Chủ động nguồn cung nguyên liệu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu

author 06:27 27/02/2023

(VietQ.vn) - Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn mang nặng tính chất gia công, lệ thuộc nhiều vào nước ngoài, dẫn đến việc tiếp tục phải nhập khẩu lớn máy móc thiết bị, phụ tùng và nguyên vật liệu cho sản xuất các ngành công nghiệp trong nước.

Thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng, thay thế cho ngành nông nghiệp đang ngày càng giảm tỷ trọng trong tổng sản phẩm trong nước, giúp nền kinh tế tránh khỏi nguy cơ tụt hậu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam đã có sự phát triển tích cực, đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Ảnh minh họa.

Nhìn chung, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam đã có sự phát triển tích cực, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận và thể hiện vai trò quan trọng tạo nền tảng phát triển kinh tế. Hệ thống cơ sở vật chất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với quy mô lớn, phong phú về chủng loại, đa dạng về cơ cấu đã được hình thành, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế quốc dân.

Tỷ trọng giá trị tăng thêm của công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng trong GDP của toàn bộ nền kinh tế; sản phẩm chế biến, chế tạo đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới; năng lực của doanh nghiệp chế biến, chế tạo không ngừng nâng cao.

Trong một số ngành, trình độ của công nghiệp chế biến, chế tạo đã dần tiệm cận với tiến bộ khoa học - công nghệ trên thế giới, đáp ứng được nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu sang thị trường nhiều nước có yêu cầu chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam vẫn mang nặng tính chất gia công, lệ thuộc nhiều vào nước ngoài, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt dẫn đến việc tiếp tục phải nhập khẩu lớn máy móc thiết bị, phụ tùng và nguyên vật liệu cho sản xuất các ngành công nghiệp trong nước.

Đơn cử như đối với ngành da giày, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, chúng ta cần chủ động sản xuất nguyên phụ liệu tại Việt Nam vừa để chủ động nguồn cung ứng cũng như gia tăng các giá trị sản phẩm. Tiếp đó, Hiệp hội vẫn tiếp tục kiến nghị hỗ trợ các hoạt động để đầu tư vào phát triển khu công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là những dòng sản phẩm có chất lượng giá trị cao như các mặt hàng da thuộc, các mặt hàng giả da...

Trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diện khẳng định sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm để đạt mục tiêu tăng trưởng công nghiệp, trong đó, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất trước các rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng; Ưu tiên đảm bảo nguồn cung, đặc biệt là các mặt hàng, nguyên vật liệu có khả năng thiếu hụt tạm thời hoặc trong dài hạn để có chính sách thúc đẩy nguồn cung phù hợp; Tiếp tục triển khai các chương trình kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang