Chi phí ổn định hệ thống ngân hàng từ 12 – 14 tỉ USD?

author 18:19 03/10/2012

(VietQ.vn) - Tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ bị chi phối mạnh bới tiến độ giải quyết các vấn đề dễ tổn thương trong lĩnh vực tài chính.

Tài chính vẫn nóng

Theo báo cáo mới nhất về triển vọng phát triển châu Á 2012 của ADB, những rủi ro trong nước tác động đến triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam sẽ chủ yếu đến từ lĩnh vực tài chính. Chu kỳ tăng trưởng tín dụng nhanh chóng, sau đó là chính sách thắt chặt và suy giảm tăng trưởng kinh tế, cùng với sự suy yếu của thị trường bất động sản, đã tạo ra ngày càng nhiều áp lực cho ngành ngân hàng

Trong tháng 7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ có thể hơn 9%, cao hơn nhiều so với tỷ giá công bố chính thức là 4,5% được công bố vào cuối tháng 5. Tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống ngân hàng tăng nhẹ trong 7 tháng đầu năm lên mức 14%, cao hơn so với mức 9% do NHNN quy định.

Tuy nhiên, mức độ nợ xấu không rõ ràng và bảng cân đối đầy rủi ro của một số ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng làm ăn với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thua lỗ và làm ăn dàn trải, đặt ra những câu hỏi về vấn đề an toàn vốn.

Một báo cáo được các chuyên gia tư vấn công bố trong tháng 9 trên trang web của Ủy ban Kinh tế Quốc hội ước tính chi phí để ổn định hệ thống ngân hàng là từ 12 – 14 tỉ USD.

Sở hữu chéo giữa các ngân hàng không phải là vấn đề xấu

Về các biện pháp tài chính và tiền tệ, ông Dominic Meller, chuyên gia kinh tế của ADB nhận định, các biện pháp này sẽ không gây nhiều tác động đến tăng trưởng kinh tế, trừ khi chúng mang lại lợi ích cho nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ đó tạo ra công ăn việc làm mới.

Hiện tại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp khó khăn trong việc vay vốn của ngân hàng. Các công ty này không được hưởng lợi nhiều từ việc giãn thanh toán thuế theo gói tài chính được ban hành trong tháng 5.

“Thực tế việc vay vốn của ngân hàng trong thời điểm hiện tại là rất khó khăn đối với các doanh nghiệp nhỏ. Các ngân hàng chỉ cấp vốn cho những khách hàng quen và có tài sản thế chấp đảm bảo”, ông Dominic Meller phát biểu.

Sở hữu chéo không phải là xấu

Ông Tomoyuki Kimura - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, cho biết ADB đánh giá cao các kế hoạch cải cách lĩnh vực tài chính và các bước đi quan trọng đã được tiến hành cho đến nay như việc sáp nhập một số ngân hàng yếu kém.

Về mối liên kết giữa các ngân hàng, bao gồm cả sở hữu chéo và ngân hàng cho vay các công ty có liên quan, ông Kimura cho rằng, sở hữu chéo không phải là một vấn đề xấu.

Trong sản xuất, đặc biệt là ở những công ty tư nhân, việc sở hữu chéo sẽ đảm bảo mối quan hệ ổn định giữa các doanh nghiệp với nhau. Còn trong hệ thống ngân hàng, sở hữu chéo giúp các ngân hàng lớn có thể giúp đỡ và hỗ trợ các ngân hàng nhỏ khi cần thiết.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, sở hữu chéo lại được xem là vấn đề đáng lo ngại. Nguyên nhân chính là do Việt Nam đang thiếu đi khung chính sách quản lý và khả năng điều hành.

“Vấn đề này đòi hỏi NHNN phải cung cấp thông tin một cách rõ ràng và giám sát chặt chẽ việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng với nhau… Việc công bố thông tin tài chính về các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước sẽ là tín hiệu mạnh mẽ về cam kết cải cách của chính phủ", ông Kimura nhận định.

Trong bản báo cáo lần này, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 5,1%, từ mức 5,7% đưa ra trong báo cáo hồi tháng 4. Lạm phát cũng được dự báo ở mức khoảng 7% vào cuối năm 2012, đưa tỷ lệ lạm phát trung bình của cả năm lên 9,1%, thấp hơn so với dự báo trước kia. Tuy nhiên, dự báo lạm phát Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với mức 3,9% của khu vực Đông Nam Á trong khi tăng trưởng lại chỉ đạt mức trung bình.

Hà Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang