triệu USD. Nơi đây được dùng làm phòng thiền hay phòng họp cho các sa hoàng Nga.

Năm 1941, quân Đức tiến vào Liên bang Xô-viết, cướp đi hàng chục nghìn tác phẩm nghệ thuật, trong đó có cả căn phòng hổ phách, thứ phát-xít tin rằng do người Đức làm ra và dành cho người Đức.

Khi quân Đức đến Pushkin, các nhân viên và người trông coi cung điện Catherine cố gắng tháo dỡ và giấu phòng hổ phách dưới lớp giấy dán tường. Tuy nhiên, cách này không đánh lừa được quân Đức. Căn phòng bị dỡ sạch trong 36 tiếng, xếp vào 27 thùng và chuyển tới Königsberg (ngày nay là Kaliningrad), Đức. Phòng được dựng lại ở bảo tàng của lâu đài Königsberg trên bờ biển Baltic.

 Phòng hổ phách được phục dựng lại. Ảnh: Zing News

 Phòng hổ phách được phục dựng lại. Ảnh: Zing News

Hai năm sau, vào cuối năm 1943, khi quân  Đức đứng trước thất bại không thể tránh khỏi, căn phòng một lần nữa bị tháo dỡ và chuyển đi. Vào tháng 8/1944, quân Đồng Minh ném bom phá hủy bảo tàng của lâu đài. Từ đó, không ai hay biết gì về tung tích của căn phòng.

Thật khó tin hàng tấn hổ phách có thể biến mất như thế. Nhiều nhà sử học đã cố gắng giải mã bí ẩn này. Giả thuyết phổ biến nhất là các thùng chứa chúng đã bị phá hủy vào năm 1944. Một số cho rằng chúng vẫn ở Kaliningrad, trong khi vài người khẳng định chúng đã được chất lên tàu và đang nằm đâu đó dưới đáy biển Baltic.

Năm 1977, nhóm thanh tra nghệ thuật của Đức nhận được tin có người đang rao bán một mảnh của căn phòng hổ phách. Họ tìm thấy tấm ốp trong văn phòng của viên luật sư đại diện cho người bán tại Bremen. Tuy nhiên, người bán là con một binh lính quá cố và không biết nguồn gốc của tấm ốp này.

Căn phòng hổ phách được phục dựng từ năm 1979 ở Tsarskoye Selo và hoàn tất sau 25 năm, tiêu tốn 11 triệu USD. Căn phòng khai trương vào dịp kỷ niệm 300 năm của thành phố St. Petersburg và được trưng bày cho công chúng tham quan tại bảo tàng Tsarskoye Selo.

Ngày nay, khi bước vào chiêm ngưỡng căn phòng hổ phách đặt tại cung điện Catherine, nhiều du khách cho biết họ có cảm giác như đang bước vào chiếc hang chứa kho báu của những tên cướp trong câu chuyện thần thoại Alibaba. Nhiều kiến trúc sư và các nhà nghiên cứu nghệ thuật, lịch sử đều bày tỏ sự hài lòng trước căn phòng hổ phách được xây dựng lại này.

Tuy nhiên, điều khiến người ta không khỏi rùng mình đó là mỗi khi nhắc đến “Lời nguyền của căn phòng hổ phách” khi những nhân vật liên quan tới báu vật này đều có kết cục không may.

Giám đốc bảo tàng lâu đài Königsberg và vợ chết vì sốt ban khi KBG đang điều tra về căn phòng. Tướng Gusev, sĩ quan tình báo người Nga, chết trong một vụ tai nạn xe hơi sau khi nói chuyện với phóng viên về phòng hổ phách. Cựu lính Đức Georg Stein, người tìm kiếm căn phòng, bị sát hại vào năm 1987 trong rừng ở Bavaria.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang