Chọn sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, xây dựng thương hiệu quốc gia nâng tầm nông sản Việt

author 13:56 07/04/2023

(VietQ.vn) - Hiện nay, mặc dù nhiều mặt hàng trong nước có kim ngạch xuất khẩu tăng kỷ lục nhưng chưa tạo được thương hiệu riêng dẫn tới giá trị sản phẩm chưa cao.

Thực trạng nhức nhối về thương hiệu của nông sản Việt Nam trên thị xuất khẩu thế giới

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam lần đầu tiên đạt con số kỷ lục với 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Mặc dù xuất khẩu kỷ lục là vậy nhưng thực tế tôm Việt vẫn chưa có thương hiệu. Do đó, trong định hướng phát triển sắp tới, các tỉnh có thế mạnh về tôm như Cà Mau, Bạc Liêu đều định hướng xây dựng thương hiệu cho con tôm để tăng giá trị sản phẩm, phát triển trung tâm công nghiệp ngành tôm với mục tiêu đến năm 2025 đạt kim ngạch xuất khẩu 1,3 tỉ USD và trở thành một trong những địa phương có doanh thu từ con tôm cao nhất cả nước trong ngành tôm.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, việc xây dựng thương hiệu tôm thực tế khó khăn thách thức rất lớn. Đầu tiên là Bạc Liêu chưa có nhiều nhà máy chế biến. Sản lượng chế biến mới đạt khoảng 80.000 tấn/năm, chiếm khoảng 30% sản lượng tôm 420.000 tấn/năm của toàn địa phương. Chính vì vậy, tỉnh mời gọi và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến tôm cũng như cùng địa phương xây dựng thương hiệu cho con tôm của Bạc Liêu.

Không chỉ riêng trong ngành sản xuất và chế biến tôm xuất khẩu, thực trạng đáng buồn về thương hiệu cũng xảy ra ở nhiều mặt hàng nông sản khác. Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, đứng thứ 2 và chiếm gần 15% sản lượng toàn cầu. Thế nhưng cách đây chưa đầy 1 tháng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lê Minh Hoan trong một hội nghị liên quan đến ngành này vẫn phải đặt câu hỏi "Cà phê Việt ở đâu trên bản đồ thế giới?". Bởi, xét về sản lượng, Việt Nam là cường quốc xuất khẩu cà phê nhưng nếu nói về độ nhận diện hầu như chưa có gì đáng kể. Là nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, tiêu, điều, trái cây, rau quả, thủy hải sản... nhưng tính đến thời điểm hiện tại, có đến 80% sản lượng nông sản xuất khẩu Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cần xây dựng thương hiệu thì nông sản Việt mới có giá trị cao. Ảnh minh họa

Thiệt hại của việc xuất khẩu không có thương hiệu được bà Võ Thị Tam Dân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Trà Rồng Vàng, dẫn chứng cụ thể: Trà ô long hái tay chất lượng cao, giá xuất khẩu thô chỉ dao động 10 - 12 USD/kg. Tuy nhiên, sau khi các nước nhập khẩu sơ chế, đấu trộn, đóng gói dưới thương hiệu của đơn vị nhập khẩu thì bán ra thị trường với giá cao gấp hàng chục lần. "Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu trà, đứng thứ 7 về sản xuất trà. Sản phẩm trà của Việt Nam xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia… Tuy nhiên, khoảng 90% sản lượng trà xuất khẩu vẫn ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu, xuất khẩu trà dưới dạng thành phẩm có thương hiệu còn rất hạn chế", bà Dân nói.

Ngay cả với gạo, được coi là mặt hàng xây dựng thương hiệu mạnh nhất trong các nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, thì GS-TS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam với hạt gạo, nói thẳng: "Câu chuyện xây dựng thương hiệu nông sản đã bàn rất lâu nhưng vẫn chưa có những thay đổi lớn. Nguyên nhân bắt nguồn từ 3 bên. Đầu tiên là nhà nước cũng chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc quảng bá thương hiệu cho nông sản Việt. Thứ hai, DN không có nguồn nguyên liệu, không có diện tích lớn nên muốn xuất khẩu gạo thì phải mua qua thương lái là chính. Ngay cả các tổng công ty lương thực mạnh nhất Việt Nam cũng không có nguồn nguyên liệu. Thứ ba là từ chính người nông dân. Muốn làm dự án lớn, trồng lúa trên diện tích 10.000 ha đất là không dễ khi đồng ruộng phân mảnh. Muốn tập hợp người nông dân lại rất khó, bởi họ không muốn phá bờ thửa ruộng của mình. Nếu chúng ta có thể giải quyết những khó khăn đó thì việc xây dựng thương hiệu dễ dàng hơn".

Cần lựa chọn mặt hàng nông sản có lợi thế cạnh tranh để xây dựng thương hiệu đại diện cho quốc gia

Trước những tồn đọng về việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group kiến nghị: Việt Nam cần chọn lựa 1 - 2 nông sản đại diện cho quốc gia, kêu gọi sự đồng lòng của các tầng lớp, các bộ ngành để chung tay quảng bá. "Đây không chỉ là trách nhiệm của Bộ NNPTNT, hay Bộ Công Thương, mà còn là trách nhiệm nhiều bộ ngành khác như du lịch, văn hóa... cũng phải vào cuộc", ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, việc lựa chọn 1-2 sản phẩm đặc trưng để xây dựng thương hiệu là cách Mỹ đã làm, tập trung quảng bá cherry, táo và từ đó trở thành nông sản đặc trưng. New Zealand cũng chọn quảng bá trái kiwi dù đất nước họ có rất nhiều loại nông sản hấp dẫn khác. Ở nước ngoài, họ chọn những trái ngon nhất, thượng hạng nhất dành cho xuất khẩu, loại 2 mới dành cho tiêu thụ trong nước và dưới nữa mới dành cho chế biến. Ví dụ như cherry, muốn thưởng thức trái này ngon nhất là ở Việt Nam chứ không phải ở Mỹ vì trái ngon nhất họ đã lựa chọn để xuất khẩu sang Việt Nam. Trong khi đó, nhìn lại thị trường Việt Nam, dù trái cây Việt Nam rất đa dạng, phong phú, nhưng cần có sản phẩm đặc thù để nâng tầm lên và tập trung quảng bá chứ không thể đánh đồng món nào cũng ngon.

Đồng quan điểm, ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nutifood chia sẻ, nếu không biết lợi thế của sản phẩm nông sản là gì thì sẽ rất khó để xây dựng thương hiệu. Phải biết loại cây nào, loại trái cây nào sẽ có lợi thế cạnh tranh trong dài hạn thì mới thành công. Chẳng hạn, nếu đem táo, lê của Việt Nam cạnh tranh với Úc thì thua chắc nhưng nếu mang chôm chôm, sầu riêng đi thì chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hơn. Bên cạnh đó, làm thương hiệu cho nông sản, theo ý kiển của ôngTrần Bảo Minh, không chỉ có vùng sản xuất rồi dán tên vào sản phẩm và mang đi xuất khẩu. Phải xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp, mang lại giá trị lớn cho tất cả mọi đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị, vào hệ sinh thái đó.

Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (ngoài cùng bên phải) chia sẻ tại buổi tọa đàm

Chia sẻ tại tọa đàm “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt” ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương)- cho biết: Nên hiểu thương hiệu theo 3 cấp độ khác nhau như thương hiệu quốc gia, trên cơ sở xây dựng thương hiệu cho một loại quả, cây nào đó; thương hiệu về ngành hàng mang tính chất địa phương như quả vải ở Bắc Giang và Hải Dương; cuối cùng hết sức quan trọng là thương hiệu doanh nghiệp bao gồm thương hiệu sản phẩm, công ty, cá nhân doanh nghiệp. “Đôi khi xây dựng thương hiệu lại gắn với sự kiện nào đó. Ví dụ cá tra Việt Nam tự nhiên rất nổi tiếng vì Mỹ đánh thuế chống phá giá liên tục. Người tiêu dùng các nước tò mò, từ đó thương hiệu cá tra Việt Nam được nhiều người biết”- ông Chinh cho biết thêm.

Ngoài ra, trong bối cảnh Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ là những lợi thế mà doanh nghiệp cần tận dụng. Và muốn tận dụng, quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng thương hiệu sản phẩm trong hệ sinh thái chế biến, vừa giúp tăng giá trị gia tăng và vượt qua rào cản để xuất hàng đi, bên cạnh đó cần đưa tinh thần xanh vào khi xây dựng và đánh giá sản phẩm để làm thương hiệu.

Theo chương trình Thủ tướng Chính phủ giao, từ năm 2019, tầm nhìn 2030, Bộ Công Thương phải phát triển thương hiệu thực phẩm với 9 mặt hàng như: Chè, cà phê, tiêu, hạt điều, rau quả, ngũ cốc, thủy sản, rau quả tươi, mật ong. Tuy vậy không phải đưa hết những mặt hàng này vào làm thương hiệu mà có sự chọn lựa, sàng lọc. Phải tính toán xem lợi thế mặt hàng nào vào có khả năng vượt đối thủ cạnh tranh không để xây dựng. Hiện Bộ Công Thương đang lồng ghép việc xây dựng thương hiệu vào các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với sự hỗ trợ của các ngành hàng.

Cái khó của Việt Nam là sự phong phú của nhiều loại giống trong một loại nông sản. Chẳng hạn, riêng gạo có cả 100 loại giống, trong khi Thái Lan chỉ có vài loại họ mới xây dựng được. Nếu cứ xây dựng thương hiệu quốc gia cho cả 100 loại giống này, không biết chọn loại nào. Do đó việc lựa chọn xây dựng thương hiệu đối với loại hoa quả nào phải tính đến lợi thế cạnh tranh. Không phải cứ loại quả nào cũng mang ra làm thương hiệu

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang