Chú trọng công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm

author 08:27 17/09/2022

(VietQ.vn) - Công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Theo Báo cáo của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tăng trưởng kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm 2022 phục hồi mạnh mẽ bất chấp bối cảnh kém lạc quan của nền kinh tế toàn cầu. Đa số các chỉ số kinh tế vĩ mô đều khá tích cực. Xuất khẩu tăng trưởng khá cao mặc dù các nền kinh tế đối tác gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, với 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục xu hướng tăng. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước 8 tháng đạt trên 285,4 nghìn tỷ VND, bằng 51% kế hoạch, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 8 tháng đạt 12,8 tỷ USD tăng 10,5%, cao nhất từ năm 2018 đến nay.

Công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng. Ảnh minh họa.

Khu vực doanh nghiệp dần phục hồi, doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp trở lại thị trường tăng rất mạnh. Số doanh nghiệp ngành dịch vụ quay trở lại thị trường trong 8 tháng năm 2022 tăng tới 55,7% trong khi số thành lập mới tăng 21,9% so cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến chế tạo, có mức tăng khá đồng đều ở các phân ngành.

Từng trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao. Quan trọng nhất, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, chủ động và linh hoạt nhằm bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2022 ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

 
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới đây, lạm phát Việt Nam năm 2022 được dự báo ở mức 3,5 - 3,8% và còn dư địa cho điều chỉnh chính sách kích thích phục hồi kinh tế.
 

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, trong bối cảnh mới, để đạt mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đặt ra phải thực hiện thành công Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, nhất thiết phải đáp ứng được 3 yêu cầu chính, đó là phải khẩn trương, kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp; tiếp đến là tăng khả năng hấp thụ, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực; và việc công khai, minh bạch vừa là giải pháp vừa là yêu cầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hoàn thành mục tiêu chương trình.

“Để Chương trình thực sự là “phao cứu sinh” giúp phục hồi và vực dậy nền kinh tế, đòi hỏi nỗ lực của tất cả các bên, từ Nhà nước đến người dân và doanh nghiệp. Bản thân mỗi doanh nghiệp trước hết tự thay đổi để thích ứng với thay đổi trong bối cảnh mới. Doanh nghiệp cần năng động, chủ động, sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh, thói quen tiêu dùng và công nghệ mới”, ông Hiếu khẳng định.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang