Cần xử lý nghiêm hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả
SHB tung loạt ưu đãi đặc quyền cho chủ thẻ quốc tế tại hơn 200 thương hiệu
Phát hiện nhiều cơ sở sản xuất nước uống không đạt QCVN 6-1:2010/BYT
Qua công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh đối với cửa hàng tạp hóa Hiếu Sa do bà Trương Thị Kim Thâm (SN 1977, hộ khẩu thường trú khu phố 4, phường An Phú, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) làm chủ, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Bình Dương phát hiện, bắt quả tang đối tượng Phạm Thị Lý (sinh năm 1989, hộ khẩu thường trú phường An Phú, thành phố Thuận An) đang giao 150 gói bột ngọt có dấu hiệu nghi vấn giả mạo nhãn hiệu cho bà Trương Thị Kim Thâm.
Tại thời điểm này, Công an cũng phát hiện tại cửa hàng tạp hóa Hiếu Sa đang bày bán nhiều gói ột ngọt có dấu hiệu nghi vấn giả mạo nhãn hiệu.
Làm việc với cơ quan chức năng, bà Trương Thị Kim Thâm thừa nhận hành vi thu mua bột ngọt từ bà Phạm Thị Lý với giá tiền là 18.500 đồng/gói và bán cho người tiêu dùng với giá tiền là 32.000 đồng/gói.
Tiến hành khám xét nơi ở của bà Phạm Thị Lý tại khu phố 1A, phường An Phú, thành phố Thuận An, Công an phát hiện tạm giữ nhiều tang vật, phương tiện, máy móc, thiết bị để sản xuất, buôn bán hàng giả gồm: Máy ép, máy hút chân không, hơn 45 kg bao bì có in nhãn hiệu nổi tiếng cùng nhiều gói hàng hóa (bột ngọt, bột nêm, bột giặt…) giả nhãn hiệu được đóng gói thành phẩm chờ đem đi tiêu thụ. Tổng giá trị tài sản tạm giữ ước tính hơn 97 triệu đồng.
Cần xử lý nghiêm hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả.
Làm việc với cơ quan Công an, bà Phạm Thị Lý thừa nhận là người trực tiếp thu mua nguyên liệu là bột ngọt, bột nêm và bột giặt thuộc các nhãn hiệu có chất lượng thấp hơn, sau đó sử dụng máy móc, thiết bị để đóng vào các bao bì mang nhãn hiệu nổi tiếng, đã được bảo hộ để bán ra thị trường nhằm mục đích thu lợi nhuận bất chính.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm được quy định tại điều 193, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau: Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Buôn bán qua biên giới; Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng; Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Thu lợi bất chính 1.500.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên; Làm chết 02 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên”;
Sửa đổi, bổ sung khoản 6, Điều 193 như sau: Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 18.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm”.
An Nguyên