Chiến lược dài hơi đảm bảo sự phát triển ổn định cho ngành bán lẻ
Nghi vấn Amazon sử dụng trái phép thông tin của các nhà bán lẻ khác
Giảm thời gian bán xăng dầu, một cửa hàng bán lẻ bị xử lý
Hơn 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã khiến hầu hết người dân đã chuyển dần thói quen mua sắm, từ trực tiếp sang trực tuyến. Trước sự thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng, các nhà bán lẻ cần nắm bắt xu hướng để có thể chuyển mình nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Đưa ra những chiến lược dài hơi để có thể đảm bảo sự phát triển ổn định trong ngành bán lẻ trong bối cảnh mới, bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc bộ phận nghiên cứu của Savills Việt Nam cho rằng, các thương hiệu cần phải chú ý đến những kế hoạch bền vững để giữ được lượng khách trung thành của mình, song song với đó là những chiến lược về dịch vụ chăm sóc khách hàng, hậu mãi ngay trong thời gian tới.
“Các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị cần duy trì chặt chẽ các biện pháp về 5K để coi việc thực thi quy định này như một tiêu chuẩn của quá trình bình thường mới”, bà Trang lưu ý.
Bên cạnh đó, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp bán lẻ đã nỗ lực để thích ứng, như củng cố hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự; đổi mới phương thức kinh doanh phù hợp với tình hình. Đáng chú ý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong bối cảnh dịch bệnh, ngành bán lẻ đã đẩy mạnh hơn phương thức bán hàng đa kênh, trong đó kênh bán hàng trực tuyến tăng trưởng nhanh chóng.
“Các doanh nghiệp bán lẻ đã và đang nỗ lực chuyển mình để đáp ứng với xu thế mới của thị trường. Trong thời gian dịch bệnh, lượng hàng được mua trực tuyến tăng gấp nhiều lần so với trước dịch và tăng so với kênh bán hàng trực tiếp. Đây chính là động lực cho phát triển ngành này trong thời gian tới”, bà Hậu nêu ý kiến.
Ngoài các yếu tố tích cực, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các doanh nghiệp, nhà bán lẻ, thương nhân, tiểu thương... dù kinh doanh ở kênh bán lẻ nào cũng cần xác định đối tượng khách hàng mục tiêu để có phương thức kinh doanh, bán hàng phù hợp.
Cụ thể là thời gian qua, các nhà quản lý đã nỗ lực xúc tiến việc đưa hàng Việt vào các hệ thống phân phối nước ngoài, với mục đích đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu, mở rộng quy mô thị trường cho hàng Việt, và trên thực tế, quá trình này đã đạt được những kết quả rõ nét.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, việc đưa hàng hóa trong nước vào hệ thống phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã thực sự trở thành một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững. Nhờ đó, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam đã tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối toàn cầu.
Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng, việc đưa hàng Việt trực tiếp thâm nhập vào mạng lưới bán lẻ nước ngoài không chỉ thúc đẩy kim ngạch hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, mà còn góp phần xây dựng một hệ thống các doanh nghiệp cung cấp hàng Việt bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe, hướng tới sự phát triển bền vững.
Trên thực tế, các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa đều nắm rõ vấn đề này, song không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được những điều kiện, quy định. Khó khăn chủ yếu vẫn là do quy mô doanh nghiệp chi phối nguồn vốn và nguồn lực khiến mẫu mã cũng như chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế, dẫn tới khó có thể cạnh tranh sòng phẳng với nhiều sản phẩm của các nước khác...
Mai Phương