Cụ ông bị hoại tử chân do tự mua thuốc trị tiểu đường theo toa cũ

author 07:27 04/06/2023

(VietQ.vn) - Mới đây, một cụ ông 70 tuổi tại Vĩnh Long bị hoại tử chân, suýt phải cắt cụt tứ chi do tự mua thuốc điều trị tiểu đường.

Nguồn tin từ Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, các bác sĩ vừa điều trị cứu lấy chân bị hoại tử của bệnh nhân do tự ý mua thuốc uống điều trị đái tháo đường theo toa cũ. Trước đó, ông N.V.C (70 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng áp xe bàn chân phải, đã rạch áp xe, sưng đau bàn chân phải. Chỗ sưng lan rộng toàn bộ bàn chân và cẳng chân phải, có điểm hóa mủ kèm theo sốt từng cơn.

Bệnh nhân không đi khám mà tự mua và dùng thuốc. Sau khi dùng thuốc, tình trạng bệnh không đỡ mà thấy mệt nhiều, sốt, sưng đau, chảy mủ chân tăng lên. Lúc này, bệnh nhân mới nhập viện điều trị. Gia đình cho biết, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường (đã điều trị 10 năm), ung thư gan (đã điều trị nút mạch hóa chất động mạch gan (TACE) 4 lần), xơ gan, viêm gan C, tăng huyết áp và bệnh gout nhiều năm nay.

Cụ ông bị hoại tử chân do tự mua thuốc trị tiểu đường theo toa cũ. Ảnh: Thanh Niên 

Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân nhiễm trùng huyết từ viêm mô bào cẳng chân phải trên nền ung thư gan đã TACE, xơ gan, viêm gan C, giảm Albumin máu, rối loạn điện giải, hội chứng cushing, tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, trào ngược dạ dày thực quản.

Bệnh nhân được tiêm truyền kháng sinh, kháng viêm, bù corticoid, điều chỉnh điện giải, ổn định đường và huyết động, cắt lọc mô hoại tử chăm sóc vết loét nhiễm trùng chân tại chỗ, điều trị triệu chứng kèm.

Sau 12 ngày, tình trạng người bệnh cải thiện tốt, vết loét chân sạch mủ lên ít mô hạt. Bệnh nhân được kê toa xuất viện hướng chăm sóc vết loét chân tại nhà và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. BS.CK2 Thạch Thị Phola, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, trường hợp bệnh nhân V. nhiễm trùng rất nặng, có nguy cơ cắt cụt chi. Nếu không được điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Mellatec, nhiều người sau khi thấy bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm thường tự ý dừng uống thuốc tiểu đường mà không xin ý kiến bác sĩ. Điều này rất nguy hiểm, không những có thể khiến tình trạng chuyển biến xấu mà còn gây khó khăn trong cả quá trình điều trị. 

Ngoài ra, nhiều người không tin tưởng vào thuốc Tây mà tìm kiếm những phương thuốc Đông y khác để điều trị. Nhưng cũng có nhiều trường hợp ngừng thuốc do gặp phải các tác tác dụng phụ trong quá trình sử dụng.

Bệnh tiểu đường không chỉ liên quan đến rối loạn đường huyết mà còn liên quan đến quá trình chuyển hóa đạm, mỡ. Những rối loạn này phải trải qua rất nhiều giai đoạn, không phải tất cả giai đoạn đều được biểu hiện bằng các triệu chứng dễ dàng nhận thấy.

Ngoài ra, chỉ số đường huyết chỉ đánh giá được mức độ rối loạn đường huyết chứ không thể đánh giá các rối loạn khác. Hơn nữa, máy đo đường huyết tại nhà cũng không được chính xác như tại bệnh viện, dễ có những sai lầm. Vì thế, không thể dựa vào kết quả chỉ số đường huyết đó mà tự ý dừng uống thuốc tiểu đường. Điều này có thể gây ra nhiều rủi ro đáng tiếc.

Nhưng dù dừng uống thuốc tiểu đường do nguyên nhân nào đi nữa mà không được sự cho phép của bác sĩ đều không nên. Dù chỉ số đường huyết của người bệnh trở về mức bình thường, các triệu chứng đã thuyên giảm nhưng việc dừng uống thuốc rất nguy hiểm. Một khi dừng uống thuốc, bất cứ lúc nào đường huyết cũng có thể tăng lên, khiến bệnh tình trầm trọng hơn, gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vì thế, nếu có ý định tốt nhất nên đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán về tình trạng sức khỏe và đưa ra hướng giải quyết phù hợp nhất. Bên cạnh đó, người bệnh đái tháo đường nên theo dõi thường xuyên đường huyết tại nhà, đồng thời có chế độ ăn uống hợp lý và tái khám định kỳ để tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang