Chuyển đổi xanh: Hướng đi tất yếu để phát triển bền vững khu vực Duyên hải miền Trung
Động lực nào cho doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình năng suất xanh?
Phát triển phương tiện giao thông điện trở thành ưu tiên hàng đầu để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”
Chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững là mục tiêu 'sống còn'
Chuyển đổi xanh trong sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật
Chuyển đổi xanh hướng đi tất yếu của khu vực Duyên hải miền Trung. Ảnh minh họa
Hướng đến phát triển bền vững
Việt Nam đang nằm trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành, khu vực miền Trung, với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng hơn trong đời sống và sản xuất kinh doanh. Những thảm họa thiên nhiên như bão lũ và hạn hán không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân mà còn gây ra những hệ lụy lớn đối với doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế khu vực.
Về phía ông Phạm Ngọc Thạch - Phó trưởng ban Pháp chế VCCI, nhấn mạnh rằng khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có tiềm năng phát triển mạnh mẽ về kinh tế biển, hệ thống đô thị và kết nối giao thông quốc tế. Tuy nhiên, để tận dụng những lợi thế này, việc phát triển phải đi đôi với bảo vệ môi trường và áp dụng các tiêu chuẩn phát triển xanh.
Mục tiêu của khu vực là phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, với tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn đạt 90%. Khu vực cũng đặt mục tiêu xử lý triệt để 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và xây dựng các khu công nghiệp theo hướng bền vững và sinh thái.
TS. Đặng Hồng Hạnh - Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường (VNEEC), cho rằng chuyển đổi xanh là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên liên quan. Địa phương cần xác định rõ các giải pháp và tiêu chí phù hợp để đạt mục tiêu net-zero và thúc đẩy tăng trưởng xanh.
TS. Đặng Hồng Hạnh nhấn mạnh: “Chính quyền địa phương cần ban hành các chính sách phù hợp, tăng cường liên kết vùng và quốc gia để thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời xây dựng các chỉ số giám sát để đánh giá và cải tiến các kế hoạch thực hiện.”
Cũng theo TS. Đặng Hồng Hạnh, chuyển đổi xanh không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh, cải thiện phúc lợi xã hội và giảm thiểu rủi ro môi trường. “Việc bảo vệ vốn tự nhiên và sử dụng hiệu quả tài nguyên là điều cần thiết để đảm bảo phát triển bền vững,” vị chuyên gia khẳng định.
Thách thức và giải pháp cho Duyên hải miền Trung
Tuy nhiên, khu vực Duyên hải miền Trung vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm 97,8% tổng số DN trong khu vực. TS. Hoàng Hồng Hiệp - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, cảnh báo rằng động lực tăng trưởng của khu vực đang dựa quá nhiều vào các ngành công nghiệp nặng phát thải cao, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
"Hoạt động sản xuất tại các khu kinh tế, khu công nghiệp vùng Duyên hải miền Trung mang đậm tính chất ”tăng trưởng nâu”, chưa có nhiều địa phương chuyển đổi theo hướng xanh, sinh thái. Biến đổi khí hậu có ảnh hưởng to lớn đến tăng trưởng kinh tế của các địa phương của khu vực (biến số của tăng trưởng). Song biến số này chưa được các được các địa phương tích hợp vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, TS. Hoàng Hồng Hiệp nhận định.
TS. Hoàng Hồng Hiệp đề xuất cần thiết kế chính sách phát triển đột phá, đặc biệt là trong việc thúc đẩy tích tụ và tập trung kinh tế tại các vùng động lực. Đồng thời, cần loại bỏ tư duy “tăng trưởng bằng mọi giá” và thay thế bằng chiến lược phát triển bền vững và xanh. “Chính quyền địa phương cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường kinh doanh và đặc biệt là xây dựng hệ thống đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề”, TS. Hoàng Hồng Hiệp khuyến nghị.
Duy Trinh (t/h)