Cẩn trọng với loại 'bí ngô hạt dẻ' đang gây sốt trên chợ mạng
Cần thiết xây dựng tiêu chuẩn dược liệu từ sản phẩm đinh lăng
Cẩn trọng trước chiêu thức lừa đảo ứng trước lương qua ngân hàng
Cẩn trọng khi tải ứng dụng bảo mật giả và đặt vé xem bóng đá ngoại hạng Anh trên mạng xã hội
'Bí ngô hạt dẻ' hiện đang là mặt hàng được nhiều người tiêu dùng tìm mua và thưởng thức. Lợi dụng nhu cầu này, nhiều đối tượng đã tìm cách đưa các sản phẩm không đảm bảo an toàn bán ra thị trường kiếm lợi.
Chị H.N, đang rao bán loại bí ngô được quảng cáo là "ngon nhất thế giới" trên chợ cư dân Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội) với giá 65 ngàn đồng/2 quả. Chị N. giới thiệu đây là giống bí từ Jeju được trồng tại Trung Quốc. Giá bán lẻ 40 ngàn đồng/quả, với trọng lượng 300-400 gram. Tuy nhiên, nếu mua nhiều từ 2 quả trở lên, theo thùng, giá sẽ rẻ hơn. Mỗi ngày chị bán khoảng 40-50 quả. Nhiều người hiếu kỳ về hương vị đặc biệt của loại quả này nên mua ăn thử. Tuy nhiên, khi người dùng hỏi về tem truy xuất, nguồn gốc của sản phẩm bí ngô thì chị N. không phản hồi.
Theo nhiều người bán hàng, loại quả bí ngô này được giới thiệu là ăn được cả vỏ, khi hấp hoặc nướng bí có hương vị mùi hạt dẻ. Bí còn có thể làm thức ăn dặm cho trẻ nhỏ hoặc các món cho người lớn. Đặc biệt, tên của loại bí ngô là là Jeju nghe giống một đảo nổi tiếng ở Hàn Quốc, nên nhiều người dùng hiếu kỳ muốn thưởng thức. Do vậy, bí ngô hạt dẻ này đã gây "sốt" chợ mạng.
Loại bí ngô mini đang gây sốt trên mạng nhưng theo các chuyên gia cần thận trọng trước sản phẩm nhập lậu. Ảnh: Sở hữu trí tuệ
Liên quan tới loại bí ngô mini này, mới đây theo thông tin từ cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an quận Tây Hồ, phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 9 thuộc Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra một cơ sở kinh doanh trái cây nhập khẩu tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Đại diện của cơ sở này là ông L.V.Đ, sinh năm 2003, có hộ khẩu thường trú tại xã Cổ Bì, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 25 thùng quả bí ngô mini, mỗi thùng chứa 5 quả. Tất cả các thùng đều có nhãn mác bằng tiếng nước ngoài và không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng. Đây được xác định là hàng hóa nhập lậu, không tuân thủ quy định về nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trên thị trường Việt Nam.
Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội kêu gọi người dân và các doanh nghiệp kinh doanh tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, không tiếp tay cho hành vi buôn bán hàng nhập lậu. Người dân nếu phát hiện các cơ sở có dấu hiệu vi phạm, hãy kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.
Việc kiểm tra và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm như vụ việc này cho thấy sự quyết tâm của các cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Những hành động này không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường trong nước.
Theo các chuyên gia, việc buôn bán trái cây nhập lậu không chỉ vi phạm các quy định pháp luật về thương mại và hải quan, mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Các sản phẩm này không qua kiểm định chất lượng, không đảm bảo điều kiện bảo quản, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, thực tế quả bí ngô này của Trung Quốc đã được nhập về Việt Nam từ mấy năm trước. Tuy vậy, năm nay do số lượng lớn, được nhiều người bán quảng cáo rầm rộ nên "sốt hàng".
Theo ông Bình, bí ngô là mặt hàng với nhiều chủng loại đã được trồng ở Việt Nam, tuy vậy nước ta chưa trồng được loại bí ngô mùi hạt dẻ này. Do vậy, nhiều người có tâm lý muốn thưởng thức hương vị lạ. Người tiêu dùng mua dùng thử, sau đó so sánh với hàng nội địa xem cái nào ngon hơn thì sẽ lựa chọn lâu dài.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong thương mại là trao đổi 2 bên nên không thể cấm nhập khẩu rau quả Trung Quốc. Tuy vậy, cơ quan chức năng Việt Nam cần phải kiểm soát chặt về chất lượng hàng hóa. Nhập rau quả vào phải kiểm tra chất lượng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, hàng kém chất lượng cần phải trả về.
Với người tiêu dùng, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả khuyến cáo nên sử dụng hàng có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng, lựa chọn cơ sở phân phối uy tín gắn với cam kết đảm bảo chất lượng.
An Dương (T/h)