Cần Thơ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng

(VietQ.vn) - Với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, thương mại và dịch vụ hàng đầu của Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ đang tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh.
Sự kiện: Năng suất chất lượng
Doanh nghiệp cần có chiến lược nâng cao năng suất lao động
Năng suất cao giúp giảm chi phí, nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp
Một số yếu tố ảnh hưởng đến năng suất
Doanh nghiệp bứt phá năng suất chất lượng tiến bước vào kỷ nguyên vươn mình
Viện trưởng Viện Kinh tế – Xã hội thành phố Cần Thơ Nguyễn Khánh Tùng nhấn mạnh: “Cần Thơ được quy hoạch phát triển trở thành trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa và thể thao. Đây là đô thị hạt nhân của Đồng bằng sông Cửu Long”.
Cần Thơ không ngừng nỗ lực để trở trung thành trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa
Thành phố đang nỗ lực thúc đẩy phát triển công nghiệp với những khoản đầu tư mạnh mẽ vào các khu công nghiệp hiện đại như Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (VSIP Cần Thơ), hứa hẹn tạo ra hàng nghìn cơ hội việc làm. Bên cạnh đó, tiềm lực khoa học công nghệ của Cần Thơ cũng ngày càng được nâng cao. Năm 2023, thành phố có 70 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ với 6.813 chuyên gia, trong đó có 1.202 tiến sĩ, 2.859 thạc sĩ và 1.955 người có trình độ đại học.
Để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao, thành phố đã ưu tiên đầu tư phát triển các dự án khoa học công nghệ có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, như Chương trình Năng suất – Chất lượng, đã góp phần chuyển đổi mô hình sản xuất từ đơn lẻ sang tập trung, từ sản phẩm thô sang sản phẩm có bao bì và tem nhãn, đồng thời bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ.
Ông Tạ Quốc Bảo - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ – Chủ đầu tư Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 nhận định: “Cần Thơ nổi bật như một điểm sáng về phát triển công nghiệp nhờ vị trí địa lý thuận lợi, gần các tuyến giao thông quan trọng và chi phí đầu tư hợp lý.” Đây cũng là động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp chế biến nông sản, điện tử, sản xuất phương tiện vận tải và cơ khí phát triển mạnh mẽ.
Không chỉ tập trung vào công nghiệp, Cần Thơ còn khẳng định vị thế “thủ phủ” của nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long thông qua mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Nông trường Sông Hậu tại huyện Cờ Đỏ đã biến vùng đất hoang hóa thành trung tâm sản xuất nông sản hiện đại với diện tích gần 7.000 ha. “Trước đây gia đình tôi trồng lúa, nay chuyển sang trồng khoai lang tím với áp dụng khoa học kỹ thuật, hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều,” ông Trần Thanh Nhàn - nông dân trồng khoai lang tím tại xã Thới Hưng chia sẻ.
Cùng với đó, lĩnh vực giáo dục và y tế tại Cần Thơ cũng đang được cải tiến mạnh mẽ thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. PGS. TS Nguyễn Hiếu Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng hệ thống trung tâm học liệu số, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên truy cập tài liệu mọi lúc, mọi nơi.” Trong y tế, công nghệ được tích hợp vào quy trình chăm sóc sức khỏe, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực. Theo Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 30/6/2021, Sở Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành giải ngân hỗ trợ 10 doanh nghiệp thực hiện dự án KH&CN thuộc Chương trình Năng suất – Chất lượng năm 2023 với tổng kinh phí 959,4 triệu đồng. Song song đó, thành phố đã tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia chương trình, tổ chức khảo sát tại 25 doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tham gia dự án năm 2024.
Đồng thời, 4 hội đồng tư vấn đã được thành lập để chủ trì 6 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho 20 doanh nghiệp, bao gồm việc tư vấn và chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế như: tư vấn và chứng nhận Tiêu chuẩn HACCP - Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (Xét giao trực tiếp cho 2 doanh nghiệp thực hiện); tư vấn và chứng nhận Tiêu chuẩn ISO 9001:2015 - Hệ thống quản lý chất lượng - Các yêu cầu (8 doanh nghiệp); tư vấn và chứng nhận Tiêu chuẩn ISO 14001:2015 - Hệ thống quản lý môi trường (1 doanh nghiệp); tư vấn và chứng nhận Tiêu chuẩn ISO 22000:2018 - Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (3 doanh nghiệp); tư vấn và chứng nhận Tiêu chuẩn FSSC 22000 - Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (3 doanh nghiệp); tư vấn và chứng nhận Tiêu chuẩn VietGAP - Hệ thống quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản ở Việt Nam (3 doanh nghiệp).
Sở Khoa học và Công nghệ đã trình Chủ tịch UBND thành phố ban hành quyết định phê duyệt danh sách doanh nghiệp được hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình Năng suất - Chất lượng năm 2024 (Quyết định số 2008/QĐ-UBND ngày 10/9/2024). Đây là bước đi chiến lược nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Cần Thơ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Sau 20 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với sự quyết tâm, đoàn kết của Đảng,chính quyền và nhân dân, cùng sự ủng hộ của các cơ quan trung ương, nhà đầu tư và doanh nghiệp, Cần Thơ đang từng bước khẳng định vị thế chiến lược của mình và tích lũy thế lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.
Thành Long