Động lực nào cho doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình năng suất xanh?

author 05:12 25/08/2024

(VietQ.vn) - Năng suất xanh hay còn gọi là Green Productivity, là khái niệm kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Thay vì chỉ tập trung vào việc tăng sản lượng, năng suất xanh hướng đến tối ưu hóa quá trình sản xuất để vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Hiện nay, biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức riêng của một quốc gia mà đã và đang trở thành vấn đề cấp bách trên phạm vi toàn cầu, gây ảnh hưởng đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mỗi quốc gia, tổ chức, cá nhân cần có những hành động thiết thực nhằm ngăn chặn những hệ quả từ biến đổi khí hậu.

Theo đó, năng suất xanh hay còn gọi là Green Productivity, là khái niệm kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Thay vì chỉ tập trung vào việc tăng sản lượng, năng suất xanh hướng đến tối ưu hóa quá trình sản xuất để vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Năng suất xanh là sự kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa.

Nói về động lực doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình năng suất xanh, ông Nguyễn Hữu Tú - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Miza, cho biết khách hàng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm thân thiện với môi trường; nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch, giảm thiểu ô nhiễm được ban hành;

Các quy định về bảo vệ môi trường ngày càng chặt chẽ; Có cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính ưu tiên cho doanh nghiệp có các dự án thân thiện với môi trường; Doanh nghiệp ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và đóng góp cho cộng đồng;…

Tuy nhiên, ông Tú cho rằng, việc áp dụng mô hình năng suất xanh với doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt một số rào cản, thách thức như: Chi phí đầu tư vào công nghệ đòi hỏi nhiều vốn, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể đáp ứng được; Khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; Nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu nhân lực có kiến thức, kỹ năng về năng suất xanh, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai và vận hành; Thông tin về công nghệ mới, các giải pháp năng suất xanh chưa được phổ biến rộng rãi, khiến doanh nghiệp khó tìm kiếm và lựa chọn; Nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm xanh đã tăng nhưng nhu cầu chưa thực sự lớn. Giá thành sản phẩm xanh thường cao hơn cũng là yếu tố khiến người tiêu dùng e ngại khi lựa chọn sản phẩm; Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình năng suất xanh chưa rõ ràng và chi tiết.

Một chương trình đào tạo về năng suất xanh cho doanh nghiệp tại Quảng Ngãi.

Bà Nguyễn Thu Hiền – Phó Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam – Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho hay, những năm gần đây, Uỷ ban đã và đang tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về năng suất xanh như: Tăng cường hội nghị, hội thảo, truyền thông giúp doanh nghiệp tiếp cận sâu hơn với năng suất xanh; Cung cấp các khóa đào tạo để doanh nghiệp có thêm kiến thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;…

Đồng thời, năng suất xanh cũng đang là một trong những nội dung rất quan trọng trong Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang