Chuyển đổi đô thị xanh: Giải pháp tất yếu cho tương lai bền vững
Chuyển đổi xanh của ngành dệt may, da giày: Thách thức và cơ hội
Chuyển đổi xanh: Giải pháp toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu
Tháo gỡ khó khăn để thị trường bất động sản phát triển bền vững
Phát triển công trình xanh: Chìa khóa ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững
Sự cần thiết của đô thị xanh trong bối cảnh đô thị hóa toàn cầu
Tốc độ đô thị hóa trên phạm vi toàn thế giới đang gia tăng mạnh mẽ, với hơn một nửa dân số toàn cầu hiện sinh sống tại các thành phố. Tại Việt Nam, theo Bộ Xây dựng, tốc độ đô thị hóa đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên 42,6% vào năm 2023, và dự kiến sẽ vượt 50% vào năm 2030. Sự phát triển nhanh chóng này mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức nghiêm trọng như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, quản lý rác thải, và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Chuyển đổi đô thị xanh được xem là chìa khóa để giải quyết những vấn đề này, hướng tới xây dựng các thành phố bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời nâng cao chất lượng sống cho cư dân. Đô thị xanh không chỉ dừng lại ở việc mở rộng không gian xanh, mà còn tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, quản lý hiệu quả tài nguyên và ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Chuyển đổi đô thị xanh là chìa khóa phát triển bền vững.
Quá trình chuyển đổi đô thị xanh không chỉ bảo vệ môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích lâu dài về kinh tế, xã hội và sức khỏe. Về kinh tế, các thành phố xanh tạo điều kiện thúc đẩy phát triển bền vững thông qua tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí vận hành và phát triển ngành công nghiệp thân thiện với môi trường.
Về xã hội, đô thị xanh giúp cải thiện chất lượng sống của người dân, giảm các bệnh lý liên quan đến ô nhiễm môi trường và cung cấp không gian sống lành mạnh, hài hòa với thiên nhiên. Bên cạnh đó, các giải pháp đô thị xanh cũng tăng cường khả năng thích ứng của các thành phố trước những rủi ro từ biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững cho thế hệ tương lai.
Tại Việt Nam, đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng với sự gia tăng dân số tại các thành phố lớn từ 1 đến 1,3 triệu người mỗi năm. Tuy nhiên, quá trình này cũng bộc lộ nhiều hạn chế như quy hoạch chưa đồng bộ, hạ tầng còn manh mún, và thiếu sự định hướng rõ ràng về mô hình đô thị xanh.
Những vấn đề nổi cộm bao gồm ô nhiễm không khí, mật độ giao thông cao, khả năng quản lý rác thải yếu kém và sự thiếu hụt không gian xanh. Tất cả những thách thức này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc chuyển đổi các đô thị theo hướng xanh và bền vững, nhằm cải thiện môi trường sống và khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong hành trình chuyển đổi xanh, sự hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng. Một ví dụ tiêu biểu là mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch. Ngày 1/11/2023, hai quốc gia đã chính thức ký kết Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh (GSP), đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững.
Tại buổi Tọa đàm Tọa đàm “Hợp tác để Xanh hơn – Chuyển đổi Đô thị Xanh – từ Đan Mạch đến Việt Nam”, bà Mette Ekeroth - Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam đã chia sẻ: “Việt Nam và Đan Mạch chia sẻ cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững trong khuôn khổ Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh. Chúng tôi rất vinh dự được là người bạn lâu năm và đối tác đáng tin cậy của Việt Nam trong hành trình phát triển kinh tế - xã hội đầy ấn tượng.
Hiện nay, trọng tâm quan hệ hợp tác phải được đặt vào quá trình chuyển đổi sang mô hình phát triển xanh và bền vững hơn. An ninh kinh tế cần phải đi đôi với an ninh xã hội và môi trường. Được xếp hạng trong top 3 các thành phố bền vững và đáng sống nhất thế giới, Copenhagen có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ và truyền cảm hứng cho Việt Nam trên hành trình chuyển đổi đô thị xanh.
Bà Henriette Vamberg - Giám đốc điều hành Gehl Architects (Đan Mạch) chia sẻ: “Gehl đã có hơn hai thập kỷ làm việc với các thành phố trên toàn thế giới để giải quyết những thách thức cấp bách gây ra bởi các mô hình giao thông từ quá khứ. Các giải pháp mà chúng tôi đưa ra vừa táo bạo trên quy mô lớn, vừa mang tính chiến lược và cụ thể. Có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau trong quá trình chuyển đổi đô thị xanh.”
Những giải pháp và định hướng cho đô thị xanh tại Việt Nam
Theo TS.KTS Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, xây dựng đô thị xanh đòi hỏi một tầm nhìn tổng thể bao gồm cả quy hoạch không gian xanh, tăng trưởng kinh tế xanh và phát triển công nghiệp văn hóa. Việc thay đổi quy hoạch là bình thường, như các bộ luật cũng phải thay đổi cho phù hợp thực tế hơn.
Thay đổi, bổ sung quy hoạch là để tăng thêm những tiêu chuẩn cho đô thị sống tốt, đô thị xanh, lành mạnh, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ. Nếu thay đổi quy hoạch mà làm cho đời sống người dân kém đi thì phải xem xét. Chúng ta vẫn hay nói là lấy người dân làm thước đo, thì phải xem người dân ở mỗi đô thị họ cần gì. Thí dụ như, người thích chơi golf nên muốn ở gần nơi tiện đường đến sân golf. Người yêu bóng đá thích sống ở nơi tiện đến sân bóng đá. Hay người thích những khu đô thị sang trọng, yên tĩnh sẽ lựa chọn đi xa khỏi trung tâm, và họ hài lòng, vui vẻ vì điều đó, hạnh phúc vì điều đó.
Còn để sửa lỗi những khu đô thị đã hiện hữu là vấn đề lớn mà Nhà nước và chủ đầu tư cần kết hợp, làm sao bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên. Do đó cần chính sách đặc thù để cải thiện hệ thống phòng cháy, chữa cháy, xây dựng thêm trường học, bệnh viện, đường giao thông, bãi đỗ xe… Với những điểm nóng về thiếu hụt bãi đỗ xe thì có thể xây dựng bãi đỗ xe nhiều tầng và có chính sách khuyến khích nhà đầu tư. Việc này cũng phải làm nhanh để bảo đảm lợi ích của cư dân đang sống ở những nơi đó.
“Với góc độ là Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, chúng tôi luôn luôn ủng hộ một xu hướng nghiên cứu, để duy trì một đô thị thực sự xanh, từ hoạt động của từng gia đình, khu đô thị hoạt động công nghiệp,... đô thị phải vì con người, rất mong sự ủng hộ của Đại sứ quán Đan Mạch tiếp tục đồng hành hỗ trợ, xây dựng đô thị của Việt Nam ngày càng bền vững hơn”, TS. KTS Ngô Trung Hải nhấn mạnh.
Về mối liên hệ giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, ThS. KTS Nguyễn Hoàng Phương - Chuyên gia cấp cao NetZero khẳng định, chuyển kép là tất yếu, chuyển đổi số sẽ tạo ra những công cụ để đo lường chuyển đổi xanh. Đơn cử như thí điểm vùng phát thải thấp (LEZ) tại Hoàn Kiếm, Hà Nội quy định phải có tối thiểu 1 năm liền kề có chất lượng không khí không vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Hà Nội phải tiến hành kiểm kê nguồn phát thải ô nhiễm không khí. Do đó, cần phải có những công cụ để đo lường mức độ phát thải, ô nhiễm nước, không khí, phương tiện giao thông, tỷ lệ cây xanh,... điều này đòi hỏi sự áp dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số.
Sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi đô thị xanh. Các doanh nghiệp cần đầu tư vào giải pháp năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, và quản lý rác thải hiệu quả. Đồng thời, cộng đồng cần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, từ việc giảm sử dụng phương tiện cá nhân đến tái chế rác thải hàng ngày.
Theo ThS. KTS Nguyễn Hoàng Phương: "Người gây ô nhiễm cần phải trả tiền", việc áp dụng các tiêu chuẩn phát thải cho phương tiện giao thông và khuyến khích sử dụng phương tiện điện là bước đi cần thiết để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
“Muốn thay đổi xã hội, con người cần thay đổi nhận thức của bản thân, ý thức trách nhiệm với tập thể bắt đầu bằng những thói quen giảm phát thải như sử dụng phương tiện công cộng, phương tiện điện. Bản thân tôi khi tham gia sự kiện đã để ô tô ở nhà để đi xe buýt điện tới đây”, ThS.KTS Nguyễn Hoàng Phương chia sẻ.
Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh giữa Việt Nam và Đan Mạch là một ví dụ điển hình về hợp tác quốc tế trong chuyển đổi đô thị xanh. Các lĩnh vực hợp tác bao gồm khí hậu, năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn và y tế. Điều này không chỉ giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu phát triển bền vững mà còn tạo cơ hội thúc đẩy các sáng kiến xanh trên phạm vi toàn cầu.
Chuyển đổi đô thị xanh không chỉ là một xu hướng mà còn là một nhu cầu tất yếu để đối mặt với những thách thức của đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu này, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng và các đối tác quốc tế. Đầu tư vào đô thị xanh không chỉ bảo vệ môi trường mà còn nâng cao chất lượng sống, tạo nền tảng cho một tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau.
Duy Trinh