Công nghiệp hỗ trợ tích cực áp dụng tiêu chuẩn, công cụ quản lý trong sản xuất

author 08:51 12/05/2022

(VietQ.vn) - Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo, trong đó đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo.

Thời gian qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang tạo sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thể hiện ở vốn FDI vào ngành thường chiếm tỷ lệ cao nhất về số dự án và vốn đăng ký trong giai đoạn 2011-2020. Chính phủ, các địa phương, nhiều tổ chức đã có sự hỗ trợ cho ngành chế biến chế tạo, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đánh giá, nhờ khả năng cung cấp một số linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp trong nước, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam cũng từng bước nâng cao trình độ, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, độ chính xác cao, góp phần tăng giá trị gia tăng.

Công nghiệp hỗ trợ tích cực áp dụng tiêu chuẩn, công cụ quản lý trong sản xuất. 

Trong đó, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện của Việt Nam có năng lực tốt ở các lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại… Các sản phẩm này đã đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia.

Cũng theo Cục Công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo, trong đó đã hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo như: Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát... Điều này đã tạo nền tảng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Nói tới thành công của ngành công nghiệp hỗ trợ, có lẽ chúng ta không thể không kể đến câu chuyện từ trường hợp của Tập đoàn SamSung. Cụ thể, năm 2014, Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng cho sản phẩm Galaxy S4 và Tab, nhưng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã không thể đáp ứng được dù chỉ là linh kiện đơn giản nhất và phải chấp nhận thất bại ngay trên “sân nhà”.

Một năm sau, để không bỏ lỡ cơ hội, 4 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã đạt cấp độ nhà cung ứng cấp 1 của Samsung và tiếp tục gia tăng số lượng nhà cung ứng cho Samsung trong những năm sau đó. 

Theo đó, số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 doanh nghiệp năm 2018 lên 42 doanh nghiệp. Số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018 lên 170 doanh nghiệp. 240 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới cung ứng của Samsung.

Nhân viên Samsung tại dây chuyền sản xuất. 

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, dù Chính phủ và các địa phương, nhiều tổ chức đã có sự hỗ trợ cho ngành chế biến, chế tạo, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước với nhau nhưng yêu cầu của doanh nghiệp FDI về nhà cung cấp chủ yếu xoay quanh chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng, yếu tố công nghệ... Trong đó, vấn đề về giá và quản trị các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh so với doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan.

Vì thế, để giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các FDI, cần hỗ trợ họ nâng cao năng lực thông qua các chính sách khuyến khích chuyển đổi số và đầu tư vào sản xuất điện tử.

Theo chia sẻ của ông Harsono, Phòng Quan hệ đối ngoại - Hiệp hội Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp chế tạo ô tô Indonesia, hàng năm, các đơn vị sẽ có kế hoạch hành động như đào tạo chuyên gia từ sơ cấp, cao cấp đến cấp quốc gia. Các chuyên gia này sẽ tới những doanh nghiệp và giúp họ phát triển, cải thiện hệ thống, chất lượng sản xuất từ cấp thấp lên cao.

"Chúng tôi xây dựng bộ tiêu chuẩn năng lực quốc gia cho sản xuất tinh gọn; chương trình đào tạo theo từng cấp độ từ 0 đến 5; trong đó, cấp độ tối thiểu để cung ứng cho ô tô là cấp độ 3 - sản xuất ổn định với những tiêu chuẩn kèm theo. Có như vậy, các doanh nghiệp sẽ biết mình nằm ở đâu và phải nâng cấp năng lực từng bước như thế nào", ông Harsono nói.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang